Điểm lại những lần Chính phủ Mỹ đóng cửa
Kể từ khi thực hiện quy trình xem xét dự toàn ngân sách tại Quốc hội vào năm 1976 tới nay, Chính phủ Mỹ đã có hơn 20 lần đóng cửa vì không còn ngân sách hoạt động, lần ngắn nhất là 1 ngày và dài nhất là 34 ngày.
Theo kênh CBS, trước những năm 1980, việc chính phủ liên bang tiếp tục vận hành ngay cả khi dự thảo ngân sách chưa được Quốc hội thông qua là điều rất bình thường. Tuy nhiên, vào năm 1980 và 1981, Bộ trưởng Tư pháp khi đó, ông Benjamin Civiletti, chỉ rõ: việc chính phủ tiêu tiền mà không có sự chấp thuận của Quốc hội là bất hợp pháp.
Kể từ đó, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa mới chính thức được tính đến, thông thường chỉ kéo dài vài ba ngày, nhưng cũng có ba lần Chính phủ Mỹ đóng cửa dài hơn và đều do đảng Cộng hòa đóng vai trò chủ đạo.
Lần Chính phủ Mỹ đóng cửa dài nhất là từ cuối năm 2018 tới đầu năm 2019, kéo dài tổng cộng 34 ngày, dưới thời Tổng thống Donald Trump và liên quan tới vấn đề kinh phí xây dựng bức tường biên giới với Mexico.
Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đợt đóng cửa dài nhất là 21 ngày từ cuối năm 1995 tới đầu năm 1996. Nguyên nhân là do ông Clinton từ chối đồng ý với khuyến nghị của Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa, ông Newt Gingrich, về việc cắt giảm mạnh chi tiêu và thuế. Cuối cùng, dư luận xã hội đứng về phía Tổng thống Bill Clinton, khiến đảng Cộng hòa phải từ bỏ cuộc đối đầu.
Ngoài ra, việc đảng Cộng hòa cố gắng hủy bỏ tài trợ cho Đạo luật Bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc vào năm 2013 đã dẫn đến việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong 16 ngày. Cuối cùng, đảng Cộng hòa đã từ bỏ việc tẩy chay và cho phép nhiều cơ quan khác nhau được tiếp tục hoạt động.
Dưới đây là tổng hợp số lần Chính phủ Mỹ bị đóng cửa:
Nguồn: Tân Hoa xã
Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ tác động trực tiếp tới các nhân viên công quyền thuộc các lĩnh vực không thiết yếu cũng như dịch vụ công do chính phủ cung cấp. Tuy nhiên, ảnh hưởng được chú ý hơn cả là đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đài CNN, ở quy mô quốc gia, việc chính phủ đóng cửa có thể gây ra những hậu quả kinh tế sâu rộng, cản trở tăng trưởng và thúc đẩy sự bất ổn, đặc biệt nếu chúng kéo dài. Cái giá phải trả bao gồm tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng chi phí vay. Theo ước tính của Ernst & Young, mỗi tuần chính phủ Mỹ đóng cửa có thể khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 6 tỷ USD và làm giảm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 0,1 điểm phần trăm trong quý 4 năm 2023.
Việc đóng cửa cũng khiến tình hình kinh tế Mỹ trở nên không rõ ràng. Trong trường hợp như vậy, Cục Thống kê Lao động ngừng công bố dữ liệu, chẳng hạn như các số liệu chính về lạm phát và thất nghiệp, khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc hiểu rõ nền kinh tế và đưa ra quyết định liên quan như lúc này, Fed đang ở thời điểm then chốt trong chiến dịch chống lạm phát cao.
Hoạt động kinh doanh thông thường trên khắp nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Trong lần đóng cửa gần đây nhất, chính phủ Mỹ đã tạm dừng hai chương trình cho vay lớn của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ, nơi phân phối gần 200 triệu USD mỗi ngày cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ. Các hoạt động kinh doanh mới cũng bị đình trệ. Vào năm 2019, các hoạt động sáp nhập công ty đang chờ xử lý đã bị chậm lại do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) không có đủ nhân viên và các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị tạm dừng sau khi SEC ngừng xem xét và phê duyệt hồ sơ.