Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18-22/11

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành 02 Quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD); lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế.

Hai Quyết định đó là: (i) Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại QTDND, TCTC vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường; (ii) Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của QTDND, TCTC vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Theo NHNN, từ đầu năm 2019 đến nay, CSTT đã được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế. Qua đó cũng đã giúp thanh khoản của TCTD được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt. Vì thế, 2 quyết định này được ban hành là để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay giúp hỗ trợ sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Các chuyên gia cho rằng, đây có thể là một tín hiệu nới lỏng CSTT hơn nữa vì chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn để có một bộ đệm tốt hơn trước bất kì cơn gió ngược nào từ sự suy thoái toàn cầu. Nếu so với quá trình giảm lãi suất của các NHTW trên thế giới, đặc biệt là NHTW Mỹ, có thể nhận xét rằng, quyết định của NHNN đưa ra vào thời điểm này là khá cẩn trọng, đợi khi các điều kiện đã chín muồi. Bước đi này là động thái tiếp theo sau việc NHNN cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong hơn hai năm vào tháng 9 vừa qua.

Trước đó, ngày 15/11, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020. Với thông tư này, NHNN tiếp tục khẳng định quan điểm của chính sách theo hướng chặt chẽ hơn vì mục đích nâng cao điều kiện an toàn hệ thống; đồng thời, NHNN, đã chọn phương án “dễ chịu” hơn và có phần giãn thêm về lộ trình so với bản dự thảo trước đó. Việc ban hành Thông tư này được các chuyên gia cho là “đồng nhịp” với các Quyết định giảm lãi suất nêu trên, góp phần hỗ trợ các TCTD trong việc cắt giảm lãi suất mà vẫn tuân thủ được quy định về an toàn vốn.

Trước đó, và ngay sau khi NHNN công bố 2 quyết định này, nhiều ngân hàng đã quyết định giảm lãi suất cho vay tiền đồng tới 0,5%. Điển hình là Vietcombank, Vietinbank, MSB, BIDV, TPBank, VPBank, ACB, BacA Bank… Cùng với giảm lãi suất, hàng loạt ngân hàng như TPBank, VPBank, VIB… cũng giảm các loại phí dịch vụ. Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp.

Đồng thời, Việt Nam năm nay dự báo lạm phát thấp, xung quanh mức 3%, do đó việc giảm lãi suất lần này không quá áp lực đối với lạm phát, kể cả dịp cuối năm. Hơn nữa, với việc điều chỉnh giảm lãi suất ngắn hạn lần này, các TCTC có thể hi vọng, khả năng người gửi tiền sẽ cân nhắc gửi dài hạn hơn tăng lên, giúp các TCTD giải bài toán an toàn vốn trước khi NHNN “siết” tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, các Quyết định này vẫn chưa thể tác động nhiều, khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn gặp khó khăn. Thứ nhất, tác động của việc giảm lãi suất sẽ có độ trễ, chưa thể thúc đẩy ngay hoạt động tín dụng tới các DN của các TCTD. Thứ hai, 95% DN hiện nay ở Việt Nam là DNVVN, khả năng tiếp cận vốn NH của họ vẫn rất khó, do đó, độ lan tỏa của chính sách cũng không thật sự rộng. Các chuyên gia cũng cảnh báo, cần kiểm soát tốt để đảm bảo dòng tiền được nới lỏng sẽ chạy vào sản xuất, không vào những lĩnh vực có độ rủi ro cao như đầu cơ bất động sản.

Tóm lược thị trường trong nước

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 18/11 - 22/11, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm trong 2 phiên đầu tuần, sau đó tăng trở lại 3 phiên cuối tuần. Chốt tuần 22/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.151 VND/USD, tăng 07 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được NHNN niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.792 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của NHNN.

Tỷ giá LNH trong tuần qua giảm nhẹ sau khi tăng nhẹ ở tuần trước đó. Kết thúc phiên cuối tuần 22/11, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.198 VND/USD, giảm 08 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi 4 phiên đầu tuần, chỉ phiên cuối tuần tăng 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.210 – 23.240 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 18/11 - 22/11, lãi suất VND LNH tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống ở hầu hết các phiên, đặc biệt 2 phiên cuối tuần. Phiên cuối tuần 22/11, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 3,45% (+1,61 đpt); 1W 3,60% (+1,46 đpt); 2W 3,68% (+1,36 đpt); 1M 3,72% (+1,12 đpt).

Lãi suất USD LNH biến động rất ít trong tuần vừa qua ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 22/11, lãi suất đứng ở mức ON 1,73% (không thay đổi); 1W 1,83% (không thay đổi), 2W 1,93% (-0,02 đpt) và 1M 2,11% (-0,01 đpt).

Thị trường mở: Tuần qua, NHNN chỉ chào thầu 13.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 2,25%/năm trong 3 phiên đầu tuần. Hai phiên cuối tuần NHNN dừng chào thầu tín phiếu. Các TCTD hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 38.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 25.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm mạnh xuống mức 13.000 tỷ đồng.

Trên kênh cầm cố, NHNN vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,50%/năm, tuy nhiên không có giao dịch phát sinh.

Thị trường trái phiếu: Tuần qua, có 2 cơ quan phát hành TPCP là KBNN và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Kết quả, hai cơ quan này huy động thành công 11.650/12.000 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 97%).

Cụ thể, ngày 19/11, VDB huy động thành công 7.750/8.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 97%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 900/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm huy động được 850/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ 3.000 tỷ đồng/kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đồng loạt giảm từ 5 – 7 điểm so với phiên trước.

Ngày 20/11, KBNN huy động thành công 3.900/4.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 97,5%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 400/500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm huy động được toàn bộ 3.500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm giảm mạnh 48 điểm xuống mức 2,37%/năm; các kỳ hạn khác giảm từ 1–4 điểm so với phiên trước.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 13.109 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh từ mức 7.822 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tiếp tục ít biến động so tuần trước đó. Cụ thể, lợi suất TPCP phiên cuối tuần 22/11 giao dịch quanh 1Y 2,12% (+0,04 đpt); 2Y 2,20% (+0,03 đpt); 3Y 2,34% (-0,01 đpt); 5Y 2,43% (-0,05 đpt); 7Y 3,2% (+0,03 đpt); 10Y 3,68% (-0,03 đpt); 15Y 3,78% (-0,05 đpt).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến sự sụt giảm trên cả 3 sàn qua hầu hết các phiên khi áp lực bán tăng mạnh, đặc biệt ở các cổ phiếu vốn hóa lớn. Chốt phiên cuối tuần 22/11, VN-Index đứng ở mức 977,78 điểm, giảm mạnh 32,25 điểm (-3,19%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 2,94 điểm (-2,77%), xuống mức 103,09 điểm; UPCOM-Index giảm 0,60 điểm (-1,05%) xuống mức 56,40 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó khi giá trị giao dịch đạt khoảng trên 5.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 510 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần vừa qua.

Tin quốc tế

Trên thị trường quốc tế, triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và biên bản cuộc họp của các NHTW lớn như Fed và ECB là những thông tin được chú ý nhất. Mỹ và Trung Quốc cuối tuần qua đưa ra những phát biểu mang tính tích cực, thể hiện mong muốn có một bản thỏa thuận thương mại vì lợi ích chung của hai bên và của thế giới.

Thị trường kỳ vọng thỏa thuận này sẽ được ký kết trong ngắn hạn. Về Fed và ECB, hai NHTW này đều đưa ra biên bản họp tháng 10 trong tuần qua, và cùng khẳng định quan điểm không thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại mình. Tuy nhiên, Fed nhận định kinh tế Mỹ đang khá lạc quan, trong khi ECB cho biết kinh tế Eurozone còn nhiều bất ổn cần được cải thiện. Liên quan đến thông tin kinh tế, tại một số thị trường lớn như Mỹ và Eurozone, lĩnh vực sản xuất đang cho thấy sự phục hồi trở lại trong tháng 11.

P.L

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-18-2211-95117.html