Điểm nhấn trong công tác xét xử năm 2022

Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành Tòa án Nhân dân (13.9.1945 - 13.9.2022)

Năm 2022, hai cấp Tòa án trong tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác trong bối cảnh số lượng thụ lý các loại án tăng, trong khi đó tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện các nhiệm vụ. Mặc dù vậy, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp luôn chủ động khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện các mặt công tác đạt kết quả tốt, trong đó, đáng chú ý là việc tổ chức thành công các phiên tòa trực tuyến, tạo thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội. Đây là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Lê Văn Tuấn, Chánh án TAND tỉnh cho biết, trong công tác giải quyết, xét xử, các tòa chuyên trách thuộc TAND tỉnh và TAND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26 - CT/TW, ngày 9.11.2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc”; Nghị quyết của Ban cán sự đảng TAND tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 24.12.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại án năm 2022... Nhờ đó, qua gần 11 tháng năm công tác 2022 (từ ngày 1.10.2021 đến ngày 26.8.2022), TAND 2 cấp trong tỉnh đã giải quyết, xét xử 3141 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ trên 81,47% số vụ việc đã thụ lý. Đáng chú ý, TAND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tòa chuyên trách và TAND cấp huyện tổ chức các phiên tòa trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12.11.2021 của Quốc hội khóa XV (Nghị quyết số 33), bước đầu đạt kết quả tích cực. Từ ngày 29.8 đến ngày 9.9, TAND 2 cấp đã tổ chức xét xử 14 vụ theo hình thức trực tuyến, trong đó TAND tỉnh xét xử 5 vụ, TAND cấp huyện xét xử 9 vụ.

Một phiên tòa trực tuyến tại TAND tỉnh

Là người đầu tiên làm chủ tọa xét xử theo hình thức trực tuyến, Thẩm phán Nguyễn Văn Hoan, Phó Chánh án TAND tỉnh chia sẻ: Ngày 29.8, TAND tỉnh đã tổ chức xét xử 2 vụ án về ma túy với điểm cầu trung tâm là trụ sở TAND tỉnh và điểm cầu thành phần là phòng xét xử trực tuyến tại Trại tạm giam (Công an tỉnh); ngày 30.8, TAND huyện Kim Động và TAND thị xã Mỹ Hào tổ chức 2 phiên xét xử theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm là TAND huyện/thị xã và điểm cầu thành phần là phòng xét xử trực tuyến tại Trại tạm giam (Công an tỉnh). Trong đó, tại điểm cầu trung tâm có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, Thư ký tòa án và những người tham gia tố tụng khác; điểm cầu thành phần gồm có bị cáo (có mặt theo lệnh trích xuất của Tòa án), cán bộ, chiến sĩ bảo vệ an ninh, an toàn, cán bộ kỹ thuật. Việc thực hiện các phiên tòa trực tuyến bảo đảm không trích xuất bị cáo từ nơi tạm giữ, tạm giam để tham gia phiên tòa, từ đó tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải và bảo vệ phiên tòa, bảo đảm được thời gian xét xử. Khi xét xử bằng hình thức trực tuyến, việc kết nối giữa điểm cầu trung tâm với điểm cầu thành phần cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, mặc dù tổ chức các phiên tòa bằng hình thức trực tuyến nhưng trong quá trình tổ chức xét xử vẫn phải bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại các vụ án. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hiện nay mỗi khi tổ chức phiên tòa trực tuyến phải đi thuê trang thiết bị kỹ thuật, đường truyền… do đó còn nảy sinh nhiều hạn chế.
Thẩm phán Nguyễn Thị Oanh (TAND thị xã Mỹ Hào) cho biết: Do thiết bị, phương tiện kỹ thuật và đường truyền phải đi thuê nên ít nhiều có ảnh hưởng tới hoạt động xét xử, nhất là quá trình thẩm vấn bị cáo, đôi khi tín hiệu đường truyền không ổn định, phải hỏi đi hỏi lại, cùng với đó là sắc thái biểu cảm, ý chí, quan điểm của người xét hỏi cần chuyển tải đến người bị xét hỏi có phần hạn chế. Một vướng mắc nữa là các điểm cầu trung tâm được đặt tại trụ sở TAND tỉnh và TAND các huyện, thị xã, thành phố, tuy nhiên chỉ có 1 điểm cầu thành phần duy nhất là phòng xét xử trực tuyến tại Trại tạm giam (Công an tỉnh), do vậy dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo khi nhiều tòa ấn định thời gian xét xử cùng một thời điểm, vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến việc ra quyết định xét xử; gây tâm lý, phản ứng không tốt cho những người được triệu tập đến dự phiên tòa...
Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Hoan: Việc tổ chức thành công các phiên tòa trực tuyến là một điểm nhấn trong công tác xét xử của TAND 2 cấp trong tỉnh. Theo kế hoạch, đến hết tháng 9.2022, mỗi tòa chuyên trách và TAND cấp huyện tổ chức từ 3 phiên tòa trực tuyến trở lên, trong đó đặc biệt quan tâm giải quyết những vụ án hành chính, bước đầu lựa chọn những vụ án có tính chất đơn giản, tình tiết rõ ràng để xét xử, qua đó đúc rút kinh nghiệm, dần nâng cao tỷ lệ xét xử các loại án bằng hình thức trực tuyến, lấy đó làm tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, mỗi cán bộ, công chức TAND cần tiếp tục chủ động nghiên cứu Nghị quyết số 33 của Quốc hội, các văn bản hướng dẫn của cấp trên, không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, nâng cao hiệu quả công tác nói chung; chủ động tiếp cận, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, làm chủ phương tiện kỹ thuật phục vụ tốt việc tổ chức phiên tòa trực tuyến nói riêng. Bên cạnh đó mong muốn TAND tối cao cũng như cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đồng bộ, bảo đảm an ninh, an toàn để phát huy hết tính ưu việt, tích cực của hoạt động xét xử trực tuyến.
Bài, ảnh: Đức Hùng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/an-ninh-quoc-phong/202209/ky-niem-77-nam-ngay-truyen-thong-nganh-toa-an-nhan-dan-1391945-1392022-diem-nhan-trong-cong-tac-xet-xu-nam-2022-4b2499c/