'Điểm nghẽn môi trường' trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp

Theo quy định, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được đầu tư hệ thống này gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương cũng như việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Một góc Cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Nam Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Loay hoay bài toán khu xử lý tập trung

Tại huyện Quế Sơn, hiện có ba cụm công nghiệp do địa phương quản lý. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp đầu tư vào đây phần lớn đã giải quyết công ăn việc làm cho con em địa phương, góp phần hạn chế lao động rời quê hương đi làm ăn xa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Phước Sơn cho biết, để đáp ứng các tiêu chí theo Luật Bảo vệ môi trường, tiêu chí xét duyệt đạt chuẩn nông thôn mới và kêu gọi thu hút đầu tư, địa phương tập trung nguồn vốn để đầu tư dự án khu xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp Đông Phú với công suất thiết kế giai đoạn một là 480 m3/ngày, tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng.

“Bài toán đặt ra là sau khi có khu xử lý nước thải tập trung thì công tác quản lý, vận hành cũng rất khó khăn. Thực tế nhiều nơi có đầu tư rồi nhưng rất lãng phí, hiệu quả thấp. Đây là một vấn đề rất khó khăn. Không đầu tư thì không đáp ứng được các tiêu chí, không đáp ứng được quy định; đầu tư rồi thì khó khăn về nguồn lực con người để quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng… Huyện cũng đang rất lo lắng vấn đề này”, ông Nguyễn Phước Sơn bày tỏ.

Quảng Nam có khoảng 60 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng mới có bốn cụm có khu xử lý nước thải tập trung, trong đó ba cụm đã dừng vận hành hoặc vận hành không đạt yêu cầu. Nguyên nhân do các doanh nghiệp không chịu đấu nối vào đường ống thu gom khiến nước thải không về hệ thống. Thêm nữa, mỗi doanh nghiệp đều có một hệ thống xử lý nước thải riêng.

Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp, thương mại-dịch vụ-quỹ đất huyện Phú Ninh cho biết, chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình khu xử lý nước thải tập trung khoảng 15 tỷ đồng cho một cụm công nghiệp. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động tại các cụm công nghiệp ít, việc thu phí không bảo đảm để vận hành hệ thống.

“Nếu đầu tư hệ thống mô-đun thấp nhất là gần 10 tỷ đồng/cụm. Song song với đó là chi phí vận hành gồm hóa chất, hệ thống quan trắc… tốn kém rất nhiều, trong khi chúng tôi không thể thu tiền của doanh nghiệp được. Hiện, phần lớn các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý môi trường, bảo đảm điều kiện để xả thải ra môi trường, nên họ sẽ không đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của cụm. Vì thế không có nước thải về để xử lý, hệ thống không vận hành được”, ông Huỳnh Ngọc Hải cho biết.

Việc đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp là cần thiết và bảo đảm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu, rà soát và đánh giá lại quy mô của từng cụm để có mức đầu tư cho hợp lý. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cần xem xét hỗ trợ vốn để địa phương có thể xây dựng và vận hành. Có như vậy mới đáp ứng được các tiêu chí, nhưng hơn hết là bảo vệ được môi trường.

Khó thu hút doanh nghiệp vào đầu tư

Dù mỗi địa phương ở tỉnh Quảng Nam đều có cụm công nghiệp và bố trí đủ quỹ đất để các doanh nghiệp vào đầu tư, tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp không cao. Ngoài các yếu tố về kinh tế, chính sách thu hút kêu gọi đầu tư, việc hạ tầng chưa bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm.

Tại Khu công nghiệp Thuận Yên, năm 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến năm 2009, tỉnh giao cho thành phố Tam Kỳ làm chủ đầu tư. Gọi là Khu công nghiệp Thuận Yên nhưng trên thực tế chưa hoàn thành thủ tục thành lập khu công nghiệp. Bởi khu này chưa có hồ sơ môi trường của dự án được duyệt, chưa có thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Phó Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Lê Quang Triều cho biết, hiện đơn vị đã làm việc với chủ đầu tư, đang cố gắng để hoàn thiện thủ tục và đề xuất phương án xử lý sớm nhất, bảo đảm điều kiện đủ theo quy định để xúc tiến các nhà đầu tư. Môi trường hiện nay là điều kiện thiết yếu trong phát triển bền vững. Nếu không quản lý chặt chẽ vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sau này cũng như phát triển bền vững trong tương lai. Họ cũng đang tập trung, nghiên cứu nhiều giải pháp, đặc biệt là xử lý bất cập cũ của khu trước đây.

Theo Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp, thương mại-dịch vụ-quỹ đất huyện Phú Ninh, để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trước mắt, tỉnh Quảng Nam tiếp tục nhận các dự án đầu tư mà không phát sinh nước thải công nghiệp. Đối với nước thải sinh hoạt thì yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết thuê đơn vị môi trường định kỳ xử lý.

Đề cập vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Thái Bình khẳng định: Việc phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cũng không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Để thu hút, giữ chân nhà đầu tư thì mọi hạ tầng về khu, cụm công nghiệp đều phải bảo đảm.

Tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Trước mắt, ưu tiên các cụm công nghiệp còn quỹ đất hơn 50% thu hút dự án đầu tư, phân kỳ, chia mô-đun đầu tư hệ thống xử lý nước thải phù hợp quy mô lấp đầy theo kế hoạch phát triển.

“Đối với những khu, cụm công nghiệp, nhất là những cụm công nghiệp thuộc huyện quản lý, thuộc đầu tư ngân sách huyện nhưng có xu hướng, có triển vọng phát triển, có nhà đầu tư quan tâm thì nghiên cứu để ngân sách tỉnh hỗ trợ”, ông Phan Thái Bình thông tin.

Theo phương án phát triển cụm công nghiệp Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ có 93 cụm công nghiệp. Do đó, tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vừa hài hòa với lợi ích phát triển kinh tế, vừa bảo đảm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường

Theo ANH QUÂN/Nhandan.vn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/diem-nghen-moi-truong-trong-thu-hut-dau-tu-vao-cac-khu-cum-cong-nghiep-388596.html