Điểm mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 1/1/2024
Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực, mang lại nhiều thay đổi quan trọng với người bệnh cũng như ngành y.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có một số điểm đáng chú ý, như: Thay thế tên gọi của "Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" thành "Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh". Phương thức cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ chuyển từ quy định xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thời hạn 5 năm và để được gia hạn Giấy phép hành nghề thì phải đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định.
Việc chuyển đổi từ "Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" được cấp trước ngày 1/1/2024 sang "Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" sẽ được thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định và thực hiện việc gia hạn theo định kỳ 5 năm một lần kể từ ngày chuyển đổi.
Cùng với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Luật Đấu thầu 2023 cũng có nhiều quy định đáng chú ý. Luật gồm 10 chương với 96 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Những quy định đáng chú ý trong Luật Đấu thầu 2023 như: Sửa đổi, bổ sung quy định về hành vị bị cấm trong hoạt động đấu thầu so với Luật Đấu thầu 2023. Bổ sung một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Bổ sung quy định về hình thức chào hàng cạnh tranh tại Điều 24 Luật Đấu thầu 2023; Bổ sung quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; Bổ sung quy định về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại khoản 2 Điều 39 Luật Đấu thầu 2023; thay đổi mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu.
Bên cạnh đó, luật còn bổ sung chương riêng quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế; bổ sung quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.