Điểm sáng ''Khởi nghiệp'' của thanh niên xã Trạm Hành

Những năm qua, phong trào 'Khởi nghiệp' do Trung ương Đoàn phát động lan tỏa trong thanh niên cả nước và tác động sâu sắc đến tuổi trẻ Lâm Đồng. Đặc biệt, Đoàn xã Trạm Hành (Đà Lạt) tiên phong, đi đầu phong trào 'Thanh niên phát triển kinh tế'. Đến nay, nhiều mô hình lập nghiệp trở thành những 'điểm sáng' tiêu biểu…

Trang trại trồng hoa công nghệ cao ở Đức Trọng

Trang trại trồng hoa công nghệ cao ở Đức Trọng

Phát huy lợi thế địa phương

Năm 2009, xã Trạm Hành được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Xuân Trường; hơn 80% dân số sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, với các loại cây trồng chủ lực: cà phê, chè, hồng, rau, hoa… Toàn xã có 2.325,5 ha đất nông nghiệp; phần lớn diện tích đất nông nghiệp được nông dân áp dụng công nghệ cao; đồng thời, sử dụng công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến vào sản xuất và chế biến, nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, mang lại mức thu nhập của người dân khá cao.

Điều đặc biệt, thanh niên trong độ tuổi lao động của Trạm Hành chiếm hơn 1/3 lao động trong toàn xã; đây là lực lượng lao động trẻ có kiến thức, nhạy bén trong việc tiếp cận và vận dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và khát khao lập thân, lập nghiệp, làm giàu.

Được sự lãnh đạo của Thành ủy; sự tích cực vận động triển khai các phong trào “Thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”… của Thành đoàn Đà Lạt, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) xã Trạm Hành đã phát huy lợi thế và đặc thù địa phương, tích cực vận động tập hợp thanh niên, đẩy mạnh phong trào giúp nhau sản xuất với các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác rất hiệu quả.

Để phong trào lan tỏa, Đoàn xã Trạm Hành xây dựng kế hoạch triển khai đến các chi đoàn; vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia các mô hình “Thanh niên phát triển kinh tế”… Đồng thời, thành lập “Tổ hợp tác thanh niên” (9 ĐVTN tham gia), do Đoàn xã trực tiếp quản lý, điều hành.

Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn xã Trạm Hành chủ động phối hợp với Phòng Lao động, Hội Nông dân thành phố tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại rau, hoa, cà phê… chế biến nông sản cho ĐVTN. Đặc biệt, Đoàn xã Trạm Hành đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp miền Nam mở lớp cho ĐVTN học tập các chuyên đề: Kỹ năng bán hàng; một số phương thức về xây dựng giá; Kinh nghiệm kinh doanh trên mạng xã hội; Maketing online sản phẩm qua hình thức chơi game; Tìm kiếm nhu cầu thị trường nông nghiệp; sản xuất bao bì sản phẩm… do các chuyên gia giàu kinh nghiệm trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng…

Bên cạnh đó, Đoàn xã Trạm Hành cũng đã tổ chức cho ĐVTN nhiều đợt đi tham quan, học hỏi kinh nhiệm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương và mô hình sấy nho tại tỉnh Ninh Thuận…

Những mô hình tiêu biểu

Bí thư Đoàn xã - Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ: Để ĐVTN hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, trước hết cán bộ Đoàn - Hội phải là những người tiên phong, gương mẫu, làm nòng cốt và phải bằng kết quả kinh tế mang lại mới tạo “sức hút”, lôi cuốn đối với ĐVTN tham gia.

Từ chủ trương này, Đoàn xã Trạm Hành đã vận động Ban Chấp hành Đoàn và Hội LHTN xã chủ động chọn, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh để “làm mẫu”. Với tinh thần quyết tâm lập thân, lập nghiệp trên chính thửa vườn, mảnh đất của mình, những năm qua, đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội LHTN xã Trạm Hành mỗi người thực hiện một mô hình kinh tế; đồng thời hợp tác, giúp nhau sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn xã Trạm Hành xuất hiện nhiều mô hình ĐVTN sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo “thương hiệu” riêng rất ấn tượng; tiêu biểu như: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Trường Gia Phát, do Lê Văn Chung (Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã) và 2 đoàn viên thành lập.

HTX đã tập hợp 40 hộ gia đình thành viên tham gia (góp 60 ha đất) để sản xuất cà phê thương hiệu Arabica, trồng xen hồng ăn trái, thu nhập 300 triệu đồng/ha. Năm 2017, HTX Trường Gia Phát là một trong 10 đơn vị đầu tiên của TP Đà Lạt được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Chứng nhận “Cà phê Cầu Đất”.

Mô hình “Hồng treo, hồng sấy gió Xuân Quỳnh” theo công nghệ Nhật Bản, do nữ thủ lĩnh Nguyễn Thị Thu Huyền (Bí thư Đoàn xã) làm chủ. Mô hình có quy mô 2 ha, thu hút 8 lao động làm việc. Cơ sở chuyên cung cấp các sản phẩm: Hồng quả, hồng sấy khô, hồng sấy gió, doanh thu trên 500 triệu đồng/vụ, chủ nhân thu nhập trên 300 triệu đồng/vụ. Đó là mô hình trồng cà chua Chocolate tiêu chuẩn VietGap của đoàn viên Nguyễn Hiền Đức. Cơ sở có quy mô 3.000 m2, có 6 lao động làm việc; doanh thu trên 200 triệu đồng/vụ. Mô hình trồng và chế biến cà phê thương hiệu “Cà phê Gió, cà phê Moka” của 2 đoàn viên: Trần Lưu và Mai Xuân Hoàng, doanh thu gần 250 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 5 lao động và hàng chục nông dân trong vùng. Hay mô hình trồng cây phúc bồn tử đen trong nhà kính; trồng ớt chuông và hoa đồng tiền của Đỗ Thành Công, Huỳnh Long - ĐVTN xã Trạm Hành...

Có thể nói, với chí tiến thủ, có kiến thức, giỏi công nghệ, năng động, quyết đoán, với khát vọng làm giàu chính đáng và được tổ chức Đoàn, Hội LHTN “hà hơi” tiếp sức, tuổi trẻ vùng đất Trạm Hành đã đi đầu phong trào “Thanh niên phát triển kinh tế”. Nhiều mô hình, điển hình của tuổi trẻ xã Trạm Hành trở thành những “điểm sáng” không những đối với tuổi trẻ Đà Lạt mà lan tỏa trong phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” của tuổi trẻ Lâm Đồng.

Thực trạng những năm qua, thanh niên các địa phương rời nơi sinh sống đổ về các thành phố lớn để tìm kế mưu sinh thì thanh niên xã Trạm Hành (Đà Lạt) bám trụ thửa vườn, vùng đất của mình và bằng kiến thức, tình yêu, sức trẻ đã vươn lên làm giàu kinh tế gia đình và tạo ra giá trị xã hội. Đây chính là điều khác biệt, có ý nghĩa xã hội rất đáng quý, các tổ chức Đoàn - Hội cần tuyên truyền và nhân rộng.

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202011/diem-sang-khoi-nghiep-cua-thanh-nien-xa-tram-hanh-3029312/