Điểm nghẽn về logistics tại luồng hàng hải sông Hậu

Luồng hàng hải Định An – Cần Thơ có vai trò đặc biệt quan trọng trong thông thương bằng đường biển cho toàn vùng Nam Sông Hậu. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả của vận tải thủy nội địa trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng do tình trạng bồi lắng tự nhiên và ngân sách nhà nước còn khó khăn. Mới đây, Quốc hội đã có quyết sách đặc thù giải quyết vấn đề này.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.CầnThơ. Nhiều nhận định của đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia đã kỳ vọng đây là bước ngoặt và là "cú hích" cho sự phát triển của một Thành phố, vốn chưa phát triển xứng tầm với lợi thế và tiềm năng của mình.

TP.Cần Thơ có vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là cửa ngõ đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Nhiều mục tiêu mang tầm chiến lược đã được thể hiện trong Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mặc dù vậy, thời gian qua, Cần Thơ chưa thực sự phát huy các thế mạnh trong vai trò dẫn dắt đầu tàu kinh tế, trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng. Vậy những rào cản hiện nay là gì?

Đây là chuyến tàu đầu tiên chở 500 container (trọng tải gần 7.000 tấn) từ Hải Phòng qua kênh Quan Chánh Bố đã cập cảng Cái Cui (Cần Thơ), khai mở tuyến hàng hải chuyên container nội địa Cần Thơ - Hải Phòng diễn ra vào cuối tháng 10/2016, được kỳ vọng “mở toang” cánh cửa thông thương bằng đường thủy cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, sau hơn một năm đưa vào khai thác, tình trạng bồi lắng cùng những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc nạo vét khiến luồng sông Hậu ngày càng cạn, tàu lớn không thể vào cảng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải.

Ông Lê Tiến Công, Giám đốc Cảng Cái Cui, Tp.Cần Thơ: “Đến nay tuyến tàu trọng tải lớn qua kênh Quan Chánh Bố vẫn chưa thông luồng, tàu 10 ngàn tấn trở lên không thể ra vào. Lưu lượng tàu hiện nay ra vào Kênh Quan Chánh Bố và cửa Sông Hậu, luồng Định An vẫn chưa đạt được theo yêu cầu kế hoạch đề ra;đoạn tuyến khoảng 3,8 km của luồng sông Hậu không nạo vét được.

Hiện nay, tàu vào sông Hậu có 2 luồng thì cả hai đều không thể tiếp nhận những tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn trở lên. Cụ thể, luồng chính là kênh Quan Chánh Bố chỉ đi được một chiều, còn luồng Định An là luồng phụ nhưng bồi lắng tự nhiên khiến tàu lớn cũng không thể vượt qua. Luồng sông Hậu “mắc cạn”, không những gây thiệt hại trực tiếp cho các cảng biển trong vùng mà còn khiến hàng hóa “quay đầu” chuyển lên TP.Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây...

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Cần Thơ:Luồng Định An bị cạn hàng năm do đó cái vùng ĐBSCL với sản phẩm lúa thủy sản và trái cây và nông sản rất lớn do đó cái tàu 5, 7 ngàn tấn không vào được Cần Thơ vào luồng Định An nầy hầu như là 70% các hàng nông sản xuất khẩu của ĐBSCL lên cảng TP.Hồ Chí Minh và Các Lái với sản lượng như vậy ảnh hưởng đến chi phí nông dân và doanh nghiệp tăng.”

Theo Bộ Giao thông vận tải, khu vực cấp thiết nhất cần nạo vét là 29 km cửa Định An với chi phí khoảng 1.050 tỷ đồng/lần nạo vét. Nếu nạo vét để đạt chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải 10.000 tấn vào Cảng Cái Cui, Cần Thơ thì chi phí khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/lần nạo vét. Dự án được Bộ Giao thông vận tải đưa vào danh mục kêu gọi xã hội hóa từ lâu, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “Chúng tôi đã đưa tuyến luồng này vào danh mục kêu gọi xã hội hóa nạo vét, tuy nhiên từ đó đến nay cũng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm, lý do thì tôi cho rằng có thể do tính chất đất lắng ở khu vực này, chủ yếu là bùn, nên nguồn thu từ việc sử dụng các vật chất sau nạo vét không bù đắp được chi phí nạo vét nên không hấp dẫn nhà Đầu tư.”

Để khắc phục những tồn tại còn bất cập trong vận tải đường thủy trên luồng sông Hậu, nhiều ý kiến cho rằng trước mắt thành phố cần quan tâm phát triển về đường bộ và đường thủy. Việc kết hợp sử dụng luồng hàng hải kênh Quan Chánh Bố và luồng hàng hải Định An (sông Hậu) một cách hiệu quả nhất, kết hợp các phương thức giao thông như đường bộ, đường thủy trong vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu sẽ phát huy vai trò của vùng.

Đại biểu Nguyễn Công Long - Đại biểu Quốc hội Đồng Nai: Quốc hội lần này thông qua nội dung trong đó dành cho cơ chế rất đặc biệt về ưu đãi về thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế đất để tạo ra điểm nhấn, hút các nhà đầu tư tham gia vào dự án này. Và việc nạo vét lòng tuyến của luồng hàng hải phải đảm bảo cho việc lưu thông lòng tuyến trên 10 ngàn tấn và có dự án đầu tư phải trên 500 tỷ. Điều này tạo ra cú hích rất quan trọng cho ĐBSCL, khơi thông logictic, tạo ra sức hút đầu tư, giảm chi phí về logictic từ Cần Thơ đi các vùng và xuất khẩu toàn thế giới.

Đồng bằng sông Cửu Long từng được biết đến với dự án luồng sông Hậu, một công trình hàng hải trọng điểm của ngành giao thông vận tải có quy mô lớn nhất từng được triển khai với tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, mục tiêu thông qua 21 đến 22 triệu tấn (hàng hóa tổng hợp) và 450 đến 500 nghìn TEU/năm (công-ten-nơ) vào năm 2020… nhưng mục tiêu đó đang trở thành thách thức, còn rất xa vời.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-nghen-ve-logistics-tai-luong-hang-hai-song-hau