Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 2-6/12

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 3.307 tỷ đồng. Chốt phiên cuối tuần 6/12, VN-Index đứng ở mức 963,56 điểm, giảm 7,19 điểm (-0,74%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giữ nguyên mức 102,50 điểm; UPCOM-Index tăng nhẹ 0,26 điểm (+0,47%) lên mức 55,92 điểm. Thanh khoản thị trường tăng tích cực. Khối ngoại bán ròng mạnh trên 526 tỷ đồng.

Tổng quan

Ngân hàng Nhà nước vừa có một loạt động thái liên quan đến chính sách tiền tệ - ngân hàng, được đánh giá là có tác động khá tích cực tới nền kinh tế.

Sau động thái hạ 0,25 điểm phần trăm một số lãi suất điều hành trong tháng 9/2019, sang trung tuần tháng 11, Ngân hàng Nhà nước quyết định cắt giảm trần lãi suất cả huy động lẫn cho vay đối với các tổ chức tín dụng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước hạ 0,5 điểm phần trăm lãi suất OMO.

Sang tháng 12, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành các quyết định giảm đáng kể lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (giảm 0,4 điểm phần trăm so với mức đang áp dụng thời điểm đó là 1,2% đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc VND của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước).

Đối với từng động thái của Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Trước hết là với việc hạ lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm; bao gồm: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng, về nguyên tắc, đây chính là một động thái hỗ trợ thị trường.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng thứ nhất, tính liên thông từ thị trường 2 xuống thị trường 1 cần một thời gian dài; thứ hai, mức cắt giảm lãi suất điều hành như vậy là nhỏ (trên mặt bằng lãi suất điều hành các loại 5-7%), đặc biệt là so với mức cắt giảm tương đối ở các nước khu vực (tuy cũng là 0,25% nhưng trên một mặt bằng lãi suất khá thấp 2-3%). Như vậy, việc hạ lãi suất điều hành này của Ngân hàng Nhà nước khó có thể nói rằng chính sách tiền tệ tại Việt Nam đã được nới lỏng.

Quyết định cắt giảm trần lãi suất cả huy động lẫn cho vay đối với các tổ chức tín dụng thu hút sự quan tâm của thị trường hơn. Cụ thể, ngày 18/11/2019 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng. Theo đó, trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%năm.

Cùng ngày Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Đồng thời, liên quan đến nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần kéo giảm lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, ngày 29/11, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất nghiệp vụ cầm cố trên thị trường mở kỳ hạn 1 tuần từ mức 4,5%/năm về mức 4,0%/năm. Đây là lần thứ hai trong năm 2019, cơ quan này giảm lãi suất thị trường mở.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các động thái liên tiếp trên của Ngân hàng Nhà nước được cho là các bước chuẩn bị, tạo tiền đề cho năm 2020. Trong đó, thông qua nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất huy động sẽ tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay năm 2020, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro bất định thế giới tăng và lạm phát khá thấp.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về các mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/12/2019. Cơ quan này cho biết, động thái này được thực hiện để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 0,8%/năm, giảm từ mức lãi suất 1,2%/năm đang được áp dụng. Lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm. Đối với ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.

Một số chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ở thời điểm này là phù hợp bởi vì mức lãi suất 1,2% đã duy trì trong suốt 14 năm qua và đến nay, mặt bằng lãi suất nói chung đã giảm đáng kể. Việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc về 0,8%/năm có ảnh hưởng, nhưng không đáng kể tới lợi nhuận của các ngân hàng vì tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ 3%. Đồng thời, việc này nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, bởi hiện tại, chi phí trả lãi cho khoản tiền gửi này được trích từ ngân sách nhà nước.

Qua các động thái kể trên, có thể thấy rằng, vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ với phương châm từ trước đến này của mình là thận trọng, linh hoạt, và đồng bộ, có sự kết hợp của nhiều công cụ khác nhau.

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 2-6/12, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm qua các phiên. Chốt tuần 6/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.164 VND/USD, chỉ tăng 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.809 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua tiếp tục giảm ở các phiên đầu tuần, sau đó tăng nhẹ trở lại. Kết thúc phiên cuối tuần 6/12, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.177 VND/USD, giảm 3 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh trong tuần trước, chốt phiên cuối tuần giảm 60 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.180 - 23.210 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 2-6/12, lãi suất liên ngân hàng VND tăng ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ giảm nhẹ ở kỳ hạn 1 tháng. Phiên cuối tuần 6/12, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 4,0% (+0,17 điểm phần trăm); 1 tuần 4,10% (+0,07 điểm phần trăm); 2 tuần 4,20% (+0,07 điểm phần trăm); 1 tháng 4,26% (-0,04 điểm phần trăm).

Lãi suất liên ngân hàng USD tiếp tục ít biến động trong tuần vừa qua ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 06/12, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 1,75% (không thay đổi); 1 tuần 1,84% (-0,01 điểm phần trăm), 2 tuần 1,93% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,09% (-0,04 điểm phần trăm).

Thị trường mở tuần qua, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 50.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất chào thầu ở mức 4,0%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 34.593 tỷ đồng, trong tuần có 31.286 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 3.307 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh cầm cố trong tuần vừa qua.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu trong tuần qua.

Thị trường trái phiếu tuần 2-6/12, có 2 cơ quan phát hành trái phiếu chính phủ là Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB. Kết quả, hai cơ quan này huy động thành công 6.408/6.900 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 93%).

Cụ thể, ngày 3/12, VDB huy động thành công toàn bộ 1.400 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh gọi thầu ở 2 kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Kết quả, cả 2 kỳ hạn đều huy động được 700 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn đều giảm 10 điểm so với phiên đấu thầu trước.

Ngày 4/12, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 5.008/5.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 91%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ 4000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 30 năm huy động được 1.008/1500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn giảm từ 1 - 9 điểm so với phiên trước.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường trái phiếu thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.270 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức hơn 11.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục đà giảm của tuần trước đó, ngoại trừ kỳ hạn 7 năm tăng nhẹ.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ P phiên cuối tuần 06/12 giao dịch quanh: 1 năm 1,62% (-0,40 điểm phần trăm); 2 năm 1,80% (-0,30 điểm phần trăm); 3 năm 2,0% (-0,22 điểm phần trăm); 5 năm 2,11% (-0,23 điểm phần trăm); 7 năm 3,17% (+0,02 điểm phần trăm); 10 năm 3,52% (-0,02 điểm phần trăm); 15 năm 3,64% (-0,01 điểm phần trăm).

Thị trường chứng khoán tuần qua vẫn chưa khởi sắc khi các chỉ số giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu. Chốt phiên cuối tuần 6/12, VN-Index đứng ở mức 963,56 điểm, giảm 7,19 điểm (-0,74%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giữ nguyên mức 102,50 điểm; UPCOM-Index tăng nhẹ 0,26 điểm (+0,47%) lên mức 55,92 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng tích cực so với tuần trước đó khi giá trị giao dịch đạt khoảng trên 5.200 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh trên 526 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần vừa qua.

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

Tin quốc tế

Trong tuần vừa qua, Mỹ và Trung Quốc cùng đưa ra những phát biểu trái chiều về mối quan hệ thương mại giữa hai nước, qua đó cho thấy còn nhiều bất đồng giữa hai bên về việc gỡ bỏ các mức thuế quan hiện hữu. Thậm chí, phía Washington cho thấy quyết tâm tăng thuế ngày 15/12 nếu thỏa thuận giai đoạn một chưa được ký kết.

Nhà Trắng cũng cho biết chưa có bất kỳ kế hoạch nào về việc ấn định thời gian địa điểm cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những điều này làm dấy lên nỗi lo cho thị trường rằng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể leo thang trở lại.

Trước đó, trong những ngày đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể đánh thuế lên các mặt hàng của Pháp, trả đũa nước này áp thuế lên các công ty dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ. Cuối tuần, Bộ Tài chính Pháp lên tiếng ho biết nước này sẵn sàng thách thức đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mặc dù kim ngạch hàng hóa bị đánh thuế là nhỏ, song điều này có thể kéo theo những bước leo thang tồi tệ hơn, đặc biệt là khi mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu đã không còn tốt đẹp như trước đây.

PL

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-2-612-95676.html