Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/7

Ngân hàng Nhà nước hút ròng 22.000 tỷ đồng. Chốt tuần 26/7, VN-Index đứng ở mức 993,35 điểm, tăng tích cực 11,01 điểm (+1,12%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,63%), xuống 106,40 điểm; UPCOM-Index tăng 1,28 điểm (+2,22%) lên 58,82 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trên 294 tỷ đồng.

Tổng quan

Theo Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 7,33% so với cuối năm 2018. Với mức tăng trưởng như vậy trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều chuyên gia nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2019 ở mức khoảng 14% là khả thi.

Cụ thể, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, phổ biến từ 7-13%. Đến hết tháng 6 vừa qua, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng rất tốt, đạt quá nửa chỉ tiêu hoặc dùng gần hết room được giao, phổ biến là các ngân hàng đang trong diện tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng khác, hoặc đã áp dụng sớm Thông tư 41 về an toàn vốn để áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II.

Trong đó, 9 ngân hàng đáp ứng sớm Basel II bao gồm Vietcombank, VIB, MB, ACB, Techcombank, OCB, VPBank, MSB và TPBank đã được cấp thêm room tăng trưởng tín dụng, phổ biến nâng từ 13% lên 17%.

Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 cho ACB từ 13% lên 17%, VPBank từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%, MBBank từ 13% lên 17%.

Cùng với việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cuối tuần trước đã giảm lãi suất tín phiếu kỳ hạn 7 ngày về còn 2,75%/năm sau khi đã duy trì mức lãi suất 3%/năm suốt từ 10/10/2018 đến nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%.

Thực tế cho thấy, hạn mức tín dụng phân bổ cho từng ngân hàng đầu năm phổ biến ở mức thấp hơn (11-13%), thậm chí một vài ngân hàng chỉ là 7%.

Hơn nữa, theo tính toán của các chuyên gia, nếu không tính Vietcombank thì 8 ngân hàng còn lại trong nhóm đã được cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ bơm thêm vào nền kinh tế được hơn 100 nghìn tỷ đồng tín dụng trong 6 tháng cuối năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng không trong diện được nới room nhưng do đang tái cấu nên cũng muốn xin thêm để đẩy nhanh hoạt động, làm cơ sở và nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Do vậy, tín dụng có thể cao hơn chút ít so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhất trí, phần tín dụng tăng trưởng thêm vào khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng sẽ là không quá nhiều so với con số hơn 7,6 triệu tỷ đồng tổng dư nợ hiện nay. Và do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của cả năm về cơ bản sẽ đạt được.

Thậm chí, theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm 2019 sẽ vào khoảng 12 - 13%, thấp hơn so với ước tính từ 15 - 16% của năm 2018, và cũng thấp hơn mục tiêu 14% đề ra đầu năm.

Theo nhóm phân tích, với kịch bản tăng trưởng GDP thực từ 6,6 - 6,8% và lạm phát bình quân từ 3,5 - 4% như mục tiêu Chính phủ đề ra, tốc độ tăng GDP danh nghĩa trong năm 2019 ước đạt 10 - 11%, xấp xỉ mức tăng của năm 2018. Tốc độ tăng GDP gần như không thay đổi cho thấy vòng quay tiền tệ năm 2019 cũng sẽ không có nhiều biến động so với năm trước.

Như vậy, nếu không có sự thay đổi đáng kể về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán M2 có thể cũng chỉ sẽ tăng ở mức 12 - 13%, xấp xỉ mức tăng năm 2018.

Bên cạnh đó, động thái giảm lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước cũng được các chuyên gia nhận định là để khuyến khích các thành viên thị trường đẩy tiền vào nền kinh tế, thay vì chuyển về Ngân hàng Nhà nước.

Có thể thấy, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước điều hành điều hành linh hoạt, bám theo diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng cũng như bảo đảm an toàn cho hệ thống.

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 22-26/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt tuần 26/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.079 VND/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.721 VND/USD.

Tỷ giá liên ngân hàng giảm khá mạnh đầu tuần, sau đó đà giảm chậm lại. Phiên cuối tuần 26/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.215 VND/USD, giảm 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng theo xu hướng giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 26/7, tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.190 - 23.220 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ 22-26/7, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn, tuy đà giảm đã chậm lại. Cuối tuần 26/7, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,70% (-0,18 điểm phần trăm); 1 tuần 2,82% (-0,16 điểm phần trăm); 2 tuần 3,02% (-0,16% điểm phần trăm); 1 tháng 3,36% (-0,12 điểm phần trăm).

Lãi suất liên ngân hàng USD giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó. Chốt cuối tuần 26/7, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,48% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,54% (-0,05 điểm phần trăm), 2 tuần 2,64% (-0,04 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,79% (+0,01 điểm phần trăm).

Thị trường mở tuần từ 22-26/7, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 52.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn tín phiếu vẫn ở mức 7 ngày, lãi suất ở mức 2,75%. Kết quả, các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng chào thầu. Trong tuần có 29.998 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Như vậy, trong tuần, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 22.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 51.999 tỷ đồng.

Trên kênh cầm cố, không phát sinh giao dịch mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%/năm.

Thị trường trái phiếu ngày 24/7, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 7.021/7.500 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 94%). Lãi suất trúng thầu tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn.

Cụ thể, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 7 năm huy động được 100/500 tỷ đồng gọi thầu với lãi suất trúng thầu 3,97%/năm, thấp hơn 0,08%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó ngày 24/4/2019.

Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,46%/năm, thấp hơn 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó ngày 17/7/2019.

Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 15 năm huy động được 2.950/3.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,68%/năm, thấp hơn 0,08%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên 17/7/2019.

Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm huy động được 971/1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,51%/năm, thấp hơn 0,09%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 10/7/2019.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt gần 11.000 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức trung bình gần 8.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Chốt phiên 26/7, diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp có sự phân hóa ở các loại kỳ hạn, tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm ở các kỳ hạ 7 năm và 10 năm so với phiên cuối tuần trước đó. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,76% (+0,14 điểm phần trăm); 2 năm 3,02% (+0,09 điểm phần trăm); 3 năm 3,14% (+0,03 điểm phần trăm); 5 năm 3,58% (0 điểm phần trăm); 7 năm 3,96% (-0,02 điểm phần trăm); 10 năm 4,48% (-0,02 điểm phần trăm).

Thị trường chứng khoán tuần qua, diễn biến trên hai sàn niêm yết có phần trái ngược do nhóm cổ phiếu lớn ở sàn HoSE thay nhau dẫn dắt giúp VN-Index tăng điểm, trong khi HNX-Index thiếu vắng động lực từ nhóm trụ cột.

Chốt tuần 26/7, VN-Index đứng ở mức 993,35 điểm, tăng tích cực 11,01 điểm (+1,12%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,63%), xuống 106,40 điểm; UPCOM-Index tăng 1,28 điểm (+2,22%) lên 58,82 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch gần 4.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trên 294 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

Tin quốc tế

Chính phủ Mỹ cho biết sẽ có cuộc gặp mặt cấp Bộ trưởng/Phó Thủ tướng tại Thượng Hải ngày 30-31/7, và cuộc đàm phán lượt về sẽ diễn ra tại Washington dù chưa có lịch chi tiết.

Tại châu Âu, NHTW ECB quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chính sách trong cuộc họp vừa qua. Tuy nhiên ECB cũng cho biết mức lãi suất hiện tại hoặc thấp hơn sẽ được duy trì ít nhất cho tới hết nửa đầu năm 2020. Thị trường kỳ vọng đây là động thái ECB sẽ thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, thậm chí cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

Liên quan tới nước Anh, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson chính thức là tân Thủ tướng sau khi thắng cách biệt đối thủ Jeremy Hunt. Tuy nhiên, sau phát biểu cứng rắn của ông Johnson những ngày cuối tuần, giới chuyên gia lo ngại thế giới sẽ chứng kiến một Brexit không thỏa thuận vào ngày 31/10.

Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ có phiên họp chính sách ngày 30-31/7, kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào rạng sáng ngày 1/8 theo giờ Việt Nam. Hiện tại, khảo sát từ CME vẫn cho thấy 100% thị trường kỳ vọng Fed sẽ có một đợt hạ lãi suất trong kỳ họp này.

PL

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-22-267-90424.html