Những vấn đề được cử tri Đức quan tâm nhất trước giờ bầu cử
Theo CNN, người nhập cư và kinh tế hiện là hai vấn đề mà các cử tri Đức quan tâm nhất trước thềm cuộc bầu cử diễn ra trong ngày 23/2.
Euro News dẫn số liệu cập nhật từ trang Politico cho biết, đảng Bảo thủ liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đang dẫn đầu về sự ủng hộ từ cử tri trong danh sách các đảng phái tham gia cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 23/2, khi đạt được 29% tỷ lệ ủng hộ, tiếp theo là đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) với tỷ lệ ủng hộ là 21%
Trong khi đó, đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ đạt được 16% ủng hộ, còn đảng Xanh là 13%.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz có mặt tại một điểm vận động bầu cử. Ảnh: DW
Nếu những số liệu trên chính xác, thì kết quả bầu cử tiềm năng nhất có thể là một liên minh chính phủ được tạo nên bởi đảng CDU với SPD hoặc CDU với đảng Xanh, bởi hiện không có đảng nào có thể giành đủ số phiếu để tự thành lập chính phủ.
Hãng thông tấn CNN trong một bài đăng hôm 22/2 (giờ Mỹ) viết rằng, người nhập cư và kinh tế hiện là hai vấn đề mà các cử tri Đức đang quan tâm nhất.
Vấn đề người nhập cư
Vấn đề nhập cư được coi là trọng tâm chính trong cuộc bầu cử lần này, khi sự lo ngại của một bộ phận cử tri Đức xuất phát từ các cuộc tấn công được thực hiện bởi những người xin tị nạn hoặc người nhập cư.
Theo trang Immigration-consultant.de, người nhập cư sau khi tới Đức phải đối mặt với hàng loạt thách thức như rào cản ngôn ngữ; tìm chỗ ở và mua bất động sản, sự khác biệt về văn hóa… Phần lớn các cuộc tấn công được thực hiện bởi những người xin tị nạn hoặc người nhập cư đều liên quan đến những vấn đề này.
Chẳng hạn, một số hiểu lầm trong sự khác biệt văn hóa dễ nảy sinh ra mâu thuẫn và xung đột về sắc tộc, từ đó dẫn đến các cuộc tấn công bạo lực.
CNN cho hay, Thủ tướng Đức Scholz trong những tháng gần đây đã tái áp dụng việc kiểm tra người nhập cư tại các cửa khẩu của nước này với những quốc gia châu Âu láng giềng. Đây được cho là động thái lôi kéo cử tri “đang có xu hướng ủng hộ các đảng đối lập khác” từ ông Scholz.
Vấn đề kinh tế
Cục Thống kê Liên bang Đức vào tháng trước thông báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 0,2% trong năm 2024. Đây là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái, và nhiều cử tri Đức tin rằng chính phủ của Thủ tướng Scholz đã không làm gì nhiều để khắc phục tình hình kinh tế.
Có hai nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Đức suy thoái. Thứ nhất, những biến động chính trị và xung đột quân sự ở Đông Âu những năm gần đây đã buộc chính quyền Đức phải từ bỏ nguồn năng lượng và khí đốt từ Nga. Thay vào đó, Berlin mua năng lượng từ một số quốc gia phương Tây khác khiến chi phí sản xuất hàng hóa của nước này tăng cao.
Nguyên nhân thứ hai đến từ sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô, một ‘mắt xích’ quan trọng của nền kinh tế Đức.
Ngoài ra, nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại đang nhen nhóm giữa Liên minh châu Âu (EU), mà Đức là 'đầu tàu' kinh tế khối này, và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gây ra nhiều quan ngại.
Nhiều tập đoàn lớn ở Đức, trong đó có cả Volkswagen - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với viễn cảnh sa thải nhân viên và đóng cửa một số nhà máy.