Điểm sáng du lịch cộng đồng Cẩm Thanh
Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã phát triển mạnh mẽ mang lại hiệu quả thiết thực góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống người dân địa phương.
Chúng tôi đến vườn rau hữu cơ Thanh Đông, một địa điểm DLCĐ nổi tiếng của xã Cẩm Thanh. Đây cũng là vườn rau hữu cơ đầu tiên của TP Hội An. Mặc dù thời điểm này không phải là cao điểm của mùa du lịch, song các nông dân ở đây vẫn tất bật với công việc đồng áng, kết hợp đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến tham quan vườn rau.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Lê Nhương chia sẻ rằng, ông tham gia tổ hợp tác Thanh Đông được khoảng 5 năm nay. Trước đây, những nông dân ở Cẩm Thanh như ông chỉ canh tác được 2 vụ trồng ngô và khoai lang cho năng suất không cao, thu nhập bấp bênh.
Nhưng từ khi tham gia vào tổ hợp tác vườn rau hữu cơ trồng các loại rau ăn lá, rau củ quả, rau gia vị bên cạnh việc phát triển loại hình DLCĐ đã cho ông Nhương cũng như nhiều hộ dân khác cuộc sống khá giả, sung túc hơn trước rất nhiều. Theo ông Nhương, có 10 hộ tham gia trồng rau hữu cơ với diện tích 1ha. Trong 8 tháng đầu năm 2019, vườn rau sản xuất được hơn 11.000kg rau các loại để cung cấp cho thị trường.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 2.000 lượt du khách đến tham quan, học hỏi cách trồng rau hữu cơ tại vườn rau Thanh Đông, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tổ hợp tác vườn rau còn liên kết giáo dục về DLCĐ với một số trường đại học trong cả nước nên lượng sinh viên, nghiên cứu sinh đến với vườn rau Thanh Đông cũng rất đông.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ đã đưa gần 2.000 sinh viên về tham quan, học tập mô hình DLCĐ tại vườn rau Thanh Đông. Nhờ lượng du khách đến đông đảo cũng như sản phẩn rau sạch làm ra được thị trường ưa chuộng nên những hộ dân tham gia vườn rau Thanh Đông như ông Nhương có thu nhập cao và ổn định, mỗi hộ hằng tháng khoảng 7-9 triệu đồng.
Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường về rau hữu cơ và nhu cầu của du khách đến với vườn rau hữu cơ Thanh Đông ngày càng tăng, xã Cẩm Thanh đang lên kế hoạch mở rộng vườn rau thêm 1ha nữa, đồng thời kết nạp thêm nhiều hộ gia đình khác vào trồng rau hữu cơ và kinh doanh loại hình DLCĐ. “Chúng tôi ở đây sản xuất rau hữu cơ hoàn toàn nên thị trường rất ưa chuộng.
Thêm nữa, việc phát triển DLCĐ của vườn rau ngày càng khởi sắc nên đời sống của chúng tôi được nâng lên rõ rệt. Nhiều du khách nước ngoài đến với vườn rau Thanh Đông chỉ để được học làm nông dân và thưởng thức các loại rau, củ quả sạch do chúng tôi sản xuất. Có du khách nước ngoài đến vườn rau chỉ để được tận hưởng không gian yên bình, được nghe chim hót líu lo thôi”, ông Nhương cười tươi, nói.
Ngoài việc phát triển DLCĐ ở vườn rau hữu cơ Thanh Đông, thời gian qua, TP Hội An và xã Cẩm Thanh cũng chú trọng đầu tư phát triển DLCĐ ở Khu di tích rừng dừa Bảy Mẫu với loại hình du lịch thuyền thúng đặc trưng của địa phương.
Rừng dừa Bảy Mẫu có diện tích khoảng 30ha, được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009. Để phát triển DLCĐ tại rừng dừa Bảy Mẫu, ban đầu, xã Cẩm Thanh thành lập nên tổ hợp tác dịch vụ thuyền thúng với số lượng 10 thuyền.
Sau đó, nhận thấy tiềm năng phát triển DLCĐ ở rừng dừa Bảy Mẫu, cuối năm 2017, HĐND tỉnh Quảng Nam cho phép bán vé tham quan rừng dừa bằng thuyền thúng và xã Cẩm Thanh đã thành lập Ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh để quản lý về vấn đề môi trường, ANTT, các hoạt động kinh doanh tại rừng dừa Bảy Mẫu. Từ chỗ chỉ có 10 thuyền thúng ban đầu tham gia làm DLCĐ tại rừng dừa Bảy Mẫu, đến nay đã có 1.069 thuyền thúng của gần 600 hộ dân, với hơn 2.000 lao động tham gia làm du lịch được hưởng lợi.
Ông Đoàn Phước Tài, một người dân tham gia làm DLCĐ tại rừng dừa Bảy Mẫu, cho hay, người dân xung quanh khu vực rừng dừa Bảy Mẫu trước đây chỉ biết làm ngư nghiệp, nhưng từ khi DLCĐ bằng thuyền thúng ở rừng dừa phát triển, hàng trăm hộ gia đình đã chuyển sang tham gia làm du lịch trung bình mỗi hộ hằng tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, TP Hội An cho biết, Cẩm Thanh hiện có hơn 2.000 hộ, với khoảng 9.000 dân, đa phần sống bằng nông nghiệp và ngư nghiệp. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, khi loại hình DLCĐ phát triển mạnh đã giúp cho đời sống người dân ở vùng quê này thay da đổi thịt từng ngày.
Đối với rừng dừa Bảy Mẫu, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 583.000 lượt du khách đến trải nghiệm DLCĐ bằng thuyền thúng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán vé tham quan rừng dừa Bảy Mẫu đạt 17,5 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch thành phố giao 2,5 tỷ đồng.
“Nhờ người dân được hưởng lợi từ loại hình DLCĐ mà ý thức bảo vệ rừng dừa Bảy Mẫu của họ được nâng lên rõ rệt. Điều đáng mừng, dù DLCĐ thời gian gần đây phát triển rất nhanh nhưng tình hình ANTT, an toàn cho du khách luôn được đảm bảo. Có được điều đó là do bộ máy quản lý du lịch cùng với lực lượng Công an chính quy ở xã đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình”, ông Linh chia sẻ.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/diem-sang-du-lich-cong-dong-cam-thanh-561549/