Điểm mặt 4 trung tâm đô thị, 3 vùng kinh tế và 5 hành lang của Nam Định trong tương lai
Theo quy hoạch, trong tương lai tỉnh Nam Định sẽ xây dựng 4 trung tâm đô thị, 3 vùng kinh tế động lực, phát triển bền vững và 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo đang hình thành và phát triển.
Mới đây, ngày 6/3, tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, một số lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo địa phương, đại sứ quán đại diện cho một số quốc gia nước ngoài và hơn 100 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thông tin, tỉnh Nam Định nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ trù phú. Trong đó, TP Nam Định từng là một trong ba đô thị đầu tiên của vùng Bắc Bộ; "thủ phủ ngành dệt may" của cả nước.
Tỉnh Nam Định cũng ở vị trí đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy của vùng. Đồng thời, nằm trên các tuyến hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị quan trọng quốc gia như: Cao tốc Bắc Nam, các tuyến Quốc lộ 21, 21B, 10, 38B; trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.
Đặc biệt tuyến đường bộ ven biển cơ bản hoàn thành, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư và đang được triển khai sẽ có tác động tích cực cho phát triển kinh tế tỉnh; trong đó Khu kinh tế Ninh Cơ là một định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh (quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020; Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định chuyên đề về kinh tế biển).
Với vị trí như vậy, tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng để tham gia vào sự phân công, hợp tác phát triển chung của vùng và cả nước để bứt phá đi lên.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thông tin thêm, sau mười năm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều yếu tố mới cả nước và vùng Đồng bằng Sông Hồng, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đã tác động tích cực đến tỉnh Nam Định.
Do đó, một số chỉ tiêu và định hướng phát triển theo quy hoạch này đến năm 2030 đã không còn phù hợp. Với bối cảnh và thực tế phát triển địa phương, nhiệm vụ cấp bách là triển khai nghiên cứu và xây dựng quy hoạch tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các mục tiêu phát triển của tỉnh Nam Định.
Quy hoạch tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, đã được Chính phủ phê duyệt, thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao về những nỗ lực xây dựng và phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, Chính phủ cũng nhận thấy vai trò quan trọng của tỉnh trong sự phát triển của vùng Đồng bằng Sông Hồng, các tam giác, và hành lang tăng trưởng của khu vực Bắc Bộ cũng như toàn quốc.
Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 9,5%/năm. Kinh tế - xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển,...
Theo ông Phạm Đình Nghị, tầm nhìn đến 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.
Theo đó, tầm nhìn phát triển tỉnh đến 2050, Nam Định sẽ xây dựng không gian kinh tế là tập hợp của hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn, các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu du lịch, khu nghiên cứu, khu đào tạo, khu thể dục thể thao, khu nghỉ dưỡng, bảo tồn thiên nhiên... phát triển hiện đại, có sự kiểm soát chặt chẽ để mang lại hiệu quả cao. Sẽ phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh Nam Định.
Trong đó, phát triển khu kinh tế Ninh Cơ là hạt nhân; đồng thời, mở rộng không gian phát triển khu vực ven biển (lấn biển) khi điều kiện cho phép trên cơ sở nghiên cứu khả năng mở rộng phát triển hướng ra vùng ngoài khơi thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và một phần huyện Giao Thủy.
Hai lĩnh vực trọng điểm phát triển làm hạt nhân cho nền kinh tế của tỉnh là công nghiệp và dịch vụ. Trong đó công nghiệp với các ngành chế biến, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, tiêu dùng và xuất khẩu sẽ phát triển theo hướng hiện đại. Dịch vụ, đặc biệt là du lịch, dịch vụ biển, dịch vụ logistics phát triển dựa trên sự phát triển của công nghiệp và nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hình 3 khâu đột phá để xây dựng, phát triển tỉnh gồm: Đột phá về phát triển không gian lãnh thổ; đột phá ở các ngành, lĩnh vực kinh tế; đột phát trên 4 nền tảng phát triển khác. Để tạo đột phá về phát triển không gian lãnh thổ tỉnh sẽ hình thành, phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo, 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo giữ vai trò gắn kết các nền kinh tế trong vùng ĐBSH, là cầu nối trung chuyển trong mối hợp tác, liên kết kinh tế với các tỉnh khác trong nước, khu vực và quốc tế.
3 vùng kinh tế động lực gồm: Vùng kinh tế thành phố Nam Định mở rộng; Vùng nông nghiệp, nông thôn (huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); Vùng kinh tế biển (huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường).
4 trung tâm đô thị động lực gồm: Đô thị với trung tâm thành phố Nam Định mở rộng và các hạt nhân đô thị đối trọng vệ tinh (thị trấn Nam Giang – Cao Bồ); Trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, thị trấn Quỹ Nhất thị trấn Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ); Trung tâm đô thị Cao Bồ (thị trấn Lâm, 4 xã và thị trấn Bo thuộc Ý Yên); Trung tâm đô thị Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, thị trấn Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).
Cùng với 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo đang hình thành và phát triển tại tỉnh Nam Định, bao gồm: Hành lang Quốc lộ 10 (từ TP Nam Định đến Cao Bồ); Hành lang cao tốc Bắc - Nam nối dài (từ Hà Nội đến Cao Bồ và Rạng Đông). Hành lang tuyến đường bộ ven biển (từ Ninh Bình đến Rạng Đông, Giao Thủy, Thái Bình); Hành lang thành phố Nam Định - Lạc Quần - Giao Thủy và hành lang cao tốc Ninh Bình - Thái Bình - Quảng Ninh.
Để tạo đột phá phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, tỉnh sẽ tập trung: Phát triển công nghiệp tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thái, sản phẩm dịch vụ; phát triển kinh tế đô thị dựa trên việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các đô thị trọng điểm, đô thị mới; phát triển kinh tế biển, ven biển với việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm và thu hút phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ. Đối với 4 nền tảng phát triển khác, tỉnh sẽ tập trung tạo đột phá về: Nguồn nhân lực và văn hóa; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch…
Để đạt được mục tiêu trên, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thu hút vốn đầu tư, nhất là thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án phát triển trọng điểm; phát triển nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động bảo đảm cung ứng đủ số lượng nhân lực có chất lượng ở mọi lĩnh vực các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng.
Quản lý, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để các sản phẩm sản xuất tại tỉnh đạt năng suất, chất lượng cao không ngừng chiếm lĩnh các thị trường xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp tục nghiên cứu, ban hành và áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và pháp luật của Nhà nước theo từng giai đoạn, nhất là các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy liên kết hợp tác trong nước, hợp tác quốc tế để phát triển, thu hút, huy động nguồn lực thực hiện QHT; quản lý, kiểm soát phát triển các khu chức năng, đô thị, nông thôn; đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Xem thêm video đang được quan tâm: