Điểm nóng Trung Đông có 'đông lạnh'

Có những tín hiệu tích cực liên quan đến điểm nóng Trung Đông. Liên hợp quốc và nhiều nước lạc quan, đa số người dân Palestine và Israel ăn mừng. Nhưng đây đó vẫn còn hoài nghi. Thực hư, khả năng thế nào?

Người dân Palestine ăn mừng thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel tại Bệnh viện Al-Aqsa ở Deir al-Balah, trung tâm Dải Gaza. (Nguồn: AP)

Người dân Palestine ăn mừng thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel tại Bệnh viện Al-Aqsa ở Deir al-Balah, trung tâm Dải Gaza. (Nguồn: AP)

Sự hội tụ của nhiều nguyên nhân

Nội các Israel chính thức phê chuẩn, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas chính thức có hiệu lực từ ngày 19/1. Giai đoạn 1 kéo dài 7 tuần, trọng tâm là ngừng giao tranh, Hamas trả tự do cho 33 con tin trên tổng số 94, để đổi lấy 1.890 tù nhân người Palestine (phía Israel thông báo thả 737 người) và đồng ý 600 xe tải/ngày được tiếp cận Dải Gaza để cứu trợ nhân đạo.

Không khí ngày đầu cơ bản là thuận lợi. Hai bên công bố danh sách con tin, tù nhân được lần lượt trao trả theo từng đợt ngắn. Sáng 20/1, Cơ quan Quản lý nhà tù Israel (IPS) cho biết đã phóng thích 90 tù nhân Palestine, sau khi Hamas trao trả 3 con tin Israel. Như vậy, hai bên đã hoàn tất đợt trao đổi con tin đầu tiên trong khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn. Sau 16 ngày, sẽ tiếp tục đàm phán giai đoạn 2, 3, giải quyết việc Israel rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng, chấm dứt hoàn toàn xung đột, tái thiết và các vấn đề khác liên quan đến tương lai Dải Gaza.

Đại diện Liên hợp quốc, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và nhiều nước hoan nghênh thỏa thuận, đánh giá đây là bước đột phá, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột kéo dài 15 tháng làm 46.000 người thiệt mạng, nhiều nghìn người bị thương, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, vãn hồi hòa bình tại Dải Gaza.

"Thỏa thuận này là bước đi quan trọng đầu tiên, nhưng chúng ta phải huy động mọi nỗ lực để thúc đẩy các mục tiêu lớn hơn, bao gồm việc duy trì sự thống nhất, tiếp giáp và toàn vẹn của lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng". (Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres)

Thỏa thuận ngừng bắn, đàm phán là tín hiệu tích cực, sự hội tụ của nhiều nguyên nhân, từ nhiều phía.

Một, cả Israel và Hamas đều chịu tổn thất nặng nề. Theo thông tin từ Tel Aviv, hơn 700 binh sĩ Israel thiệt mạng, hơn 4.500 người bị thương (thực tế có thể hơn). Đây là tổn thất lớn nhất tính từ chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Lực lượng phòng vệ Israel đưa tin loại bỏ khoảng 17.000 thành viên Hamas và các nhóm chiến binh khác, phá hủy nặng nề hạ tầng quân sự, các cơ sở chế tạo, kho vũ khí ở Gaza. Cùng với đó, hàng loạt thủ lĩnh Hamas như Saleh al-Arouri, Marwan Issa, Ismail Haniyeh, Yahya Sinwar... bị sát hại. Đây là đòn giáng mạnh, khiến năng lực quân sự của Hamas suy giảm lớn. Đồng minh, lực lượng hỗ trợ Hamas như Iran, Hezbollah, Houthi cũng gặp nhiều khó khăn, tổn thất, chính quyền Syria sụp đổ.

Hai, các quốc gia trung gian hòa giải đã tích cực kiến tạo thỏa thuận ngừng bắn. Đương kim Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump gặp, điện đàm với Thủ tướng Israel Netaneyahu về thỏa thuận ngừng bắn. Ông Donald Trump cũng cảnh báo Hamas sẽ phải trả giá đắt nếu không thả con tin trước ngày 20/1. Cố vấn của 2 ông hiện diện nhiều ngày ở thủ đô Doha, Qatar để dàn xếp gặp gỡ, thảo luận nội dung thỏa thuận.

Có thể nói ông Joe Biden và cộng sự đóng vai trò “mũi nhọn”, còn ông Donald Trump và cố vấn có tác dụng thúc đẩy thỏa thuận về đích. Mỹ thúc đẩy thỏa thuận để thể hiện vai trò, sức mạnh trong các vấn đề quốc tế phức tạp; duy trì Trung Đông trong vòng kiểm soát có lợi cho mình và hạn chế ảnh hưởng của các nước lớn khác đối với khu vực.

Thủ tướng Qatar Al Thani giữ vai trò then chốt kết nối 2 bên, dẫn dắt các cuộc hòa giải. Giám đốc cơ quan tình báo Ai Cập Hassan Rashad kết nối với Hamas, duy trì Cairo là trung tâm gặp gỡ, đàm phán. Qatar, Ai Cập cùng với Mỹ đóng vai trò nhà trung gian tích cực, thúc đẩy Israel, Hamas chấp nhận đàm phán ngừng bắn sau nhiều tháng bế tắc.

Ba, áp lực lớn cả bên trong và bên ngoài. Trong thành viên nội các Israel và thành viên các phái ở Palestine cũng xuất hiện tư tưởng muốn đàm phán, chấm dứt xung đột. Đa số người dân Israel và Palestine phản đối xung đột thảm khốc.

Áp lực quốc tế đối với Israel và Hamas ngày càng tăng. Liên hợp quốc ra nhiều nghị quyết liên quan, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để chấm dứt xung đột. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án các cuộc tấn công đẫm máu vào mục tiêu dân sự ở Dải Gaza.

Tòa Hình sự quốc tế ra lệnh bắt giữ lãnh đạo Israel (Thủ tướng Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant) và lãnh đạo Hamas Al-Masri vì cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Sự cộng hưởng các nhân tố trên buộc các bên phải cân nhắc đàm phán thỏa thuận.

Bước ngắn trên đường dài

Liên hợp quốc từ lâu và nhiều lần khẳng định giải pháp 2 nhà nước là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình lâu dài ở Trung Đông. Mãi không có chuyển biến đáng kể, nên bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ (tháng 9/2024), Na Uy, EU và Saudi Arabia thành lập Liên minh toàn cầu ủng hộ giải pháp 2 nhà nước.

Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa và Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide tại hội nghị cấp cao ở thủ đô Oslo ngày 15/1. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Na Uy)

Ngày 15/1, Na Uy chủ trì tổ chức hội nghị cấp cao toàn cầu để tăng cường sự ủng hộ quốc tế đối với giải pháp 2 nhà nước ở Trung Đông, giải quyết cuộc khủng hoảng ở Gaza… Đại diện 84 quốc gia và tổ chức tham dự hội nghị, thảo luận về các biện pháp thiết thực thúc đẩy hòa bình, tháo gỡ thách thức cản trở tiến trình hướng tới 2 nhà nước (tình trạng gia tăng bạo lực; hoạt động định cư, cản trở UNRWA của Israel; khủng hoảng kinh tế ở vùng lãnh thổ của Palestine…).

Các đại biểu khẳng định sự cần thiết, nỗ lực, những cách thức sáng tạo từng bước hiện thực hóa giải pháp 2 nhà nước, là chìa khóa để đạt được hòa bình lâu dài, bền vững. Đây là một bước cụ thể hóa sự ủng hộ chính trị, ngoại giao đối với khát vọng của nhân dân Palestine; tạo áp lực lên thế lực, hành động cản trở hiện thực hóa giải pháp 2 nhà nước. Tuy nhiên con đường đến đích còn nhiều chông gai và vẫn xa vời.

Than nóng vẫn còn ủ và kịch bản nào phía trước

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas diễn ra ở Dải Gaza và một số khu vực, kéo dài 15 tháng, bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Israel và Palestine. Trong cuộc chiến tranh 6/1967, Israel chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ lịch sử của Palestine gồm Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem… Năm 2005, Israel rút khỏi Gaza, nhưng vẫn phong tỏa khu vực này.

Giữa Palestine và Israel tồn tại chồng chất những mâu thuẫn đối kháng phức tạp, kéo dài từ lịch sử đến hiện đại, lúc âm ỉ, lúc bùng phát xung đột, kéo theo sự can dự của một số nước khác. Trong đó, vấn đề cơ bản nhất là cùng tồn tại nhà nước Palestine và nhà nước Do Thái.

Như vậy, việc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza và giải pháp 2 nhà nước có vai trò, phạm vi, tính chất khác nhau, nhưng có quan hệ, tác động lẫn nhau, liên quan đến hòa bình, ổn định của khu vực. Chấm dứt xung đột ở Dải Gaza là một bước tiến dài, tạo môi trường thuận lợi cho giải pháp 2 nhà nước. Dư luận hy vọng bước khởi đầu của thỏa thuận giữa Israel và Hamas sẽ tạo đà cho các giai đoạn tiếp sau.

Thỏa thuận ngừng bắn hội tụ những mục tiêu, toan tính khác nhau từ các bên. Israel mong muốn nhất là giải thoát hết con tin, nhưng không muốn rút hoàn toàn khỏi các khu vực chiếm giữ, không dễ chấp nhận để Hamas tiếp tục quản lý Gaza, vì lý do bảo đảm an ninh. Nội bộ Israel và các phe phái Palestine cũng không hoàn toàn đồng thuận.

Với Hamas, con tin là lá bài duy nhất có thể mặc cả, nên quá trình đàm phán giai đoạn 2, 3 sẽ phức tạp, kéo dài. Đồng minh, đối tác của 2 bên cũng có thể có tác động, hành động cản trở. Chỉ cần một sự cố bất ngờ từ bất kỳ bên nào, trong hoặc ngoài, đều có thể làm kéo dài, đình trệ, thậm chí là đổ vỡ thỏa thuận. Do đó, kết quả bước đầu mang lại sự lạc quan thận trọng nhưng vẫn kèm theo hoài nghi về sự không bảo đảm chắc chắn. Dải Gaza, rộng ra là Trung Đông vẫn ủ những “hòn than nóng”.

Một thỏa thuận ngừng bắn có thể ngừng những nỗi buồn thương của dân thường vô tội? (Nguồn: Reuters)

Một thỏa thuận ngừng bắn có thể ngừng những nỗi buồn thương của dân thường vô tội? (Nguồn: Reuters)

Một số kịch bản có thể xảy ra sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực. Một, giai đoạn 1 cơ bản trót lọt, trao trả con tin, tù binh theo danh sách thỏa thuận. Đàm phán giai đoạn 2 tiến triển chậm hơn, xuất hiện những khác biệt liên quan đến việc rút quân Israel, tương lại Gaza, Hamas, lực lượng giám sát quốc tế… 2 bên vẫn kiềm chế, không để đàm phán đình trệ. Đây là kịch bản tốt nhất có thể.

Hai, quá trình đàm phán tiếp theo tiến triển rất chậm, có trục trặc, xuất hiện yêu cầu thay đổi nội dung thỏa thuận, thậm chí tạm gián đoạn. Cộng đồng quốc tế và các trung gian hòa giải tác động, gây sức ép để 2 bên không từ bỏ đàm phán thỏa thuận. Quá trình đàm phán có thể kéo dài nhiều tháng. Đây là kịch bản có thể xảy ra.

Ba, sau một số lần trao đổi tù binh, con tin, xuất hiện trục trặc lớn trong quá trình đàm phán tiếp do khác biệt quan điểm, xuất hiện đòi hỏi mới mà bên kia không muốn, không thể chấp nhận. Đàm phán đổ vỡ, thậm chí xung đột có khả năng tiếp diễn. Kịch bản này không thể loại trừ.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-nong-trung-dong-co-dong-lanh-301574.html