Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 23-27/9

Tuần qua, thị trường mở cân bằng ở hai chiều bơm - hút. Chốt phiên cuối tuần 27/9, VN-Index đứng ở mức 997,84 điểm, tăng 7,48 điểm (+0,76%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,63 điểm (+0,60%), lên mức 104,77 điểm; UPCOM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%) xuống 56,94 điểm. Thanh khoản thị trường giảm. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 240 tỷ đồng.

Tổng quan

GDP 9 tháng năm 2019 đạt mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm 2017-2019, cán cân thương mại 9 tháng ước tính thặng dư gần 6 tỷ USD là những thông tin kinh tế nổi bật trọng tuần qua.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay. Tăng trưởng của quý III năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,38% của quý III/2017 nhưng cao hơn mức tăng của quý III các năm 2012-2018. Tính chung GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%).

Mặt bằng giá cả thị trường trong 9 tháng đầu năm 2019 biến động theo hướng tăng tương đối cao vào tháng 2, giảm nhẹ trong tháng 3 và tháng 6, tăng dần trở lại từ tháng 7 đến tháng 9.

Trong quý III, CPI so với tháng trước đều tăng: tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng 0,32%. Trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng cao nhất do các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí cho năm học mới; giá thịt lợn tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và giá gạo, giá thực phẩm tươi sống tăng ở một số địa phương bị mưa lũ. Giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo mức tăng thêm của lương cơ bản, giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.

Ở chiều ngược lại, hai nhóm có chỉ số giá giảm là: nhóm giao thông giảm 1,24%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,01% (dịch vụ y tế giảm 0,06%).

Cũng theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ 2018 tăng khoảng 2,52%. CPI tháng 9/2019 tăng 2,2% so với tháng 12/2018 và tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI trong quý III vẫn thấp hơn dự báo, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát giá cả theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2019 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2019 tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Về tình hình xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 9 ước tính thặng dư 500 triệu USD, qua đó nâng xuất siêu cả nước từ đầu năm đến nay lên hơn 5,9 tỷ USD.

Cụ thể, xuất khẩu tháng 9/2019 ước tính đạt 23,0 tỷ USD, giảm 11,1% so với tháng trước, nhập khẩu tháng 9/2019 ước tính đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. Tổng trị giá xuất khẩu 9 tháng qua ước đạt hơn 194,3 tỷ USD, tăng hơn 8%, trong khi tổng trị giá nhập khẩu chỉ là hơn 188,4 tỷ USD, tăng gần 9%.

Xuất khẩu đạt cao là nhờ mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục duy trì vị thế số một với kim ngạch ước tính gần 39 tỷ USD, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2018, tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép các loại…

Về nhập khẩu, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 38,6 tỷ USD (chiếm 20,5% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, ô tô nguyên chiếc…

Tin trong nước

Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 23-27/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng dần. Chốt tuần 27/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, tăng 18 đồng so với cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.805 VND/USD.

Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua tiếp tục biến động nhẹ quanh mức tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước. Kết thúc phiên cuối tuần 27/9, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.202 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 27/09, tỷ giá giảm nhẹ 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại 23.180 - 23.210 VND/USD.

Thị trường tiền tệ tuần từ 23-27/9, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn so với tuần trước đó, tuy nhiên đà giảm đã chậm lại. Chốt tuần 27/9, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,17% (-0,09 điểm phần trăm); 1 tuần 2,46% (-0,04 điểm phần trăm); 2 tuần 2,60% (-0,18 điểm phần trăm); 1 tháng 3,07% (-0,15 điểm phần trăm).

Lãi suất liên ngân hàng USD giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống trong tuần vừa qua. Cuối tuần 27/9, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,08% (-0,15 điểm phần trăm); 1 tuần 2,18% (-0,10 điểm phần trăm), 2 tuần 2,33% (-0,04 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,44% (-0,03 điểm phần trăm).

Thị trường mở tuần từ 23-27/9, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 69.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,50%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 69.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này, như vậy, khối lượng tín phiếu duy trì ở mức 69.000 tỷ đồng.

Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,50%/năm. Tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.

Thị trường trái phiếu trong tuần từ 23-27/9, có hai tổ chức tham gia gọi thầu là Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng khối lượng gọi thầu là 4.750 tỷ đồng. Kết quả, khối lượng trúng thầu đạt mức 4.050 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu là 85%). Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 3,5 lần.

Ngày 23/9, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thành công 1.000/1.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bảo lãnh (tỷ lệ trúng thầu đạt 67%), toàn bộ ở kỳ hạn 15 năm. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 15 năm tại 4,65% - giảm nhẹ 5 điểm so với phiên trước. Kỳ hạn 10 năm không trúng thầu.

Ngày 25/09, Kho bạc Nhà nước huy động được 3.050/3.250 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 94%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm huy động lần lượt toàn bộ 500 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 30 năm huy động được 550/750 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm tại 3,54% - giảm 21 điểm; kỳ hạn 10 năm tại 3,97% - giảm 7 điểm; kỳ hạn 15 năm tại 4,24% - giảm 8 điểm; kỳ hạn 30 năm tại 5,23% - giảm 12 điểm.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt 10.466 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so mức trên 9.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ phiên cuối tuần 27/09 giao dịch quanh 1 năm 2,71% (+0,07 điểm phần trăm); 2 năm 2,80% (+0,05 điểm phần trăm); 3 năm 2,91% (+0,07 điểm phần trăm); 5 năm 3% (+0,05 điểm phần trăm); 7 năm 3,67% (+0,07 điểm phần trăm); 10 năm 4,02% (+0,02 điểm phần trăm); 15 năm 4,28% (+0,02 điểm phần trăm).

Thị trường chứng khoán tuần qua, các chỉ số giao dịch lình xình xung quanh mốc tham chiếu, đồng thời thanh khoản vẫn ở mức thấp. Chốt phiên cuối tuần 27/9, VN-Index đứng ở mức 997,84 điểm, tăng 7,48 điểm (+0,76%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 0,63 điểm (+0,60%), lên mức 104,77 điểm; UPCOM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%) xuống 56,94 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch trên 4.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 240 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT

Tin quốc tế

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn khó lường định, ADB hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc là những thông tin quốc tế chính trong tuần vừa qua.

Cụ thể, trong cuộc họp tại Liên hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp lên tiếng chỉ trích các chính sách thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là cáo buộc nền thương mại nước này nhận được quá nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ, đồng thời chính phủ ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp sở hữu trí tuệ và thao túng tiền tệ.

Sau phát biểu của ông Trump, phía Trung Quốc có đưa ra động thái mong muốn hướng đến một bản thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Ngày 26/9, hãng tin CNBC cho biết Mỹ - Trung thống nhất đàm phán lại vào ngày 10/10 tại Washington và người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Bên cạnh các sự kiện này, ngày 25/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB ra báo cáo hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, nguyên nhân chủ yếu do căng thẳng thương mại leo thang, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm dần và các doanh nghiệp lần lượt chạy trốn khỏi đất nước này để tránh các mức thuế quan từ Mỹ.

PL

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-23-279-92760.html