Điểm nhấn khắc họa thế giới 2024: Muốn quên, nhớ và hy vọng...

Một năm ghi dấu nhiều sự kiện nổi bật, từ các cuộc bầu cử định hình chính trị toàn cầu, xung đột kéo dài ở Trung Đông và Ukraine, đến những bước tiến trong trí tuệ nhân tạo và khám phá vũ trụ. Cùng Báo Thế giới và Việt Nam điểm lại những nét chính trong bức tranh đa sắc của thế giới.

365 ngày có thể là dấu cộng dài của những “đêm trường” ở Trung Đông, dấu trừ của những mất mát to lớn trước sự nổi giận của “mẹ thiên nhiên” và cũng có thể chỉ vừa vặn như một giấc mơ với những buồn vui, đổi thay, xoay vần… Cùng nhìn lại để bước tiếp trong hy vọng về một thế giới bình an.

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Các cuộc bầu cử định hình nền chính trị toàn cầu

Năm “siêu bầu cử” 2024 khắc họa những thay đổi mang tính bước ngoặt với nhiều quốc gia và cả trật tự quốc tế. Trên toàn cầu có hơn 70 quốc gia - tổng dân số khoảng 4 tỷ người đã bỏ phiếu để chọn ra những nhà lãnh đạo.

Cuộc bầu cử gay cấn nhất và được theo dõi nhiều nhất là cuộc chạy đua giữa các ứng viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ. Sau chiến thắng thuyết phục của cựu Tổng thống Donald Trump, thế giới đang hồi hộp với sự trở lại của “chính quyền Donald Trump 2.0” bắt đầu từ ngày 20/1.

Ở nước Nga, với số phiếu rất cao (hơn 87%), Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục nhiệm kỳ thứ năm tại Điện Kremlin. Theo kế hoạch, ông Putin sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Nga trong sáu năm tới, cho đến năm 2030.

Tại Nam Á, tổng tuyển cử ở Ấn Độ kéo dài sáu tuần được xem là cuộc bầu cử lớn nhất hành tinh với gần 1 tỷ người đủ điều kiện bỏ phiếu. Chiến thắng của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đưa đương kim Thủ tướng Narendra Modi tại vị nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Ở châu Âu nổi bật là cuộc bầu cử Nghị viện (EP) - một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới - hồi tháng Sáu với sự thắng thế của các đảng cực hữu, nhất là ở những quốc gia được phân bổ số ghế lớn như Đức và Pháp, phần nào cho thấy diện mạo chính trị châu Âu sẽ có những thay đổi trong ít nhất năm năm tới.

Trung Đông vốn đã nóng bỏng với những cuộc xung đột khi âm ỉ, lúc dữ dội lại càng khốc liệt hơn trong năm qua.

Trung Đông vốn đã nóng bỏng với những cuộc xung đột khi âm ỉ, lúc dữ dội lại càng khốc liệt hơn trong năm qua.

Trung Đông càng thêm nóng

Trung Đông vốn đã nóng bỏng với những cuộc xung đột khi âm ỉ, lúc dữ dội lại càng khốc liệt hơn trong năm qua. “Chảo lửa” này chứng kiến sự bùng nổ hành động thù địch giữa các thế lực không muốn cùng “đứng dưới ánh mặt trời”.

Israel và Iran nhiều lần “ăn miếng trả miếng”bằng các cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ của nhau. Quân đội Israel tiếp tục giao tranh với nhóm Houthi tại Yemen và tổ chức Hezbollah tại Lebanon...

Ở Syria, sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục vẽ thêm những vệt tối về tương lai của khu vực vốn đã đầy u ám.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ tư.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ tư.

Căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ tư, tiếp tục leo thang với nhiều diễn biến mới và nguy hiểm nhưng đã thấy chút ánh sáng le lói. Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và nhiều lần hứa sẽ giải quyết xung đột Ukraine ngay cả trước khi nhậm chức là yếu tố bước ngoặt góp phần thay đổi tính toán của Kiev và Moscow cũng như các bên liên quan, thắp lên hy vọng tìm ra lối thoát cho xung đột.

Nối tiếp Phần Lan, Thụy Điển từ bỏ vị thế trung lập và chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO từ ngày 7/3. Sự gia nhập của Thụy Điển được cho là làm thay đổi sâu sắc cấu trúc an ninh châu Âu và khiến quan hệ Nga - NATO tiến gần đến “điểm không thể quay đầu”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) gặp Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tại Cung điện Bellevue ở Berlin hôm 16/12. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) gặp Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tại Cung điện Bellevue ở Berlin hôm 16/12. (Nguồn: Reuters)

Châu Âu rối ren với những "sao đổi ngôi"

Năm 2024 không hề dễ dàng đối với châu Âu. Các đảng cánh hữu, cực hữu và phong trào dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy trong cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) và giành chiến thắng tại hàng loạt nước. Với xu hướng này, những năm tới, các chương trình nghị sự của EU sẽ khó khăn hơn.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, chính phủ tại Pháp và Đức, hai trụ cột chính trị và kinh tế của EU lần lượt sụp đổ, đặt châu Âu vào giai đoạn bất ổn “chưa từng có”. Việc thiếu sự lãnh đạo quyết đoán từ hai quốc gia này khiến khu vực gặp khó khăn trong thúc đẩy các chính sách chung.

IMF kỳ vọng GDP toàn cầu năm 2024 và 2025 lần lượt là 3,2% và 3,3%. (Nguồn: Business Standard)

IMF kỳ vọng GDP toàn cầu năm 2024 và 2025 lần lượt là 3,2% và 3,3%. (Nguồn: Business Standard)

Kinh tế thế giới vững vàng đến bất ngờ

Dù đối mặt không ít thách thức, nền kinh tế toàn cầu giữ vững nhịp tăng trưởng trong năm 2024. Lạm phát được ghìm cương và nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy sức chống chịu tốt. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tại gần một nửa số nền kinh tế phát triển và gần 60% số nền kinh tế mới nổi, lạm phát toàn phần đã giảm.

Thời “hoàng kim” của vàng là một điểm nhấn của kinh tế thế giới năm qua, khi giá kim loại quý này tăng khoảng 30% và có trên 30 lần thiết lập kỷ lục.

Thế giới bước vào năm 2025 với tinh thần lạc quan nhưng cũng hiểu rõ rủi ro đang đón chờ. Đó là những điểm nóng xung đột tiếp tục leo thang có thể khiến lạm phát toàn cầu trỗi dậy, mối lo về nợ công và thâm hụt ngân sách ở các nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục ám ảnh các nhà đầu tư hay những lời “đe dọa” thuế quan của ông Trump...

Hiện nay, nhiều quốc gia khác đang ngỏ ý tham gia BRICS.

Hiện nay, nhiều quốc gia khác đang ngỏ ý tham gia BRICS.

BRICS với bước ngoặt lịch sử

Việc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) chào đón thêm các thành viên mới là Saudi Arabia, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Việc mở rộng BRICS nâng tổng số thành viên lên 10 quốc gia, chiếm khoảng 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu. Hiện nay, nhiều quốc gia khác đang ngỏ ý tham gia BRICS, qua đó thể hiện tầm ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của khối này trên trường quốc tế.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), các tỉnh, thành phố miền Bắc Việt Nam bị thiệt hại nặng nề về người và của. (Nguồn: UNICEF)

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), các tỉnh, thành phố miền Bắc Việt Nam bị thiệt hại nặng nề về người và của. (Nguồn: UNICEF)

"Trái đắng" từ biến đổi khí hậu

Năm qua chứng kiến những tác động tàn khốc do biến đổi khí hậu trên toàn cầu với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm 2024 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một thập kỷ nóng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan (siêu bão Yagi, siêu bão Hamilton, lũ lụt ở châu Âu…) không chỉ gây thiệt hại lớn cho nhiều quốc gia, khu vực, mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người trên khắp thế giới.

Năm 2024 được đánh giá là một năm “trưởng thành” của trí tuệ nhân tạo (AI).

Năm 2024 được đánh giá là một năm “trưởng thành” của trí tuệ nhân tạo (AI).

Cuộc cách mạng toàn diện của AI

Năm 2024 được đánh giá là một năm “trưởng thành” của trí tuệ nhân tạo (AI). AI len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ kinh doanh, giáo dục, y tế đến nông nghiệp, buộc con người phải nhanh chóng thích nghi với một thế giới do công nghệ dẫn dắt.

AI cũng tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ nếu không được kiểm soát bài bản. Ngày 21/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng hình thức đồng thuận một nghị quyết mang tính bước ngoặt về việc thúc đẩy các hệ thống AI “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy” nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát rủi ro tiềm tàng từ công nghệ này.

Trung Quốc công bố đã phát hiện dấu vết của nước trên Mặt trăng.

Trung Quốc công bố đã phát hiện dấu vết của nước trên Mặt trăng.

Chương mới trong hành trình khám phá vũ trụ

Năm 2024 chứng kiến một chương mới đầy hứng khởi của hành trình khám phá vũ trụ. Mặt trăng tiếp tục là tâm điểm khám phá với những thành tựu bước ngoặt của nhiều quốc gia. Tàu vũ trụ Thường Nga-6 của Trung Quốc rời bề mặt Mặt trăng, mang theo các mẫu vật thu thập được từ phần tối của hành tinh này - một thành tựu chưa từng có trong lịch sử khám phá Mặt trăng của loài người. Năm 2024, công nghệ vũ trụ cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Bên cạnh công nghệ tái sử dụng tên lửa của SpaceX, các nhà khoa học tập trung vào phát triển động cơ đẩy mới như động cơ ion và động cơ hạt nhân…

Năm 2024 với nhiều biến động, những gam màu xám, sáng đã qua. Khoảnh khắc chuyển giao năm mới là thời điểm gieo mầm những hy vọng về một thế giới yên bình, chung tay để cùng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn!

Ban Biên tập

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-nhan-khac-hoa-the-gioi-2024-muon-quen-nho-va-hy-vong-299358.html