Điểm sáng hợp tác nghị viện Việt Nam-Ấn Độ
Quan hệ hợp tác toàn diện giữa các Cơ quan lập pháp Việt Nam và Ấn Độ trở thành điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tổng thể thành quả hợp tác trong quan hệ giữa hai nước.
Thế giới và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều chuyển biến sâu sắc, phức tạp về địa chính trị, địa kinh tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Ấn Độ đang cùng chia sẻ tầm nhìn và nhiều lợi ích chung.
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và nhân dân hai nước dày công vun đắp và nuôi dưỡng để đơm hoa kết trái như ngày nay. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong hơn năm năm qua, quan hệ đó đã không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều trụ cột hợp tác.
Hình mẫu hợp tác nghị viện
Quan hệ hợp tác toàn diện giữa các Cơ quan lập pháp hai nước trong những năm qua được củng cố và phát triển tốt đẹp, ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu và hiệu quả, trở thành điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tổng thể thành quả hợp tác trong quan hệ giữa hai nước.
Cùng có chung nhiệm vụ là phục vụ khát vọng của nhân dân, đưa ra quyết định nhằm đáp ứng mong muốn và vì sự thịnh vượng của người dân, hai bên mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác giữa song phương trở thành hình mẫu hợp tác nghị viện trên thế giới. Hợp tác nghị viện giữa hai nước thời gian qua được thể hiện trên một số nội dung chính sau:
Thứ nhất làtạo dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác. Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Ấn Độ đã ký Thỏa thuận hợp tác nhân chuyến thăm Ấn Độ tháng 12/2016 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa hai bên. Nội dung Thỏa thuận được hai Bên tích cực phối hợp triển khai, mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Hạ viện Ấn Độ ký Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thư viện và truyền hình Quốc hội nhân dịp chuyến thăm Ấn Độ tháng 12/2021 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thứ hai là làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thông qua hoạt động trao đổi đoàn. Hai bên duy trì và ngày càng tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, cấp Ủy ban, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị linh hoạt dưới nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp, trong đó, hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đã ghi dấu ấn đậm nét trong quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa hai nước, Cơ quan lập pháp hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Phía Ấn Độ đã cử các đoàn thăm Việt Nam như Chủ tịch Hạ viện Somnath Chatterjee (tháng 3/2007), Chủ tịch Hạ viện Meira Kumar (tháng 5/2011), Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Mohamed Ansari (tháng 1/2013), Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Venkaiah Naidu (tháng 5/2019, nhân dịp tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019), Chủ tịch Hạ viện Om Birla (tháng 4/2022). Các đoàn Quốc hội Việt Nam thăm Ấn Độ như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 2/2010), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (tháng 6/2011), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 2/2013), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12/2016), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 12/2021).
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Ấn Độ tháng 12/2021 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau gần hai năm gián đoạn vì Covid-19. Chuyến thăm thành công tốt đẹp, góp phần cùng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước; tăng cường hợp tác phòng chống đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Chuyến thăm tạo động lực quan trọng cho quan hệ hai nước trong giai đoạn mới, nhất là khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 4/2022 của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ, với những kết quả tốt đẹp đã được ghi nhận, tạo động lực mới, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.
Chuyến thăm là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Ấn Độ trong năm 2022 - dấu ấn quan trọng trong chiều dài lịch sử quan hệ giữa hai nước; thể hiện mức độ tin cậy cao và tình hữu nghị gắn bó, quan hệ thân thiết, gần gũi giữa hai nước nói chung và giữa Cơ quan lập pháp hai nước nói riêng.
Thứ ba là phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện thông qua hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị. Quốc hội Việt Nam các khóa gần đây đều thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ của Quốc hội khóa XIV gồm 9 đại biểu Quốc hội thành viên, do Ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Chủ tịch Nhóm.
Quốc hội khóa XV thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ gồm 10 thành viên, do ông Dương Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ tịch Nhóm. Nghị viện Ấn Độ cũng thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị song phương với Việt Nam. Các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hoạt động tích cực, phát huy được vai trò của kênh nghị sĩ hữu nghị trong ngoại giao nghị viện, góp phần duy trì và tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa đại biểu Quốc hội Việt Nam với nghị sĩ Ấn Độ.
Thứ tư là quan hệ nghị viện được củng cố thông qua hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF)…, hai bên chia sẻ và phối hợp lập trường về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn
Kế thừa và phát huy kết quả tốt đẹp đã đạt được, với tiềm năng sẵn có, Cơ quan lập pháp hai nước tập trung tăng cường hợp tác trên các định hướng chính sau:
Một là, hai bên tiếp tục phát huy vai trò của Cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy quan hệ song phương; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Cơ quan lập pháp hai nước thúc đẩy Chính phủ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai Bên cùng có lợi ích như kinh tế, thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, du dịch, giao lưu nhân dân, đặc biệt là tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0.
Hai là, tiếp tục triển khai hiệu quả nội dung Thỏa thuận hợp tác ký năm 2016; đẩy mạnh các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và cấp Ủy ban, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị linh hoạt dưới nhiều hình thức, thiết thực và hiệu quả tương xứng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trước mắt, các Ủy ban chuyên môn của Cơ quan lập pháp hai nước nghiên cứu tổ chức các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật.
Ba là, các đoàn đại biểu Quốc hội hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như IPU, AIPA, APPF...; ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Bốn là, phối hợp rà soát, giám sát việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận đã ký kết giữa Chính phủ và các bộ, ngành hai nước, để những hiệp định này được triển khai đồng bộ, hiệu quả, mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực, tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Năm là, tiếp tục tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm tham mưu, phục vụ giữa các cơ quan giúp việc là Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Hạ viện, Thượng viện Ấn Độ.
Trên tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, phát huy kết quả chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ, Cơ quan lập pháp pháp hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, xây dựng hình mẫu hợp tác nghị viện, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất trong thời gian tới, đồng thời đóng góp quan trọng vào đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-sang-hop-tac-nghi-vien-viet-nam-an-do-196881.html