Điểm mới trong Dự thảo Nghị định về cơ chế giá bán lẻ điện bình quân
Bộ Công Thương vừa hoàn thành Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với nhiều điểm mới.
Bộ Công Thương vừa ban hành Văn bản số 10594/BCT-ĐTĐL, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Vì sao phải xây dựng Dự thảo Nghị định?
Theo Bộ Công Thương, hiện nay việc thực hiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, trước đây là Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Trong năm 2024, đơn vị điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực đã tách độc lập với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đồng thời Luật Điện lực số 61/2025/QH15 cũng đã quy định Bộ Công Thương quy định phương pháp lập, hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt giá dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và giá dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Để kịp thời triển khai thi hành Luật Điện lực số 61/2024/QH15, cập nhật các quy định tại Luật Điện lực số 61/2024/QH15, phản ánh thực tế chi phí sản xuất kinh doanh điện và việc đơn vị điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực đã tách độc lập với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và quy định việc xác định lợi nhuận của các khâu để đảm bảo cơ sở thực hiện ngay khi Luật Điện lực số 61/2024/QH15 có hiệu lực. Do đó, việc xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (thay thế Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg) là cần thiết.
Những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định là gì?
Về nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định lần này, theo tờ trình của Bộ Công Thương vừa gửi các cơ quan lấy ý kiến, nội dung của dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định của Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg (Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung phù hợp với các quy định tại Luật Điện lực số 61/2024/QH15 cũng như phát sinh trong thực tiễn.
Dự thảo nghị định lần này sửa đổi, bổ sung quy định liên quan về thực hiện công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 tại Điều 3, Điều 5, Điều 7 so với Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg để phù hợp với Luật Điện lực số 61/2024/QH15 và làm rõ chủ thể thực hiện công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm N-2 để đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Điện lực số 61/2024/QH15.
Cụ thể Khoản 1 Điều 3 quy định: “Hằng năm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2, giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh...” và khoản 1 Điều 5 quy định: “Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm N do Bộ Công Thương ban hành, chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Điều 7 Nghị định này, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện năm N-1 (trong trường hợp chưa công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-1)…”.
Dự thảo cũng sửa đổi quy định tại Điều 7: "Công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện hằng năm như sau:“1. Hằng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện và thuê đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm toán. Sau khi có Báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm công bố công khai thông tin về chi phí sản xuất kinh doanh điện theo quy định tại khoản 2 Điều này trên trang Thông tin điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và theo hình thức khác theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi báo cáo nêu trên tới Bộ Công Thương.
2. Các nội dung công bố công khai bao gồm: chi phí thực tế thực hiện các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành - quản lý ngành) và các khoản chi phí khác quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này; giá bán lẻ điện bình quân thực hiện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; kết quả kinh doanh lỗ, lãi về hoạt động sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các chi phí chưa được tính vào giá điện từ lần điều chỉnh gần nhất nhưng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.”.
Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Nghị định mới cũng sửa đổi nguyên tắc về mức, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tại Điều 3 để phù hợp với điểm a, điểm c khoản 2 Điều 52 Luật Điện lực số 61/2024/QH15: “Giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh”, đồng thời phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm. Mặt khác, hiện nay các thông số đầu vào trong tính toán giá điện có sự biến động khá lớn trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện.
Do đó, Dự thảo Nghị định hiệu chỉnh 2 điểm:
“4. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với gía bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
5. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 02 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất”.
Về công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân (Điều 4 Dự thảo Nghị định), giữ nguyên công thức đã được quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg. Các thành phần trong công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo Nghị định kế thừa Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg, trong đó có hiệu chỉnh, bổ sung dẫn chiếu việc xác định chi phí như: “Tổng chi phí và lợi nhuận định mức năm N từ các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và nhà máy điện hạch toán phụ thuộc khác trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đồng). Trong đó tổng chi phí được xác định theo quy định do Bộ Công Thương ban hành” (phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 51 Luật Điện lực số 61/2024/QH15).
Dự thảo mới cũng bổ sung khoản 5 Điều 4 về quy định cơ sở xác định lợi nhuận định mức năm N trong tính toán giá bán điện bình quân của các khâu phân phối - bán lẻ điện; điều hành - quản lý ngành; nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc khác trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Việc bổ sung khoản 5 Điều 4 nêu trên phù hợp với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Luật Điện lực số 61/2024/QH15: “ . . . lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp . . . ”, đồng thời đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và cơ sở thực hiện.
Quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định
Theo Bộ Công Thương, ciệc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân bảo đảm tuân thủ và phù hợp với các quy định của Luật Điện lực số 61/2025/QH15 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, nội dung Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa hầu hết các nội dung của Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg và sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Điện lực 61/2025/QH15, cập nhật tình hình thực tế, đảm bảo việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện công khai, minh bạch, khả thi; tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Quy định chi tiết các điều, khoản mà Luật Điện lực 61/2025/QH15 giao cho Chính phủ về điều chỉnh giá điện.