Điểm nóng 24h ngày 23/7: Bất ngờ với cách thức chiếm đoạt tiền của anh em Trịnh Văn Quyết

Ngày 23/7, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo do có các sai phạm liên quan đến chứng khoán tiếp tục phần thẩm vấn.

Chiêu thức tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền của anh em Trịnh Văn Quyết

Ngày 23/7, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo do có các sai phạm liên quan đến chứng khoán tiếp tục phần thẩm vấn. Ngay trước đó, hàng loạt lời khai của các bị cáo là người thân quen cho thấy cách thức chiếm đoạt tiền của Trịnh Văn Quyết.

Theo đó, mở đầu phần xét hỏi vào cuối ngày hôm qua, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn một số bị cáo bị truy tố về 2 tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Trong số này, nhiều bị cáo là người thân, anh em họ, cháu, thông gia của bị cáo Trịnh Văn Quyết và tất cả đều thừa nhận tội danh bị truy tố.

Lời khai của những người này thể hiện, họ không góp vốn, không phải cổ đông Công ty Faros nhưng được nhờ đứng tên khi Faros tăng vốn điều lệ, giúp sức cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc niêm yết và bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros.

Những người này còn cho mượn giấy tờ cá nhân theo đề nghị của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Trịnh Văn Quyết) để mở các tài khoản chứng khoán, đứng tên pháp nhân phục vụ cho chuỗi hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH Một thành viên FLC Land (chồng bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, em gái ruột bị cáo Quyết) thừa nhận có cho bị cáo Huế mượn Chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán, thành lập pháp nhân nhưng không nhớ là bao nhiêu tài khoản, bao nhiêu pháp nhân.

Bị cáo Mạnh trình bày, không biết việc bị cáo Huế sử dụng các tài khoản để mua bán chứng khoán ra sao, bị cáo không được hưởng lợi gì. Bị cáo thừa nhận các tội danh bị truy tố.

Bị cáo Trịnh Văn Đại (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros) là anh họ bị cáo Quyết. Tại phiên tòa, bị cáo Đại nói rằng không nộp tiền góp vốn, không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được bị cáo Huế nhờ đứng tên cổ đông.

Ở hành vi thao túng chứng khoán, bị cáo Tuân thừa nhận có cho mượn giấy tờ để thành lập 1 pháp nhân và 33 tài khoản chứng khoán.

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung khai gia đình bị cáo là thông gia với gia đình bị cáo Quyết. Bị cáo Dung trình bày bản thân làm thợ may tại nhà, không phải cổ đông, không góp vốn, không cho Công ty Faros vay tiền. Tuy nhiên, do được nhờ nên Dung đã ký các hợp đồng theo lời đề nghị của bị cáo Huế và không được hưởng lợi gì.

Cũng như các bị cáo nói trên, bị cáo Dung thừa nhận có cho mượn chứng minh nhân dân để mở tài khoản nhưng không nhớ bao nhiêu tài khoản. “Tài khoản do bị cáo Huế quản lý sử dụng, bị cáo không sử dụng cũng không biết tài khoản, bị cáo chỉ cho Huế mượn chứng minh nhân dân”- bị cáo Dung trình bày.

Vì sao nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc bị bắt?

Báo chí đưa tin, ngày 22/7, Bộ Công an thông tin về việc Cơ quan CSĐT Bộ đã thực hiện biện pháp tố tụng đối với ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan.

Động thái tố tụng đối với ông Linh và các cá nhân liên quan là quá trình tiếp theo của việc trước đó, trung tuần tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan.

Sau thời gian đấu tranh chuyên án để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng liên quan tại tỉnh Yên Bái và 3 tỉnh, thành phố; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.

Số tiền các đối tượng liên quan vụ án thu lợi bất chính là khoảng 632 tỷ đồng.

Đại án đăng kiểm: Lật tẩy quy trình hối lộ và nhận hối lộ của các bị cáo

Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm qua tiếp tục công bố cáo trạng đối với 254 bị cáo liên quan đến sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Nội dung cáo trạng nêu rõ, việc nhận hối lộ xảy ra tại Cục và các trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã diễn ra trong suốt thời gian dài dưới sự hậu thuẫn của 2 cựu Cục trưởng là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà.

Ông Trần Kỳ Hình (bên trái) và ông Đặng Việt Hà (bên phải)

Ông Trần Kỳ Hình (bên trái) và ông Đặng Việt Hà (bên phải)

Sự việc chỉ được phanh phui khi cơ quan điều tra phát hiện ra những tiêu cực xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm 62-03D (viết tắt là Trung tâm 62-03D, ở xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An), do bị cáo Trần Lập Nghĩa làm giám đốc.

Trước đó, ngày 23/11/2022, cơ quan điều tra khám xét khẩn cấp Trung tâm 62-03D, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến sai phạm tại đây.

Theo điều tra, năm 2016, Trần Lập Nghĩa thành lập Công ty Cổ phần đầu tư M.O. Đến tháng 10/2018, công ty đăng ký hoạt động Chi nhánh Trung tâm 62-03D.

Để được thành lập trung tâm, Trần Lập Nghĩa đã gặp trực tiếp cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, đưa 20 triệu đồng để xin chủ trương. Ông Hình nhận tiền và đồng ý chủ trương, cấp mã số Trung tâm 62-03D để Nghĩa lắp đặt thiết bị, làm các thủ tục tiếp theo.

Tháng 5/2019, Trung tâm 62-03D bắt đầu đi vào hoạt động.

Theo quy định, tối thiểu một dây chuyền kiểm định phải có 3 đăng kiểm viên nên Nghĩa lần lượt đưa tên các đăng kiểm viên Lê Vân Quốc, Tăng Phương Đông, Hồ Văn Cường vào sổ phân công nhiệm vụ hằng ngày cho đủ số lượng. Cả 3 người này đều không làm việc tại trung tâm.

Đầu năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của trung tâm nên Nghĩa chỉ đạo Huỳnh Thái Bảo (Phó Giám đốc) nhận hối lộ của các chủ xe để bỏ qua lỗi sai phạm trong quá trình kiểm định.

Tính đến tháng 10/2022, Trung tâm 62-03D đã cấp Giấy chứng nhận cho 35.253 phương tiện sai quy định, thu lợi hơn 9,843 tỷ đồng.

Để được bỏ qua các lỗi vi phạm, Nghĩa phải chung chi cho Trần Kỳ Hình 100 triệu đồng và Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Đăng kiểm, thời gian từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022) 460 triệu đồng.

Từ sai phạm của Trung tâm 62-03D, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TPHCM xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, chi cục Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TPHCM và các địa phương trên cả nước.

Trong đó, ông Hình và ông Hà được xác định đóng vai trò chủ chốt xuyên suốt trong vụ án.

Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-nong-24h-ngay-237-bat-ngo-voi-cach-thuc-chiem-doat-tien-cua-anh-em-trinh-van-quyet-334297.html