Điểm nóng xung đột ngày 23-2: Ukraine có thể tự cứu mình?
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đấu tranh cho sự tồn tại của đất nước trong bối cảnh khó đoán về sự hỗ trợ của Mỹ.
Đài CNN nhận định việc Mỹ đàm phán với Nga tại Ả Rập Saudi hôm 18-2 mà không có sự tham dự của Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm đến một thỏa thuận nhanh chóng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, sau đó bắt Kiev phải chịu "thế đã rồi".
Ukraine yếu thế
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngoài đấu tranh cho sự tồn tại của đất nước, ông còn được cho là hướng tới hiện tại và tương lai như một đất nước có chủ quyền, độc lập.
Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tuần trước, Tổng thống Zelensky cảnh báo ông sẽ "không bao giờ chấp nhận các thỏa thuận được thực hiện sau lưng chúng tôi mà không có sự tham gia của chúng tôi".

Trong khi Mỹ đàm phán với Nga tại Ả Rập Saudi, Tổng thống Zelensky đã tới gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải). Ảnh: EPA
Nhưng nếu mất đi sự hậu thuẫn của Tổng thống Trump, Tổng thống Zelensky sẽ phải quyết định xem có nên tiếp tục chiến đấu mà không có vũ khí và đạn dược của Mỹ hay không và phải dựa vào sức mạnh yếu hơn từ châu Âu.
Theo đài CNN, Tổng thống Zelensky hiểu rằng ông không thể trông cậy vào sự ủng hộ của Mỹ khi Tổng thống Trump ở Nhà Trắng. Tuần trước, ông kêu gọi thành lập quân đội châu Âu vì "những ngày Mỹ ủng hộ châu Âu đã qua rồi".
Trong khi đó, Tổng thống Trump bày tỏ rất ít dấu hiệu cho thấy ông quan tâm đến lợi ích của Ukraine. Ví dụ, ông nhắc lại một trong những bình luận của Tổng thống Putin về cuộc xung đột, nói rằng việc Ukraine muốn gia nhập NATO đã góp phần khiến Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi năm 2022.
Ông cũng nói rằng Ukraine cần bầu cử "vào một thời điểm nào đó" sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình, đồng thời hạ thấp tỉ lệ tín nhiệm của Tổng thống Zelensky.
Nga cũng đắn đo
Hôm 16-2, Tổng thống Trump tuyên bố người đồng cấp Nga của ông muốn chấm dứt chiến sự. Song về mặt chiến lược, Tổng thống Putin có thể có lý do để tiếp tục giao tranh, nhất là khi Nga đang đạt được tiến triển đáng kể trên chiến trường.
Đài CNN cho biết Tổng thống Putin có thể đã thất bại trong nỗ lực kiểm soát toàn bộ Ukraine, song lực lượng của ông đã chiếm được một phần lớn lãnh thổ ở phía Đông Nam Ukraine, có thể được sử dụng để bảo vệ bán đảo Crimea và tạo ra hành lang dài dọc theo bờ biển Đen có vị trí chiến lược quan trọng.
Nga được cho là đang cân nhắc tiếp tục xung đột hay ký thỏa thuận hòa bình để đổi lấy một số lợi ích. Chẳng hạn, nếu Mỹ và châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga sẽ được "cởi trói" và Tổng thống Trump ủng hộ Nga tái gia nhập Nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới hóa nếu xung đột tại Ukraine chấm dứt.
Về phần châu Âu, kết quả của cuộc xung đột tại Ukraine cũng rất quan trọng. Lực lượng vũ trang châu Âu bị suy yếu sau nhiều năm cắt giảm ngân sách khiến họ nghi ngờ khả năng duy trì một lực lượng hòa bình có ý nghĩa ở Ukraine sau bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Việc tăng chi tiêu quốc phòng có thể mất nhiều năm và sẽ là một động thái chính trị đòi hỏi châu Âu phải cắt giảm chi tiêu xã hội.