Tài sản số, tài sản mã hóa được đưa vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ đưa ra cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các loại tài sản số, tài sản mã hóa, từ đó phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.

Cơ chế thử nghiệm thúc đẩy công nghệ số đột phá

Ngày 22/12, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Công nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số

Công nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số

Nghị quyết nêu rõ, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Công nghiệp công nghệ số là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số.

Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019; Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 54.500 doanh nghiệp đang hoạt động.

Năm 2023, Việt Nam có 5 sản phẩm công nghiệp công nghệ số được xếp hạng top đầu thế giới: Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Để phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp - Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), một trong những chính sách đột phá của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ chế thử nghiệm sản phẩm dịch vụ hội tụ công nghệ số.

Cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo Luật. Cơ chế thử nghiệm là việc cho phép thử nghiệm với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã ban hành luật quy định về vấn đề này như Hàn Quốc, Nhật Bản… Chính phủ đề xuất xây dựng quy định này nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển, hội tụ rất nhanh của công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số mà pháp luật chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

“Cơ chế thử nghiệm sẽ hình thành quy trình, nguyên tắc xét duyệt hồ sơ đề nghị thử nghiệm của doanh nghiệp và quy định rõ đầu mối tiếp nhận xử lý, quyết định cho phép thử nghiệm theo từng trường hợp căn cứ vào phạm vi, lĩnh vực thử nghiệm để bảo đảm tăng cường phân cấp, nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số”, ông Nguyễn Khắc Lịch cho hay.

Đã đến lúc phải quản lý tài sản số, tiền số

Dự thảo Luật dự kiến quy định cơ chế thử nghiệm theo hướng thúc đẩy phát triển và bảo đảm cơ chế thử nghiệm có thể được áp dụng đối với các lĩnh vực; có quy định miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính cho cơ quan, người có thẩm quyền cấp phép và tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm trong trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện không vụ lợi và tuân thủ đúng, đủ quy định của pháp luật; đối với vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Điểm đáng chú ý của dự thảo luật lần này là tài sản số, tài sản mã hóa được đưa vào một trong số các sản phẩm/dịch vụ được thử nghiệm.

Theo đại diện Cục Công nghiệp - Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thực tế hiện nay, Việt Nam đang bỏ trống khung pháp lý về tài sản số, tiền số dù giao dịch thực tế rất lớn.

Thống kê các sàn giao dịch tài sản số cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người và hằng năm có khoảng 120 tỉ USD tiền mã hóa được đổ vào nước ta.

Tài sản số nói chung hay tiền số hiện đã phát triển, liên quan đến nhiều người và là xu hướng của thế giới. Vì vậy, Việt Nam phải có khung pháp lý để điều chỉnh.

“Nguyên tắc quản lý tài sản số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững”, ông Lịch thông tin.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tai-san-so-tai-san-ma-hoa-duoc-dua-vao-du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-post1144987.vov