Điểm mới trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm

Tại Dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp có một số điều chỉnh mà theo Bộ nhằm hướng đến quản lý dạy thêm học thêm phù hợp với tình hình thực tế và tăng tính công khai, minh bạch.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Hiện nay, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm bảo đảm các quy định quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành (Thông tư số 17).

Để hướng đến việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngày càng minh bạch, phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý từ ngày 22/8 đến ngày 22/10.

Tại Dự thảo Thông tư có một số điểm mới đáng chú ý như: Không còn nêu cụ thể những trường hợp không được dạy thêm, học thêm; Không cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình; Yêu cầu công khai môn học, thời lượng, danh sách giáo viên dạy thêm; Quy định thời lượng dạy thêm, học thêm; Bỏ quy định học sinh, phụ huynh phải viết đơn tự nguyện xin học thêm…

Theo Vụ trưởng Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành, cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên, học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm việc dạy thêm, học thêm. Việc điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm trong Dự thảo Thông tư quy định nhằm phù hợp với tình hình thực tế, tăng tính minh bạch, hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực đối với dạy thêm, học thêm.

“Với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, quy định hiện hành nêu cụ thể những trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Ở Dự thảo lần này, chúng tôi nhận thấy không cần thiết đưa vào nữa”, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nói về điểm mới trong Dự thảo Thông tư.

Trong Dự thảo không đề cập việc "không được tổ chức dạy thêm, học thêm ở tiểu học", nhưng đã nêu trong nguyên tắc: “Đối với những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì không tổ chức dạy thêm, học thêm”. Hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang thiết kế bắt buộc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, như vậy ở cấp tiểu học sẽ không dạy thêm, học thêm trong trường.

Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết, theo dõi việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường thời gian qua, có một vấn đề cần giải quyết trong quản lý dạy thêm, học thêm, đó là việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường có tình trạng không mạch lạc, thậm chí tạo ra sự phân biệt “môn chính, môn phụ”, giữa giáo viên này với giáo viên kia…

Vì vậy, việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà Dự thảo đang xin ý kiến đã hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch hơn.

Cụ thể, với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Dự thảo quy định rõ phải bắt đầu từ đề xuất của tổ chuyên môn về môn muốn dạy thêm, trình bày rõ mục tiêu, lý do. Cùng với đó là nội dung, thời lượng dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.

Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh.

Một điểm nữa là quy định rõ về thời lượng dạy thêm, học thêm. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.

Quy định về số tiết/tuần như trên đã được thực hiện từ năm 2010 theo Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 1/11/2010 hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học. Cụ thể, những trường dạy học 2 buổi/ngày, đối với cấp THCS, buổi sáng dạy không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày; đối với cấp THPT, buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày.

“Tổng thời lượng dạy học trong nhà trường, tính cả dạy thêm, học thêm trong Dự thảo cũng không được vượt quá số tiết tại quy định này”, Vụ trưởng Giáo dục trung học phân tích.

Theo quy định hiện hành, học sinh, phụ huynh phải viết đơn tự nguyện xin học thêm rồi nhà trường mới xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm. Để tránh việc hình thức khi thực tế nảy sinh hiện tượng ép học sinh tự nguyện viết đơn, theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, phải có quy định rõ ràng mọi thông tin về dạy thêm, học thêm, học sinh và phụ huynh mới có căn cứ để đăng ký dựa trên nhu cầu và mong muốn của từng học sinh.

Quy định giáo viên trường công lập không được “tổ chức” dạy thêm, học thêm vẫn giữ nguyên, đúng với quy định chung về việc viên chức thì không được tổ chức kinh doanh, còn thầy cô vẫn được “tham gia” dạy thêm.

Tuy nhiên, nhà giáo (bao gồm cả hiệu phó) trường công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định về các nguyên tắc dạy thêm, học thêm.

Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

Những báo cáo này để hiệu trưởng nhà trường có thông tin và lưu hồ sơ, trường hợp giáo viên vi phạm sẽ có minh chứng xử lý.

Như vậy, không cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình khi học sinh và phụ huynh thực sự có nhu cầu, chỉ lưu ý tuyệt đối không được ép buộc học sinh học thêm

Đối với dạy học thêm ngoài nhà trường, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (cơ sở dạy thêm) phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và phải công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Việc công khai là để toàn dân cùng giám sát.

Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đưa ra 5 nguyên tắc:

Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm;

Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam;

Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm;

Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; Không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh;

Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 (hai) buổi/ngày.

VIỆT DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/diem-moi-trong-quan-ly-hoat-dong-day-them-hoc-them-post827417.html