Điểm mới trong dự thảo về đào tạo, sát hạch lái ô tô

Các chuyên gia đồng tình với đề xuất bỏ môn nghiệp vụ vận tải trong đào tạo lái xe của Cục Đường bộ Việt Nam trong dự thảo về đào tạo, sát hạch lái ô tô.

Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo thông tư của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX); cấp, sử dụng GPLX quốc tế; đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Theo đó, Cục Đường bộ đề xuất bỏ nội dung học về nghiệp vụ vận tải. Việc này nhằm mục đích đảm bảo thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

 Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất bỏ môn nghiệp vụ vận tải trong đào tạo lái xe. Ảnh: THY NHUNG

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất bỏ môn nghiệp vụ vận tải trong đào tạo lái xe. Ảnh: THY NHUNG

Đề xuất bỏ môn nghiệp vụ vận tải

Theo Cục Đường bộ, điểm b và điểm c khoản 4 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định việc cấp GPLX hạng B1 cho người không hành nghề lái xe và hạng B2 cho người hành nghề lái xe.

Tại Thông tư 12/2017 và các văn bản sửa đổi hướng dẫn chi tiết Luật Giao thông đường bộ quy định nội dung chương trình học lái xe từ hạng B2 trở lên có nội dung học về nghiệp vụ vận tải.

“Tuy nhiên, ngày 27-6, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định hạng GPLX để điều khiển xe tải gồm hai hạng C1 và C (hạng C phải được đào tạo bằng hình thức nâng hạng) và không quy định cấp GPLX cho người hành nghề lái xe hay không hành nghề lái xe” - Cục Đường bộ lý giải.

Vì vậy, để phù hợp với quy định của luật này, Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất bỏ nội dung học về nghiệp vụ vận tải.

“Nhiều người học giấy phép lái xe hạng B2 cũng chỉ để lái xe gia đình, phục vụ nhu cầu cá nhân nên học môn nghiệp vụ vận tải không làm gì cả.”

Nghiệp vụ vận tải đã được đào tạo tại các đơn vị vận tải

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, đồng tình với đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo ông, nếu không phân biệt hạng GPLX để hành nghề lái xe hay không thì nên bỏ nội dung đào tạo này. Tuy nhiên, người lái xe kinh doanh vận tải (KDVT) vẫn nên học về nghiệp vụ vận tải khi kinh doanh.

“Nghĩa là khi người hành nghề lái xe đã có GPLX phù hợp thì cần thêm chứng chỉ nghiệp vụ vận tải trước khi xin giấy phép kinh doanh. Hiện tại, các đơn vị vận tải vẫn thường xuyên tổ chức nghiệp vụ cho các tài xế của đơn vị còn gọi là lớp tập huấn nghiệp vụ dành cho người lái xe” - ông Tính cho hay.

Theo ông Tính, lớp này tổ chức các nội dung như chuẩn bị xe ra sao, khách lên thì cần những thao tác gì và khi gặp tai nạn thì hướng xử lý như thế nào. Đối với nghiệp vụ vận tải taxi thì phải thuộc đường và các yêu cầu khác.

“Theo tôi, lớp nghiệp vụ dành cho người lái xe cần bổ sung cách xử sự, kinh nghiệm của người lái xe trên đường cao tốc. Vì hiện nay đường cao tốc được xây dựng nhiều và cũng xảy ra tai nạn nhiều nhưng chưa bắt buộc trong nội dung tập huấn” - ông Tính kiến nghị thêm.

Một số điểm chưa thống nhất tại Thông tư 12/2017

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết trong quá trình triển khai, cục nhận được ý kiến phản ánh của các tổ chức và cá nhân về khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định về quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX đang được quy định tại Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT.

Cụ thể, Điều 4 Thông tư 05/2024 có quy định: Sát hạch lý thuyết thực hiện trên máy vi tính (trừ sát hạch đối với GPLX hạng A1 tại các địa bàn thuộc các đô thị từ loại III trở lên có khoảng cách đến trung tâm đô thị loại III trở lên trên 100 km được phép sát hạch bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy).

Theo đó, trong quá trình tổ chức thực hiện còn có cách hiểu khác nhau đối với cụm từ “trở lên” là các đô thị loại II, loại I và đặc biệt hay loại IV và loại V. “Vì vậy, cần được quy định rõ việc cho phép sát hạch lý thuyết bằng hình thức trắc nghiệm trên giấy tại các địa bàn thuộc đô thị loại nào, để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện” - Cục Đường bộ cho hay.

Thứ hai, tại Phụ lục 40 quy định: Cơ sở đào tạo chỉ được đào tạo lý thuyết theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn sau khi có báo cáo đăng ký thực hiện chương trình đào tạo theo Mẫu số 01 tại phụ lục này, gửi Sở GTVT và Sở LĐ-TB&XH để theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có Sở GTVT rà soát, kiểm tra, đánh giá phần mềm ứng dụng dạy lý thuyết theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn trước khi cho phép cơ sở đào tạo lái xe đào tạo, có sở sau khi đào tạo xong mới kiểm tra.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong công tác đào tạo lái xe và người học lái xe được học đúng, đủ nội dung chương trình đào tạo, cần quy định rõ trách nhiệm của Sở GTVT trong vấn đề trên.

Cũng theo vị chủ tịch hiệp hội, giấy tập huấn nghiệp vụ này cấp một lần có giá trị ba năm được quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020.

Đại diện một trung tâm đào tạo lái xe cũng ủng hộ đề xuất này, đồng thời đơn vị này kiến nghị khi bỏ nội dung trong đào tạo thì cũng cần bỏ nội dung này trong chương trình sát hạch lý thuyết (bộ câu hỏi 600 câu).

Theo vị này, hiện nay nhiều người học GPLX hạng B2 cũng chỉ để lái xe gia đình, phục vụ nhu cầu cá nhân nên học môn nghiệp vụ vận tải không làm gì cả, không ứng dụng vào cuộc sống và không nhằm mục đích kinh doanh.

Vị này cũng cho biết thêm hiện tại môn nghiệp vụ vận tải chiếm 16 giờ gồm các nội dung như khái niệm về vận tải, quản lý vận tải, KDVT, trách nhiệm của người lái xe khi KDVT …

“Tuy nhiên, hiện tại bộ 600 câu hỏi thi sát hạch thì có các câu liên quan đến môn này cho nên bỏ môn nghiệp vụ vận tải thì cũng phải ban hành lại bộ câu hỏi để phù hợp với các quy định” - vị đại diện đề xuất thêm. •

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/diem-moi-trong-du-thao-ve-dao-tao-sat-hach-lai-o-to-post807057.html