Điểm sáng hợp tác kinh tế trong quan hệ Việt - Trung
Sau hơn 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, kinh tế trở thành lĩnh vực quan trọng, góp phần vào sự phát triển ổn định và tích cực của mối quan hệ hai nước.
Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Từ khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt - Trung đã đạt được nhiều tiến triển mới.
Hai bên đã phát huy lợi thế, duy trì tinh thần phát triển cùng có lợi và thúc đẩy hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Ngay từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và đến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, theo TTXVN.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2021. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm 2020.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so năm 2020. Đây là những con số phản ánh sự ổn định và hiệu quả trong trao đổi thương mại song phương giữa hai nước trong những năm gần đây.
Với kết quả này, Việt Nam trở thành đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia, theo báo Nhân Dân.
Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.
Điểm sáng quan hệ song phương
Tại kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 25/10, hai bên đánh giá dịch Covid-19 và những biến động trên thế giới đã tác động tới kinh tế, thương mại toàn cầu, nhưng quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển và đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Tổng cục Hải quan cho biết đến hết quý II, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lên tới 87,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 26,17 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 61,12 tỷ USD, tăng 14,63%.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông lâm thủy sản Việt Nam.
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước đã tăng nhanh và dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần. Hai sản phẩm đặc trưng là chanh leo và sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc theo phương thức chính ngạch.
Có được kết quả này là nhờ những lợi thế về quan hệ thương mại truyền thống. Các bộ, ban, ngành cũng nỗ lực thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thương mại giữa hai nước.
Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp của Trung Quốc. Hai bên tích cực triển khai đầu tư và phát triển nhiều dự án lớn. Đầu tư Trung Quốc có xu hướng gia tăng, đặc biệt là dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần.
China Plus cho biết tính đến tháng 6/2022, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3.372 dự án với tổng vốn đầu tư 22,31 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Còn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến hết tháng 10/2022, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 804,4 triệu USD, chiếm 8,1%. Các dự án đầu tư của Trung Quốc có mặt tại hầu hết tỉnh, thành Việt Nam.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc còn rót nguồn vốn đầu tư vào liên doanh liên kết, góp vốn bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc ở trong các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Các dòng vốn của Trung Quốc đổ vào những lĩnh vực điển hình như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản,...
Nhiều dư địa hợp tác
Trong cuộc hội đàm hồi tháng 9 với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên tích cực phối hợp để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng; đề nghị phía Trung Quốc tạo thuận lợi về thông quan, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; tích cực trao đổi, giải quyết vấn đề tồn đọng tại một số dự án hợp tác giữa hai nước; sớm mở thêm các chuyến bay thương mại giữa hai nước; nâng tầm hợp tác, ứng phó có hiệu quả với các thách thức mới nổi lên, cùng nhau hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng thời, hai nước cần phối hợp triển khai, tận dụng tốt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do đa phương. Hiệp định RCEP có hiệu lực thực thi từ năm nay sẽ bổ sung tạo điều kiện, cơ hội cho thương mại song phương.
RCEP mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực. Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đang chuyển dịch đầu tư, sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng các ưu đãi trong khuôn khổ RCEP là nhân tố góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển bền vững.
RCEP cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước là rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử.
Trong đó, các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu nhiều như thủy sản, trái cây, sữa và sản phẩm sữa, ngũ cốc. Đây là những nhóm mặt hàng Việt Nam có thế mạnh trong xuất khẩu, là dư địa lớn để ta nâng tỷ trọng xuất khẩu nông sản lên cao hơn nữa.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Trung Quốc đã áp dụng chính sách giảm thuế đối với hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản và trái cây tươi của Việt Nam. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai nước chuyển từ biên mậu sang xuất khẩu chính ngạch.
Lợi thế vị trí địa lý là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa. Hình thức vận chuyển hàng hóa đa dạng, thông qua đường bộ, đường biển, hàng không và đường sắt, là trợ thủ đắc lực, giúp hai nước đẩy mạnh thương mại.
Quan hệ kinh tế, thương mại phát triển mạnh mẽ chính là nền tảng vững chắc cho chặng đường phát triển tiếp theo của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-sang-hop-tac-kinh-te-trong-quan-he-viet-trung-post1370045.html