Điểm lại các giải Nobel Văn học trong 10 năm trở lại đây
Từ năm 2010 đến nay, giải Nobel Văn học 2 lần thuộc về tác giả Mỹ (2020, 2016), các tác giả còn lại lần lượt thuộc các quốc gia: Áo, Ba Lan, Anh, Belarus, Pháp, Canada, Trung Quốc, Thụy Điển và Peru.
Chiều 8/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố nữ nhà thơ người Mỹ Louise Gluck là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học năm 2020.
Bà Gluck được trao Giải Nobel Văn học vì "giọng thơ không thể nhầm lẫn, nét đẹp toát lên từ sự thống khổ, khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ biến."
Hãy cùng nhìn lại giải Nobel Văn học trong 10 năm gần đây:
Năm 2019: Giải Nobel Văn học 2019 thuộc về Peter Handke, một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và dịch giả người Áo.
Ông được trao giải vì những tác phẩm của ông có tầm ảnh hưởng với sự tinh tế của ngôn ngữ, khám phá ngoại vi và tính đặc thù của kinh nghiệm con người.
Tác phẩm của ông được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một số tác phẩm của ông còn được chuyển thể thành phim, trong đó có “The Goalie’s Anxiety At the Penalty Kick” của nhà làm phim Đức Wim Wenders.
Năm 2009, ông từng được trao giải Franz Kafka, dành cho những tác giả có sáng tác độc đáo, khiến độc giả không còn bận tâm đến nguồn gốc xuất thân, bối cảnh văn hóa mà tác phẩm ra đời.
Nhà văn Peter Handke còn tham gia viết nhiều kịch bản phim, làm đạo diễn tác phẩm “The Left-Handed Woman” ra mắt năm 1978 và được đề cử giải Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes năm đó.
Năm 2018: Giải Nobel Văn học 2018 thuộc về nhà văn Olga Tokarczuk, người Ba Lan, với những cuốn tiểu thuyết luôn đề cập đến những nền văn hóa, giữa tự nhiên và văn hóa, lý trí, thân thuộc và xa lạ.
Bà được đánh giá là nhà văn "có trí tưởng tượng độc đáo với niềm đam mê đầy uyên bác, vượt khỏi mọi rào cản của cuộc sống."
Văn chương của bà bắt đầu đột phá từ tiểu thuyết “Prawiek i inne czasy” (tạm dịch: Thời nguyên thủy và những thời đại khác), xuất bản năm 1996.
Bà còn vinh dự nhận giải Văn học danh tiếng Man Booker năm 2018 với tiểu thuyết "Flights."
Năm 2017: Giải Nobel Văn học 2017 thuộc về nhà văn người Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro với những cuốn tiểu thuyết "đầy sức mạnh cảm xúc, đã mở ra một biển cả sâu thẳm nằm bên dưới những cảm nhận mơ hồ của chúng ta về sự kết nối trong thế giới."
Ông cũng được đánh giá là một trong những tiểu thuyết gia hiện đại nổi tiếng nhất trong nền văn chương Anh ngữ hiện nay với 4 lần được đề cử giải Man Booker.
Một số tác phẩm nổi tiếng của ông gồm “Never let me go” (Mãi đừng xa tôi), “The Remains of the Day” (tạm dịch: Điều còn lại trong ngày).
Năm 2016: Giải thưởng Nobel Văn học 2016 thuộc về nhà thơ, nhà văn, huyền thoại âm nhạc nổi tiếng người Mỹ Bob Dylan. Ông được coi là tượng đài văn hóa của thế kỷ 20 và từng được mệnh danh là "lãng tử du ca."
Theo đánh giá của Hội đồng Nobel, ông Bob Dylan xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Văn học vì đã "sáng tạo ra những cách thể hiện mới đầy chất thơ trong nền âm nhạc truyền thống vĩ đại của Mỹ."
Năm 2015: Nữ nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich giành giải Nobel Văn học 2015 vì có những tác phẩm văn học "mang đầy âm sắc, tiêu biểu cho sức chịu đựng và lòng dũng cảm trong thời đại."
Trong sự nghiệp viết văn của mình, nữ nhà văn Alexievich đã tập trung mô tả con người trong xã hội Liên Xô cũ. Thông qua những sự kiện lịch sử, bà mô tả về con người bằng hàng ngàn cuộc phỏng vấn với trẻ em, phụ nữ và nam giới, và bằng cách này bà đã cung cấp cho người đọc lịch sử sinh động của con người, của cảm xúc, của tâm hồn trong chiến tranh.
Các tác phẩm của bà được xem là những tác phẩm cảm động và rất gần gũi với mọi người.
Năm 2014: Tiểu thuyết gia người Pháp Patrick Modiano giành giải Nobel Văn học 2014 nhờ nghệ thuật hồi tưởng.
Ông đã gợi tả số phận nghiệt ngã của những con người và lột tả đời sống của người dân Pháp dưới ách chiếm đóng của phátxít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, từ năm 1940-1944.
Patrick Modiano là nhà văn người Pháp thứ 11 đoạt giải thưởng Văn học danh giá này.
Năm 2013: Nữ nhà văn nổi tiếng người Canada Alice Ann Munro vinh dự nhận giải thưởng Nobel Văn học 2013, trở thành nữ nhà văn thứ 13 và là người Canada đầu tiên giành giải thưởng này.
Bà Alice Munro được ca ngợi là "bậc thầy về truyện ngắn đương đại bởi lối kể chuyện tinh tế, đặc trưng, rõ ràng và trung thành với chủ nghĩa hiện thực.”
Phần lớn các tác phẩm của bà lấy bối cảnh ở vùng nông thôn bang Ontario của Canada, nơi bà sinh ra và lớn lên, nơi các nhân vật chính phải vật lộn, đấu tranh để được xã hội chấp nhận, dẫn tới những mối quan hệ đổ vỡ, những xung đột đạo đức giằng xé.
Năm 2012: Nhà văn người Trung Quốc Mạc Ngôn đã vinh dự nhận giải thưởng Nobel Văn học 2012. Ông là một nhà văn đương đại nổi tiếng với nhiều thể loại.
Các tác phẩm của ông là sự kết hợp giữa sự tưởng tượng và hiện thực, các câu chuyện kể dân gian, lịch sử và hiện thực xã hội. Mạc Ngôn "đã sáng tạo ra một thế giới huyền ảo trong sự phức tạp và rắc rối của nó, gợi nhớ tới các tác gia lừng danh khác như William Faulkner và Gabriel Garcia Marquez, cùng lúc tìm thấy điểm khởi đầu trong văn học cổ Trung Quốc và trong văn học truyền miệng."
Năm 2011: Nhà thơ người Thụy Điển Tomas Transtroemer vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Văn học 2011 với những tác phẩm thơ ca giàu tính hình tượng, ngôn ngữ trong sáng và cô đọng. Ông đã mang lại cho mọi người một cách tiếp cận hiện thực mới mẻ.
Năm 2010: Giải thưởng Nobel Văn học 2010 thuộc về nhà văn người Peru Mario Vargas Llosa. Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng ở Mỹ Latinh thế kỷ 20, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết và tiểu luận.
Llosa nổi danh từ những năm 1960 với các tiểu thuyết “La ciudad y los perros” (Thành phố và những con chó, 1966), “La casa verde” (Ngôi nhà xanh, 1968) và “Conversacíon en la catedral” (Đối thoại trong giáo đường, 1975)...
Năm 1995, ông được trao giải Cervantes, giải văn chương danh giá nhất dành cho các tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha./.