Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/10

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 3.000 tỷ đồng; VN-Index tăng 5,81 điểm (0,59%) lên 993,6 điểm; HNX-Index cũng tăng trở lại 0,5 điểm (0,48%) lên 104,64 điểm; UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,19%), lên 56,71 điểm... đó là một số thông tin tài chính - ngân hàng đáng chú ý ngày 24/10.

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ phiên 24/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.155 VND/USD, tăng 01 đồng so với phiên trước, bên cạnh đó tỷ giá bán niêm yết ở mức 23.800 VND/USD.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.204 VND/USD, ít biến động so với phiên trước. Tỷ giá trên thị trường tự do giao dịch ổn định tại 23.180 - 23.210 VND/USD.

Trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND ít biến động. Cụ thể, các mức lãi suất giao dịch tại: ON 1,75%; 1W 1,92%; 2W 2,1% và 1M 2,48%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng nhẹ; giao dịch tại: ON 1,98%; 1W 2,1%; 2W 2,21%, 1M 2,43%. Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp cũng đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn, kỳ hạn 3Y 2,43%; 5Y 2,55%; 7Y 3,02%; 10Y 3,57%; 15Y 3,76%.

Với nghiệp vụ thị trường mở, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước huy động được toàn bộ 15.000 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước chào thầu, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 2,25%. Với 18.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 3.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 75.000 tỷ đồng. Kênh OMO tiếp tục không phát sinh giao dịch.

Trên thị trường chứng khoán, thị trường tăng điểm tốt trong phiên 24/10 nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Kết thúc phiên, VN-Index tăng 5,81 điểm (0,59%) lên 993,6 điểm; HNX-Index cũng tăng trở lại 0,5 điểm (0,48%) lên 104,64 điểm; UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,19%), lên 56,71 điểm.

Tổng giá trị giao dịch đạt 3.988 tỷ đồng, tăng so với mức 3.820 tỷ đồng của phiên trước. Khối ngoại bán ròng 87 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020, Chính phủ cho biết sẽ huy động gần 460.000 tỷ đồng để cân đối cho ngân sách trung ương. Dự kiến cơ cấu nguồn huy động năm 2020 được đưa ra là phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nước khoảng 300.000 tỷ đồng. Giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 107.400 tỷ đồng và huy động từ nguồn NQNN và các nguồn khác khoảng 95,4 tỷ đồng.

Năm 2020, dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ khoảng 379.100 tỷ đồng gồm nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 348.000 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 287.000 tỷ đồng và nước ngoài là 61.000 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại là 30.100 tỷ đồng.

"Với kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ nêu trên, dự kiến dư nợ Chính phủ đến cuối năm 2020 ở mức khoảng 48,5% GDP", báo cáo cho biết.

Tin quốc tế

Mỹ đón nhận khá nhiều thông tin trái chiều trong ngày hôm qua. PMI lĩnh vực sản xuất trong tháng 10 mở rộng với tốc độ khả quan nhất trong 6 tháng trở lại đây. Lĩnh vực dịch vụ cũng mở rộng, mặc dù tốc độ còn khiêm tốn.

Cụ thể, PMI lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 10 đạt mức 51,5 điểm, cao hơn 51,1 điểm của tháng trước và 50,7 điểm dự báo của giới chuyên gia. PMI lĩnh vực dịch vụ đạt mức 51 điểm, cao hơn mức 50,9 điểm của tháng trước và bằng với dự báo của chuyên gia. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức 212 nghìn đơn từ mức 218 nghìn đơn của tháng trước và thấp hơn dự báo 216 nghìn đơn.

Tuy nhiên, số đơn đặt hàng hóa lâu bền giảm mạnh 1,1% so tháng trước, cao hơn nhiều so mức dự đoán giảm 0,5% của giới chuyên gia. Số đơn đặt hàng hóa lâu bền lõi cũng giảm 0,3% cao hơn so dự báo giảm 0,2% của giới chuyên gia. Doanh số bán nhà mới của Mỹ đạt mức 701 nghìn căn, thấp hơn so với mức 706 nghìn căn của tháng trước và 710 nghìn căn của giới chuyên gia.

PMI lĩnh vực sản xuất và dịch của Đức tháng 10 đều tăng so với tháng trước, song vẫn thấp hơn so với dự báo của chuyên gia. Cụ thể, PMI sản xuất và dịch vụ tháng 10 của Đức đạt mức 41,9 và 51,2 điểm, thấp hơn so dự báo 42 điểm và 52 điểm của chuyên gia.

Trong đó, báo cáo cho thấy số lượng việc làm giảm lần đầu tiên sau 6 năm, chủ yếu giảm ở lĩnh vực sản xuất. Tăng trưởng dịch vụ kinh doanh ghi nhận mức tăng thấp nhất trong 3 năm chủ yếu do nhu cầu giảm sút.

Tháng 10/2019, hoạt động sản xuất của Nhật Bản ghi nhận mức giảm tốc lớn nhất trong vòng 3 năm qua. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (PMI) giảm xuống 48,5 điểm từ mức 48,9 điểm trong tháng 09/2019 và thấp hơn nhiều so với mức dự báo 49,2 điểm của giới chuyên gia.

Chỉ số này tiếp tục ở dưới ngưỡng 50, ngưỡng phân biệt giữa thu hẹp và mở rộng sản xuất, kể từ tháng 5/2019. Sự thu hẹp sản xuất của Nhật do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại, sự suy yếu kinh tế toàn cầu, mức tăng thuế tiêu thụ và thiệt hại của cơn bão Hagibis đổ bộ vào quốc gia này ngày 4/10 vừa qua.

P.L

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-2410-93850-93850.html