Điểm sáng giảm nghèo bền vững

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua huyện Bù Đăng đã tổ chức rà soát, đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo, cận nghèo cũng như phân loại để có những giải pháp cụ thể. Cùng với đó, xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Bù Đăng đã giảm hơn 1.000 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Bàn giao 652 căn nhà cho hộ nghèo

Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo được xem là điểm nhấn quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Bù Đăng thời gian qua. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2020-2025, từ nguồn lực huy động của toàn xã hội, huyện đã đầu tư xây dựng 652 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội... giúp các hộ có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Lê Thúy Hằng ở thôn 4, xã Bình Minh được các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng căn nhà mới khang trang. Niềm mơ ước có được căn nhà vững chãi của hộ chị hôm nay đã trở thành hiện thực. “Vui mừng lắm! Chúng tôi cảm ơn cán bộ từ thôn, xã, huyện và các nhà hảo tâm đã xây dựng cho gia đình một căn nhà mới” - chị Hằng xúc động.

Gia đình chị Lê Thúy Hằng ở thôn 4, xã Bình Minh, huyện Bù Đăngvui mừng khi được các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng căn nhà mới khang trang

Trưởng thôn 4, xã Bình Minh Nguyễn Xuân Kiên cho biết, thôn còn 4 hộ nghèo, năm nay phấn đấu giảm không còn hộ nghèo. Các hộ dân này đã và đang được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ nguồn của tỉnh, huyện và xã. Chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Minh Vũ Văn Chuyển chia sẻ thêm: Năm 2024, xã phấn đấu xây dựng và đưa vào sử dụng thêm 9 căn nhà đại đoàn kết từ các nguồn lực hỗ trợ của toàn xã hội. Nhà ở là điều kiện cơ bản giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài.

Thực hiện đồng bộ các chương trình

Để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bù Đăng đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, đặc biệt là hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo, chính sách vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để bà con chủ động vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Điểu Liên ở thôn 2, xã Bình Minh là một trong những hộ thoát nghèo bền vững nhờ thụ hưởng chính sách từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh. Anh Điểu Liên cho biết: Sau khi được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, nông cụ sản xuất và một cặp bò sinh sản, gia đình yên tâm tập trung phát triển kinh tế. Hằng ngày, ai thuê làm gì thì mình làm việc đó; không thì mình đi cắt cỏ cho bò ăn, chạy xe ba gác kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học.

Gia đình anh Điểu Liên ở thôn 2, xã Bình Minh một trong những hộ thoát nghèo bền vững nhờ thụ hưởng chính sách từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh

Gia đình anh Điểu Liên ở thôn 2, xã Bình Minh một trong những hộ thoát nghèo bền vững nhờ thụ hưởng chính sách từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh

Để công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao, từ năm 2021 đến nay, huyện Bù Đăng đã phân bổ hơn 166 tỷ 362 triệu đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn vốn huy động của xã hội để đầu tư thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo của huyện. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Đăng Nguyễn Thị Thắm cho biết: Thời gian qua, ngoài nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS có thêm nguồn lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiệm kỳ 2020-2025, từ nguồn lực huy động của toàn xã hội, huyện Bù Đăng đã đầu tư xây dựng 652 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội... giúp các hộ khó khăn có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững

Nhiệm kỳ 2020-2025, từ nguồn lực huy động của toàn xã hội, huyện Bù Đăng đã đầu tư xây dựng 652 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội... giúp các hộ khó khăn có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng chính sách của Bù Đăng đạt 638 tỷ đồng, tăng 332 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, ngân sách huyện cân đối, bố trí, ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 10,3 tỷ đồng, giúp 12.114 hộ vay vốn phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Chung Thị Nhâm ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá của xã sau khi được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi bò. Mới đây, sau khi bán 5 con bò, gia đình chị có nguồn dư mua thêm mảnh vườn mở rộng chuồng trại trị giá hơn 100 triệu đồng. “Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách thì gia đình tôi không có cuộc sống ổn định như hôm nay” - chị Nhâm chia sẻ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhiệm kỳ 2020-2025, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt những kết quả tích cực. Đầu năm 2020, huyện còn 1.205 hộ nghèo, chiếm 3,28% tổng số hộ dân trên toàn huyện, trong đó có 740 hộ nghèo DTTS. Sau 4 năm triển khai thực hiện, toàn huyện giảm được hơn 1.000 hộ nghèo. Bù Đăng đề ra mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn 139 hộ nghèo, chiếm 0,36% tổng số hộ dân trên địa bàn huyện.

Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là hộ nghèo DTTS đảm bảo đúng người, đúng hoàn cảnh, đúng chính sách, dân chủ, công bằng, công khai. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đáp ứng nguyện vọng, phù hợp thực tế, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ đầu tư giảm nghèo bền vững. Huyện xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong hỗ trợ hộ nghèo về vốn, dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất... Đồng thời thực hiện hiệu quả mô hình “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ hộ nghèo cụ thể” để giúp các hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đức Hiến

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/166213/diem-sang-giam-ngheo-ben-vung