Điểm sáng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hướng giải quyết việc làm hiệu quả của tỉnh Quảng Trị. Những năm qua tỉnh Quảng Trị luôn tập trung đẩy mạnh công tác này và đạt được những kết quả tích cực, trở thành địa phương điểm sáng trong thực hiện chủ trương này của Đảng và Nhà nước.

Tỉnh Quảng Trị là địa phương ở miền trung được các bộ, ngành Trung ương đánh giá luôn đi đầu trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đi làm việc). Nguồn thu nhập từ các lao động gửi về trở thành đòn bẩy không chỉ thúc đẩy kinh tế của gia đình, còn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương cùng phát triển thông qua giải quyết việc làm tại chỗ đến từ công việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông, kinh doanh buôn bán hải sản, chế biến sản phẩm nông ngư nghiệp xuất khẩu.

Anh Bùi Trường An ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh đi làm việc tại Hàn Quốc được hai năm nay. Hôm chúng tôi gặp anh trong thời gian anh về nước nghỉ phép.

Ở Hàn Quốc anh An làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian công việc mỗi ngày chỉ từ 4 đến 8 giờ đồng hồ, phù hợp với năng lực và sở trường nên rất thuận lợi, thu nhập hằng tháng khá cao, ngoài tiền chi phí sinh hoạt, anh dành dụm được khoản ổn định hằng tháng để gửi về nhà làm vốn.

Trước đó, anh An có 4 năm làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc). Anh An có em gái cũng đang đi làm việc ở Nhật Bản, chuyên nghề trồng trọt. Chị Trần Thị Thanh Tâm, công chức văn hóa- xã hội của xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết, trên địa bàn xã Gio Hải có gần 600 lao động đi làm việc nước ngoài, tập trung các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Đài Loan (Trung Quốc).

Anh Bùi Trường An (bên trái) ở huyện Gio Linh làm việc tại Hàn Quốc được hai năm nay.

Anh Bùi Trường An (bên trái) ở huyện Gio Linh làm việc tại Hàn Quốc được hai năm nay.

Anh Phan Văn Chính ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cùng ba người anh em trong gia đình của mình đi làm việc ở nước ngoài. Anh Chính làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo ở Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành hợp đồng 5 năm, trở về với gia đình được gần 2 năm, anh tiếp tục đi làm việc đợt thứ hai tại Hàn Quốc có thời gian 5 năm.

Lần này, anh Chính tiếp tục được làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Công việc khá vất vả nhưng thu nhập cao, trừ các khoản ăn uống chi tiêu, mỗi tháng anh gửi về cho gia đình khoảng 40 triệu đồng để dành dụm làm vốn. Ba người anh em còn lại của anh Chính cũng có việc làm ổn định ở nước ngoài với thu nhập nhiều người mơ ước.

Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đang có hơn 600 lao động làm việc nước ngoài, chưa kể số hoàn thành hợp đồng trở về địa phương tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả từ đồng vốn tích góp được. Hiện có nhiều lao động của thị trấn Cửa Việt qua thị trường Đức làm việc. Với mức thu nhập cao hơn hẳn so với các thị trường khác, nước Đức luôn nằm trong danh sách đất nước mà lao động tỉnh Quảng Trị hướng đến.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, huyện Gio Linh là điểm sáng của tỉnh Quảng Trị trong việc thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Huyện luôn xác định công tác này là con đường giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động một cách hiệu quả nhất trong hoàn cảnh, điều kiện của địa phương. Đồng thời, giúp người lao động có cơ hội học tập, tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Khi họ hoàn thành hợp đồng, trở về sẽ bổ sung, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện và tỉnh.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Gio Linh tiếp tục chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chi bộ, đảng viên, người lao động về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác này gắn với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân...trong việc vận động, tạo điều kiện tốt nhất cho những người có nhu cầu đi lao động nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện được pháp luật quy định. Tổ chức điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động trên địa bàn; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với đi làm việc ở nước ngoài để người lao động sớm nắm bắt, thực hiện.

Người lao động Quảng Trị trước khi bay đi nước ngoài làm việc.

Người lao động Quảng Trị trước khi bay đi nước ngoài làm việc.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị Lê Nguyên Hồng cho biết, tỉnh luôn làm tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỉnh Quảng Trị đã hiện thực hóa có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”.

Chỉ riêng năm 2023, tỉnh có hơn 2.800 người đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn năm 2022 hơn 500 người. Từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 2.500 lao động làm việc ở nước ngoài. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ, chủ yếu đến thị trường lao động các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Hungary...; tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất-chế tạo, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, xây dựng.

Cùng với nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực này nhằm trang bị đầy đủ cho người lao động các kỹ năng nghề cần thiết để tham gia thị trường lao động ngày càng hiện đại.

Chỉ riêng năm 2023, tỉnh Quảng Trị có hơn 2.800 người đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn năm 2022 hơn 500 người. Từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 2.500 lao động làm việc ở nước ngoài.

Hằng năm, có hàng nghìn người được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề, định hướng học nghề. Chính vì vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo hằng năm ở tỉnh đều tăng. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 73%.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Nguyên Hồng, người lao động Quảng Trị khi đi làm việc ở nước ngoài được đánh giá là có năng lực làm việc, kỹ năng nghề, ý thức tổ chức kỷ luật tốt; luôn có ý chí tự rèn luyện nâng cao tay nghề, giúp bản thân dễ tìm kiếm cơ hội việc làm, có được thu nhập tốt hơn. Các đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng luôn chú trọng tư vấn, định hướng cho người lao động lựa chọn, đăng ký vào các thị trường lao động bảo đảm an toàn, đúng pháp luật, công việc phù hợp và có mức lương ổn định.

Tỉnh luôn xác định công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm người lao động đi làm việc nước ngoài an toàn và hiệu quả. Lao động được đào tạo tốt, ở mọi cấp độ đều ít bị tổn thương hơn khi hòa nhập môi trường làm mới. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, cần tăng cường công tác tạo nguồn.

Lãnh đạo chính quyền địa phương ở huyện Gio Linh ( bên trái) động viên, thăm hỏi các gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài.

Lãnh đạo chính quyền địa phương ở huyện Gio Linh ( bên trái) động viên, thăm hỏi các gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài.

Để làm tốt hơn nữa công tác này, các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn trong tuyển chọn, phát triển mô hình phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp dịch vụ và chính quyền địa phương để tìm ra những lao động có nhận thức tốt và thực sự có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Tuyên truyền để người lao động có đủ thông tin, chủ động trang bị cho mình các điều kiện khi muốn đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là về kiến thức pháp luật, tay nghề, ngoại ngữ để người lao động tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập tốt và có ý thức góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam đến với thế giới.

LÂM QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/diem-sang-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-post833812.html