Điểm nhấn Festival Mùa thu Huế vào dịp Tết Trung thu 2024
Điểm nhấn Festival Mùa thu Huế 2024 là dịp để cộng đồng cùng nhau hòa mình vào những giá trị truyền thống đặc sắc của Huế, hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm vui tươi và thú vị.
Ngày 10/9, tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Festival Mùa thu Huế 2024 sẽ diễn ra với điểm nhấn vào dịp Tết Trung thu từ ngày 16/9 đến ngày 19/9/2024 qua chuỗi các hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.
Đây là các hoạt động hướng đến cộng đồng, không thu vé vào cổng, nhằm góp phần đa dạng hóa trải nghiệm của du khách khi đến Huế và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần người dân địa phương.
Theo đó, điểm nhấn Festival Mùa thu Huế 2024 là chuỗi các hoạt động đa dạng, đặc sắc, có tính liên kết bao gồm: Hội Đèn lồng quốc tế Huế 2024, Hội Rước đèn lồng đường phố, Lễ hội Áo dài "Linh Phụng" và chương trình nghệ thuật "Mùa thu cho em".
Hội Đèn lồng Quốc tế Huế 2024 tại Vườn Thiệu Phương (Đại Nội Huế) khai mạc vào tối 16/9 với các tiết mục ca múa Cung đình, các trò chơi cung đình cùng không gian trưng bày, sắp đặt (diễn ra từ ngày 16 đến ngày 19/9) với các chủng loại đèn lồng của các nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tối 17/9, Lễ hội Rước đèn lồng đường phố với sự tham gia của 4 quốc gia. Các nghệ sĩ sẽ mặc trang phục đặc trưng của dân tộc tham gia rước đèn lồng truyền thống, diễu hành trên tuyến đường: Cổng Ngọ Môn - Quảng trường - đường 23 tháng Tám - đường Lê Huân - cửa Chương Đức.
Đèn lồng Việt Nam bao gồm đèn lồng của nghệ nhân Trịnh Bách; đèn truyền thống của nghệ nhân Đăng Hoàng, đèn lồng làm từ mây tre đan Bao La, đèn lồng trúc chỉ, đèn lồng xếp CAN Studio. Đèn lồng truyền thống các nước gồm các nghệ nhân tỉnh Gifu (Nhật Bản); các nghệ nhân đến từ Hiệp hội Văn hóa Thủ công Hoàng gia (Hàn Quốc); các nghệ nhân Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Lễ hội sẽ phô diễn vẻ đẹp của sắc màu truyền thống qua trang phục và đèn lồng, tạo nên không khí vui tươi cho Festival Mùa Thu Huế 2024.
Vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 18/9 diễn ra Chương trình nghệ thuật Áo dài “Linh Phụng” tại sân khấu cửa Hiển Nhơn.
Chương trình bao gồm một chuỗi những câu chuyện sống động về huyền thoại chim phụng gắn với áo dài Huế được thể hiện bằng ngôn ngữ của thời trang, âm nhạc, vũ khúc kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác.
Theo Ban tổ chức, chương trình diễn ra ở cửa Hiển Nhơn - một trong những công trình tiêu biểu với các họa tiết trang trí gắn sành sứ có một mật độ khá dày nhưng hài hòa cả về màu sắc, bố cục, mang đến một nét kiến trúc tráng lệ độc đáo. Cách dàn dựng và biểu diễn ở mỗi không gian sẽ góp phần gia tăng cảm xúc, sự tương tác và trải nghiệm của người xem chương trình.
Tiếp đó, tối 19/9, Chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” tại sân khấu cửa Hiển Nhơn do Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện với sự tham gia của nhạc sĩ Trần Tiến cùng nhóm nhạc Du Ca.
Chương trình sẽ lần lượt giới thiệu các ca khúc viết về mùa thu cũng như những ký ức âm nhạc của các tác giả Minh Kỳ - Nguyễn Hiền; Cung Tiến; Phạm Trọng Cầu; Dương Thiệu Tước; Trần Tiến; Trịnh Công Sơn; Phạm Mạnh Cương và Ngô Thụy Miên. Các ca khúc do nhạc sĩ Trần Tiến, các ca sĩ Hà Trần, An Nhiên, Phong Thủy, Thanh Lan… trình diễn