Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/7
Tỷ giá trung tâm tăng 2 đồng, chỉ số giảm nhẹ 2,29 điểm so với phiên cuối tuần trước đó hay nửa đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 28% kế hoạch năm... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 8-12/7.
Tổng quan
Theo báo cáo trình Chính phủ của Bộ Tài chính đầu tháng 7/2024, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó vốn trong nước là 194.270,6 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch và 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 2.399,1 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Con số giải ngân 6 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về số tuyệt đối lẫn tỷ lệ, lần lượt là 211.181,9 tỷ đồng, đạt 29,13% kế hoạch.
Nếu không tính 11.916 tỷ đồng kế hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 258/QĐ-TTg và Quyết định số 490/QĐ-TTg thì ước tỷ lệ giải ngân đến hết ngày 30/6/2024 là 28% kế hoạch, đạt 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch và đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Trong số lượng giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024, vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân đạt cao, đạt 78,23% kế hoạch, đặc biệt vốn bộ, cơ quan trung ương quản lý thuộc nguồn vốn này có tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đạt 99,58% (riêng Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%).
Tuy nhiên, nhiều dự án giao thông lớn triển khai chậm tiến độ. Đơn cử, 2 dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được giao kế hoạch vốn năm 2024 lần lượt là 1.800 tỷ đồng và 1.075 tỷ đồng, đến 13/6/2024, theo Bộ Tài chính, vẫn chưa được giải ngân; Dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 9.805 tỷ đồng, đến giữa tháng 6/2024 mới giải ngân được 1.228,2 tỷ đồng, đạt 12,5% kế hoạch; Dự án Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh với nguồn vốn kế hoạch năm 2024 được giao 21.490,2 tỷ đồng, sau nửa năm chỉ giải ngân được 10,6% kế hoạch.
Bộ Tài chính cho biết các vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đã được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại các báo cáo tình hình giải ngân hằng tháng vẫn khó được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách, về giải phóng mặt bằng, về nguyên vật liệu xây dựng... đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, theo báo cáo của một số địa phương, trong thời gian qua có hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng ngọt, gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân do một lượng tương đối lớn vốn ngân sách trung ương (11.916 tỷ đồng, chiếm 5,02% tổng nguồn vốn ngân sách trung ương) mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024 và Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 nên khó có thể giải ngân kịp thời trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương chi cho đầu tư phát triển của năm nay.
Cụ thể, số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương được giao trong năm 2024 là 432.348,9 tỷ đồng, cao hơn khoảng 89 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023; phần lớn số vốn được giao tăng thêm này chỉ có thể giải ngân sau khi có nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, do thị trường bất động sản trầm lắng, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất còn chậm hoặc chưa thể triển khai.
Để quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tại Công văn số 4808/VPCP-KTTH ngày 9/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, khẩn trương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp kịp thời, phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 8-12/7
Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 8-12/7, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ. Chốt ngày 12/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.248 VND/USD, chỉ tăng 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua - bán USD ở mức 23.400 VND/USD, tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD ở tất cả các phiên.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 8-12/7 tiếp tục biến động nhẹ. Kết thúc phiên 12/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.413 VND/USD, tăng nhẹ 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tiếp tục giảm trong tuần qua. Chốt phiên 12/7, tỷ giá tự do giảm 90 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.655 VND/USD và 25.735 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 8-12/7, lãi suất VND liên ngân hàng biến động tăng 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại với tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 12/7, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,50% (-0,30 điểm phần trăm); 1 tuần 4,61% (-0,25 điểm phần trăm); 2 tuần 4,74% (-0,18 điểm phần trăm); 1 tháng 4,97% (+0,03 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 12/07, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,29% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 5,34% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,39% (không thay đổi) và 1 tháng 5,43% (+0,01 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 8-12/7, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 53.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 50.552,23 tỷ đồng trúng thầu, có 24.758,55 tỷ đồng đáo hạn tuần qua.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 33.650 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,50%; có 62.430 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 54.573,68 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 50.552,23 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành còn 111.100 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu ngày 10/7, Kho bạc Nhà nước gọi thầu thành công 6.105 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 51%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 5.405 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 700 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 5 năm và 30 năm gọi thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn này. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm là 2,74% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 15 năm là 2,95% (+0,09 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 17/7, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 8.000 tỷ đồng, 15 năm 3.000 tỷ đồng và 20 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.109 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 9.358 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua biến động nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn.
Chốt phiên 5/7, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,87% (+0,002 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,89% (+0,002 điểm phần trăm); 3 năm 1,91% (+0,002 điểm phần trăm); 5 năm 1,98% (-0,001 điểm phần trăm); 7 năm 2,30% (+0,01 điểm phần trăm); 10 năm 2,79% (+0,02 điểm phần trăm); 15 năm 2,96% (không đổi); 30 năm 3,19% (+0,002 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 8-12/7 không biến động mạnh, các chỉ số giao dịch quanh mốc tham chiếu. Chốt phiên 12/7, VN-Index đứng ở mức 1.280,75 điểm, giảm nhẹ 2,29 điểm (-0,18%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 2,71 điểm (+1,12%) đạt 245,02 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,12 điểm (-0,12%) về mức 98,14 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt gần 20.800 tỷ đồng/phiên, cải thiện tích cực so với mức 15.450 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 800 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Tại nước Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell có buổi điều trần trước Quốc hội trong tuần vừa qua, bên cạnh đó quốc gia này cũng ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Trong buổi điều trần ngày 9/7 tại Washington, ông Powell cho biết sau những tháng đầu năm chững lại, quá trình hạ lạm phát đang có tiến triển trong những tháng gần đây. Những dữ liệu sắp tới có thể sẽ củng cố niềm tin của Fed rằng lạm phát đang hướng về mức mục tiêu 2,0% một cách bền vững.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Fed cũng đề cập đến việc giữ lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài có thể dẫn đến rủi ro cho thị trường việc lạm và triển vọng kinh tế Mỹ.
Sau buổi điều trần, ngày 11/7, Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước trong tháng Sáu sau khi đi ngang ở tháng Năm, trái với dự báo tăng nhẹ 0,1%. Bên cạnh đó, CPI lõi tại nước này tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước trong tháng vừa qua, thấp hơn mức tăng của tháng Năm và cũng là dự báo của các chuyên gia với 0,2%.
So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần và CPI lõi trong tháng Sáu lần lượt tăng 3,0% và 3,3%, cùng hạ nhiệt từ mức 3,3% và 3,4% của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn dự báo lần lượt tăng 3,1% và 3,4%.
Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất (PPI) toàn phần tại Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước trong tháng Sáu sau khi đi ngang ở tháng Năm, gần khớp với dự báo tăng nhẹ 0,1%. So với cùng kỳ năm 2023, PPI toàn phần tăng 2,6%.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 6/7 ở mức 222 nghìn đơn, giảm xuống từ 238 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn mức 236 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 233,5 nghìn, giảm 5,25 nghìn so với 4 tuần liền trước.
Cuối cùng, Đại học Michigan khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ chi ở mức 66,0 điểm trong tháng Bảy, giảm từ 68,2 điểm của tháng Sáu và trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 68,5 điểm. Đây là mức niềm tin tiêu dùng thấp nhất mà quốc gia này ghi nhận kể từ tháng 12/2023.
Nước Đức cũng đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về thương mại, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tại nước này lần lượt đạt 131,6 và 106,7 tỷ EUR trong tháng Năm, lần lượt giảm 3,6% và 6,6% so với tháng trước.
Theo đó, nước Đức thặng dư khoảng 24,9 tỷ EUR trong tháng Năm, cao hơn mức 22,2 tỷ của tháng Tư và đồng thời cao hơn mức 19,9 tỷ theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu và nhập khẩu tại Đức trong tháng Năm lần lượt giảm 1,6% và 8,7%.
Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Đức tăng khoảng 0,5% so với tháng trước trong tháng Năm sau khi giảm 1,0% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng chỉ đi ngang của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng công nghiệp tháng 5 giảm 3,3%.
Cuối cùng, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại Đức chính thức tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng Sáu, không có sự thay đổi so với thống kê sơ bộ và đồng thời khớp với dự báo. So cùng kỳ năm trước, CPI Đức tháng Sáu tăng khoảng 2,2%.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin quan trọng từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Kết quả của cuộc họp sẽ được công bố vào 19:15 ngày 18/7 theo giờ Việt Nam.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-8-127-153526-153526.html