Điểm nhấn quy hoạch phát triển huyện Thọ Xuân

Huyện Thọ Xuân đã và đang tập trung khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, với nông nghiệp là nền tảng, công nghiệp là đột phá, dịch vụ hàng không và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, trọng tâm là phát triển khu vực Lam Sơn - Sao Vàng trở thành trung tâm công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ hàng không, tạo động lực để Thọ Xuân trở thành thị xã.

Một góc thị trấn Thọ Xuân.

Trong quá trình phát triển, huyện Thọ Xuân tập trung huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nông thôn. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đẩy mạnh đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đi đôi với đó, tập trung lập quy hoạch chung đô thị Thọ Xuân trên toàn bộ địa giới hành chính của huyện làm cơ sở để thành lập thị xã Thọ Xuân. Lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở đầu tư phát triển các khu đô thị mới tại những khu vực có tiềm năng, như: Khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, dọc hai bên các tuyến đường giao thông lớn; khu vực lân cận các cụm công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Đối với các xã, thị trấn có điều kiện và khả năng trở thành phường, huyện rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng bảo đảm các tiêu chí trở thành phường theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với lập, hoàn chỉnh các quy hoạch, huyện xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng; tổ chức cắm mốc giới theo quy định để người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Trên cơ sở các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, huyện tập trung thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện các quy hoạch... Trong đó, tập trung phát triển khu vực Lam Sơn – Sao Vàng trở thành trung tâm kinh tế động lực của huyện Thọ Xuân và của tỉnh và dựa trên 3 trụ cột là phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hàng không gắn với đô thị. Huyện Thọ Xuân phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để triển khai thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng kế hoạch. Cùng với đó, huyện phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các sở, ngành có liên quan của tỉnh và nhà đầu tư tổ chức xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp. Trong đó, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, nhất là các dự án công nghiệp hàng không, công nghiệp điện tử, viễn thông, thiết bị y tế, dược phẩm, thiết bị chiếu sáng, cơ khí chính xác, công nghiệp quốc phòng... tiến tới hình thành khu công nghiệp công nghệ cao của tỉnh... Lập quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án dịch vụ kho vận, logistics hàng không, khu bảo trì, bảo dưỡng máy bay, khu dịch vụ ngoại quan, khu sản xuất chế biến đồ ăn cho hành khách, khu mua sắm phi thuế quan, nhằm hỗ trợ và khai thác hiệu quả hoạt động của Cảng Hàng không Thọ Xuân. Thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị mới tại khu vực Lam Sơn - Sao Vàng theo hướng hiện đại, tiện ích, với đầy đủ hạ tầng xã hội cho cư dân mới. Đồng thời, phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Lam Sơn - Sao Vàng theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, liên kết chặt chẽ với các vùng sản xuất, các nhà máy chế biến nông, lâm sản, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, hướng tới xuất khẩu qua Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng biển Nghi Sơn, trung chuyển tới các thị trường trong và ngoài nước. Đối với Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (quy mô khoảng hơn 100 ha) tại xã Xuân Bái, huyện tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư là Công ty CP Mía đường Lam Sơn vận hành, hoạt động hiệu quả khu nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là các hoạt động nghiên cứu, triển khai các thành tựu đối với các loại cây trồng, như mía đường, cây lương thực, rau củ quả, các loại hoa. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để lai tạo các loại giống phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại giống mía đường, cây ăn quả có múi (cam, bưởi...) phục vụ sản xuất các vùng nguyên liệu mía, vùng chuyên canh cây ăn quả của tỉnh... Đi đôi với đó, khai thác và phát huy tối đa lợi thế của huyện Thọ Xuân nằm trên 3 hành lang kinh tế của tỉnh (hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế quốc tế) để kết nối, phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực có tiềm năng. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đối với các khu vực có điều kiện sản xuất quy mô lớn, tập trung phát triển để hình thành vùng sản xuất chuyên canh sử dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, sản xuất các sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu... Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; chăn nuôi trâu, bò tập trung; xây dựng mô hình chăn nuôi đặc sản (gà ri, lợn rừng...). Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận, hướng tới trở thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, xuất khẩu; đồng thời, tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc trưng của huyện trở thành sản phẩm OCOP. Tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Huyện quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, quy trình quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, gắn với khôi phục các làng nghề truyền thống, như làm bánh gai, nem nướng, kẹo lạc, mật mía, nón lá, đồ gỗ gia dụng... gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, hướng đến sản xuất sản phẩm chất lượng cao, mang tính đặc trưng của huyện. Kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị ở thị trấn Thọ Xuân, các khu vực đô thị và trung tâm xã, hình thành các đầu mối giao lưu hàng hóa tại các đô thị dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47B, Quốc lộ 47C; các đường tỉnh 515, 506B; cải tạo, nâng cấp, xây mới mạng lưới các chợ đầu mối, chợ dân sinh theo quy hoạch.

Đi đôi với quy hoạch, phát triển kinh tế, huyện Thọ Xuân tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa huyện Thọ Xuân với TP Thanh Hóa, Khu Kinh tế Nghi Sơn, các địa phương lân cận. Đồng thời, ưu tiên phát triển hạ tầng phục vụ dân sinh, như hệ thống y tế, hệ thống giáo dục, các thiết chế văn hóa - thể thao cấp huyện. Thu hút đầu tư các phân viện đào tạo nghề, nâng cấp các cơ sở giáo dục phổ thông đạt chất lượng cao.

Bài và ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/diem-nhan-quy-hoach-phat-trien-huyen-tho-xuan/157135.htm