Phù hợp với thực tế thị trường lao động
Chính phủ vừa đề xuất linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để hỗ trợ kịp thời người lao động (NLĐ) khi thiên tai, dịch bệnh. NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) sẽ đều đóng tối đa 1% tiền lương tháng vào Quỹ BHTN, thay vì cố định mức này như luật hiện hành...
Nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ sự điều chỉnh này bởi cần thiết để phù hợp với thực tế thị trường lao động hiện nay.
Điều chỉnh linh hoạt, đóng tối đa 1%
Chính sách BHTN thực hiện từ năm 2009 gồm các chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế (BHYT). Đây được coi là công cụ "chống sốc" cho nền kinh tế do tình trạng thất nghiệp gây ra. Nguồn quỹ từ các khoản đóng góp của giới chủ và người lao động, Nhà nước hỗ trợ, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng, chi trả theo nguyên tắc “có đóng - có hưởng”.
Luật Việc làm hiện hành có hiệu lực từ 1/1/2015. Sau gần 10 năm triển khai Luật, hệ thống BHTN chưa bao phủ hết quan hệ lao động. Chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp, chưa chú trọng giải pháp phòng ngừa thất nghiệp. Chính phủ nhận thấy, Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng BHTN của NLĐ và chủ DN cố định là 1% mức tiền lương tháng chưa được điều chỉnh linh hoạt lúc thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, trong khi nguồn kết dư lớn. Đơn cử gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng trích từ Quỹ BHTN ban hành năm 2021 trên thực tế chi trả cho gần 13 triệu lao động và hơn 346.000 DN.
Cùng với đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đã yêu cầu sửa đổi quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ lao động và NSDLĐ. Thực tế, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng từ Quỹ BHTN. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) với điểm nhấn là điều chỉnh mức đóng BHTN, NLĐ và NSDLĐ sẽ chỉ đóng tối đa 1% tiền lương/quỹ tiền lương tháng, đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm 1% từ ngân sách T.Ư. Khi sửa đổi Luật Việc làm, cơ quan soạn thảo dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 150.000.
Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Vũ Trọng Bình (đơn vị chủ trì soạn thảo Dự Luật) cho hay, mục tiêu của BHTN là đưa lao động sớm quay lại thị trường nhanh nhất, nếu không làm được coi như "thất bại". Việc giới hạn thời gian hưởng được tính toán dựa trên khả năng cân đối của quỹ. “Nếu không khống chế thời gian hưởng, lao động chỉ hướng tới khoản trợ cấp mà không tích cực tìm việc làm sẽ ảnh hưởng tới khả năng cân đối của Quỹ” - ông Vũ Trọng Bình lý giải.
Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra của Quốc hội) bày tỏ lo ngại về việc linh hoạt mức đóng BHTN vì có thể gây ra sự bất ổn trong hệ thống bảo hiểm, ảnh hưởng đến tính thống nhất của các chế độ thụ hưởng và làm giảm nguồn thu vào quỹ bảo hiểm. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc, lấy ý kiến các bộ, ngành, người chịu tác động, đánh giá tác động để bảo đảm quyền lợi của bên liên quan và bảo toàn quỹ.
Điều chỉnh nhưng cần đi kèm với dự báo thất nghiệp
Nêu quan điểm về BHTN, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (đoàn tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Thực tế, Quỹ BHTN kết dư khá lớn từ năm 2010 đến nay. Cụ thể theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm, từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu luôn vượt số chi, kết dư Quỹ BHTN lên đến gần 90.000 tỷ đồng.
Đề xuất linh hoạt mức đóng BHTN có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Đề xuất này nhằm góp phần hỗ trợ NSDLĐ giảm chi phí, nỗ lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Linh hoạt mức đóng BHTN cũng nhằm phát huy vai trò của chính sách BHTN là chỗ dựa cho NLĐ và NSDLĐ.
Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu
Đại biểu Trần Thị Vân cũng chỉ rõ, nguyên tắc đóng - hưởng của chế độ BHTN tương tự như nguyên tắc đóng hưởng của chế độ BHXH. Nghĩa là NLĐ phải có đóng mới được hưởng và mức thụ hưởng tùy theo mức tiền lương, thời gian đóng hay "hiểu nôm na là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít".
Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, BHTN là quỹ ngắn hạn, do vậy các nước thường quy định từ 3 - 5 năm cần xem xét kết dư để thay đổi mức đóng, giảm chi phí cho DN. Ngược lại, Việt Nam ít khi thay đổi mức đóng dẫn tới kết dư quá nhiều. Do đó, việc điều chỉnh theo đề xuất của cơ quan soạn thảo là phù hợp. “Bản chất của BHTN là nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường lao động nên cơ quan chức năng cần nghiên cứu tận dụng tối đa nguồn lực từ quỹ BHTN để đào tạo nghề, giới thiệu việc làm” - ông Phạm Minh Huân nêu rõ.
Đề cập đến đề xuất của Chính phủ, Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho rằng, khi các quỹ có kết dư lớn, Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ bổ sung cho NLĐ như trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 (Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN). “Nếu tình hình kinh tế phát triển tốt, việc làm ổn định, Quỹ BHTN có thể có kết dư lớn, Chính phủ có thể xây dựng bổ sung các chính sách hỗ trợ khác từ nguồn quỹ này cho chủ sử dụng lao động cũng như NLĐ hoặc giảm tỷ lệ đóng vào quỹ BHTN” - bà Dương Thị Minh Châu cho hay.
Một số ý kiến cho rằng, điều chỉnh mức đóng cần đi kèm với xây dựng hệ thống dự báo thất nghiệp chính xác và chi tiết cho từng ngành, từng nhóm lao động. Trước mắt, thay vì thay đổi mức đóng, Chính phủ nên tập trung vào việc bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ NSDLĐ, đặc biệt là trường hợp khó khăn.
Thực tế, vấn đề giảm mức đóng BHTN đã được các DN kiến nghị nhiều lần. Cuối năm 2023, 13 hiệp hội DN đã đề xuất giảm mức đóng BHTN của cả NSDLĐ và NLĐ từ 1% xuống còn 0,5%. Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng, tỷ lệ đóng BHTN cho NSDLĐ và NLĐ vẫn cao, tối đa 1% tiền lương tháng. Việc linh hoạt tỷ lệ đóng BHTN là một trong những giải pháp để tránh cho Quỹ BHTN kết dư quá nhiều.
Tuy nhiên, nhiều chính sách hiện nay của BHTN chưa phù hợp với tình hình hiện tại, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kết dư này. Ví dụ, quỹ hỗ trợ về thu nhập cho NLĐ bị thất nghiệp, nhưng hiện nay nhu cầu tuyển lao động tại các DN nhiều, nên NLĐ nhanh chóng tìm được việc làm, do đó cũng không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ quỹ… Vì vậy, các DN kiến nghị giảm tỷ lệ đóng BHTN của NSDLĐ và NLĐ xuống còn 0,5% và điều chỉnh tỷ lệ đóng BHTN trong Luật BHXH theo quy định này.
Theo thông tin từ Bộ LĐTB&XH, số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân hàng năm tăng 14,3%. Cụ thể, chính sách BHTN bao phủ khoảng 31,6% lực lượng lao động tính tới cuối năm 2023. Lao động tham gia tăng bình quân 6% mỗi năm giúp nguồn thu của quỹ tăng lên. Giai đoạn 2015 - 2023, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020 có trên 1 triệu người. Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 3/2024, hơn 7,4 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp và khoảng 1,68 triệu lượt người được giới thiệu việc làm. Song số chọn học nghề rất thấp, chỉ hơn 261.600 người và có xu hướng giảm dần trong mấy năm qua.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phu-hop-voi-thuc-te-thi-truong-lao-dong.html