Điểm lại thông tin kinh tế tuần 11-15/11
Tỷ giá trung tâm tăng 20 đồng, chỉ số VN-Index giảm 33,99 điểm (-2,71%) so với cuối tuần trước đó hay CPI tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 2,89% so với cùng kỳ... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 11-15/11.
Tổng quan
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 gần như chắc chắn sẽ được kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu của Quốc hội giao.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 10/2024 tăng 0,33% so với tháng trước, so với tháng 12/2023 tăng 2,52% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%. Bình quân 10 tháng năm 2024, CPI tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,33% của CPI tháng 10/2024 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 0,66%, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dầu diezen tăng 2,27%; giá xăng trong nước tăng 0,98% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 32,75% do nhu cầu của người tiêu dùng tăng;...
Tiếp đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55% tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm; trong đó, lương thực tăng 0,77%; thực phẩm tăng 0,66%, tác động tăng 0,14 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%. Nhóm giáo dục tăng 0,48%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 0,53% do một số trường mầm non tư thục, cao đẳng, nghề, trung cấp, đại học, sau đại học tăng học phí. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2% do nhu cầu tiêu dùng tăng và nhiều chương trình khuyến mại tại một số địa phương đã kết thúc.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11% do chi phí nhân công và tỷ giá tăng. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,11% chủ yếu do các nguyên nhân như: giá gas tăng 1,17%, nguyên nhân là từ ngày 01/10/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới; giá dầu hỏa tăng 1% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,73%; nước sinh hoạt tăng 0,24%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%, giá cây, hoa cảnh tăng 1,27%; xem phim, ca nhạc tăng 0,38%. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,09% do nhu cầu mua sắm tăng khi thời tiết chuyển mùa. Ở chiều ngược lại, giá điện sinh hoạt giảm 2,02% do thời tiết mát nên nhu cầu tiêu dùng giảm.
Lạm phát cơ bản tháng 10/2024 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng đã được kiểm soát tốt và dư địa kiểm soát lạm phát năm 2024 theo mục tiêu của Quốc hội vẫn còn khá lớn. Nhiều chuyên gia dự báo, CPI tháng 11/2024 có thể tăng khoảng 0,1 - 0,15% so với tháng trước, CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4,0% bởi nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát; một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ...; nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn khá dồi dào; một yếu tố tác động lớn đó là sức cầu vẫn khá yếu, người tiêu dùng còn dè dặt trong chi tiêu…
Ngược lại, vẫn còn một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm 2024 như: giá thép, giá xi măng tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu có thể tăng nhẹ vào dịp lễ hội cuối năm; đầu tư công những tháng cuối năm nay rất lớn để hoàn thành Kế hoạch Đầu tư công trung hạn; khi đầu tư công tăng kéo theo đầu tư của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tăng; nếu không bảm đảm đủ vật liệu xây dựng và các loại thiết bị đi kèm, giá cả nhóm mặt hàng này tăng lên, tạo hiệu ứng tăng giá nhiều loại hàng hóa khác…
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 11-15/11
Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 11-15/11, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt ngày 15/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.298 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 11-15/11 biến động tăng - giảm đan xen. Kết thúc phiên 15/11, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.392, tăng mạnh 117 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do cũng biến động tăng - giảm qua các phiên. Chốt phiên 15/11, tỷ giá tự do tăng 100 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 90 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.600 VND/USD và 25.710 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuần từ 11-15/11, lãi suất VND liên ngân hàng tăng mạnh qua các phiên. Chốt ngày 15/11, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 5,78% (+1,21 điểm phần trăm); 1 tuần 5,80% (+1,13 điểm phần trăm); 2 tuần 5,74% (+0,97 điểm phần trăm); 1 tháng 5,50% (+0,62 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 15/11, lãi suất USD liên ngân hàng, giao dịch tại: qua đêm 4,60% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,65% (-0,03 điểm phần trăm); 2 tuần 4,70% (-0,03 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,74% (-0,02 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần qua từ 11/11 - 15/11, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 100.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 99.999,73 tỷ đồng trúng thầu, có 89.999,91 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 2.550 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất ở mức 3,90% - 4,0%. Có 23.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 30.949,82 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 99.999,73 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 55.700 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu, ngày 13/11, Kho bạc nhà nước đấu thầu thành công 6.200 tỷ đồng/11.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 56%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 1.200 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 10 năm huy động được 5.000 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 15 năm và 30 năm gọi thầu lần lượt 1.500 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm là 1,91% (+0,02 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước đó) và 10 năm là 2,66% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 20/11, Kho bạc nhà nước dự kiến chào thầu 10.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 5.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 17.098 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 10.323 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua biến động phân hóa giữa các kỳ hạn. Chốt phiên 15/11, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,85% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,85% (không đổi); 3 năm 1,88% (-0,01 điểm phần trăm); 5 năm 1,95% (+0,02 điểm phần trăm); 7 năm 2,27% (+0,06 điểm phần trăm); 10 năm 2,74% (+0,02 điểm phần trăm); 15 năm 2,95% (+0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3.17% (+0,002 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán, tuần qua, thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, cả 3 chỉ số chìm trong sắc đỏ. Kết thúc phiên 15/11, VN-Index đứng ở mức 1.218,57 điểm, giảm mạnh 33,99 điểm (-2,71%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 5,35 điểm (-2,36%) về mức 221,53 điểm; UPCoM-Index lùi 0,82 điểm (-0,89%) còn 91,33 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 17.700 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực từ mức 14.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 4.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo quan trọng, bên cạnh đó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell có phát biểu về kinh tế và lạm phát. Đầu tiên, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,2% và 0,3% so với tháng trước trong tháng 10, bằng với mức tăng của tháng trước đó và cũng khớp với dự báo của các chuyên gia.
So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần tăng 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 10, cao hơn mức tăng 2,4% ghi nhận ở tháng 9, và CPI lõi đi ngang ở mức 3,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,2% và 0,3% so với tháng trước trong tháng 10, nối tiếp đà tăng 0,1% và 0,2% của tháng trước đó, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2023, PPI toàn phần và PPI lõi tháng 10 lần lượt tăng 2,4% và 3,5% so với cùng kỳ, cùng mở rộng so với mức tăng 1,9% và 3,3% ghi nhận ở tháng 9.
Tiếp theo, tại thị trường bán lẻ, doanh số bán lẻ toàn phần và doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ lần lượt tăng 0,4% và 0,1% so với tháng trước trong tháng 10, giảm tốc mạnh so với mức tăng 0,8% và 1,0% ở tháng 9, gần khớp với dự báo cùng tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Sau khi những chỉ báo kinh tế trên được công bố, ngày 14/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định “Nền kinh tế hiện chưa chỉ rõ bất kỳ tín hiệu nào cho thấy chúng ta cần phải vội vàng hạ lãi suất”. Ông đề cập tỷ lệ thất nghiệp đã ổn định trở lại trong những tháng gần đây, và vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn. Lạm phát đang tiến sát mức mục tiêu dài hạn 2,0%, tuy nhiên vẫn là chưa đạt và lộ trình tiếp theo có thể còn gập gềnh.
Phát biểu trên của ông Powell khiến thị trường lo ngại Fed có thể hạ lãi suất chính sách chậm hơn dự kiến. Theo công cụ dự báo của CME, có 60% khả năng Fed hạ lãi suất chính sách 25 đcb vào cuộc họp ngày 17-18/12, và có 40% khả năng giữ lãi suất chính sách đi ngang ở 4,50% - 4,75%. Theo kịch bản chiếm ưu thế, Fed sẽ hạ lãi suất chính sách 2 lần vào năm 2025, đưa lãi suất chính sách cuối năm về mức 3,75% - 4,0%.
Khu vực Eurozone đón một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu Eurostat công bố GDP khu vực Eurozone tăng 0,4% so với quý trước trong quý III, cao hơn một chút so với mức tăng 0,3% ở quý II và khớp với dự báo.
Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Eurozone giảm mạnh 2,0% so với tháng trước trong tháng 9 sau khi tăng 1,5% ở tháng trước đó, sâu hơn dự báo giảm 1,3%. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp Eurozone giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Tổ chức ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại Eurozone đi xuống rõ rệt, chỉ đạt 12,5 điểm trong tháng 11, giảm từ 20,1 điểm của tháng 10 và trái với dự báo tăng lên 20,5 điểm. Tại nước Đức nói riêng, chỉ số niềm tin kinh tế chỉ còn 7,4 điểm trong tháng này, giảm xuống từ 13,1 điểm của tháng 10 và trái với dự báo nhích nhẹ lên 13,2 điểm.
Cuối cùng, chỉ số giá bán buôn WPI tại nước Đức tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng 10 sau khi giảm 0,3% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,1% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, WPI Đức vẫn cho thấy mức giảm khoảng 0,8% so với cùng kỳ.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-11-1511-157895.html