Điểm sáng lãi suất và dư địa chính sách tiền tệ năm 2024
Lãi suất là điểm sáng lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2023. Sang năm 2024, lãi suất dự kiến vẫn là điểm sáng, song áp lực lớn nhất với nhà điều hành là câu chuyện tăng trưởng tín dụng và 'ghìm chân' nợ xấu.
Điểm sáng
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán (HSBC Việt Nam), lãi suất thấp là một trong 2 điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2023.
Có thể nói, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là một trong các ngân hàng trung ương đầu tiên tại châu Á xoay trục chính sách tiền tệ sớm nhất. Với 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2023, NHNN đã giúp lãi suất cho vay hạ nhiệt mạnh trong nửa cuối năm, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Tính đến ngày 22/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 11,09%, tuy chưa đạt mục tiêu định hướng đầu năm, song đã có cải thiện mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
“Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của NHNN và các cam kết giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng, dự kiến, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2024, kinh tế sẽ phục hồi chậm, song áp lực lạm phát cũng không đáng ngại. Vì vậy, chính sách tiền tệ năm 2024 sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định: “Năm 2024, tỷ giá không còn là rào cản, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Vì vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ nới lỏng hơn nữa”.
Tất nhiên, lãi suất dù có giảm thêm cũng không phải là vấn đề quyết định đối với tăng trưởng tín dụng. Gốc rễ khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt hiện nay là đầu ra, thị trường.
Ngoài tín dụng, thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2023 là nợ xấu tăng lên. Giữa năm 2024, nếu Thông tư số 02/2023/TT-NHNN không được gia hạn, nợ xấu có thể sẽ dềnh lên nhanh chóng.
Gỡ khó đồng bộ các thị trường để “chữa “bệnh” thừa tiền
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn, song thời điểm khó khăn nhất đã qua. Chính sách tiền tệ năm sau sẽ rất khó dự đoán, vì còn tùy thuộc vào quyết sách của các nước lớn.
“NHNN sẽ bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
NHNN cho hay, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu việc công bố lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng để khách hàng lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để tiếp cận vay vốn. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Dù vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành ngân hàng, để “bẩy” tín dụng, NHNN cũng cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ khơi thông thị trường TPDN và thị trường bất động sản; kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ ngân hàng trong xử lý nợ xấu, thu hồi nợ...
Về phía mình, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để ngân hàng có cơ sở cho vay.
“Xu hướng chính sách trong nước năm 2024 là tiếp tục nới lỏng, song trong bối cảnh hiện nay, nên ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa do còn nhiều dư địa”, PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) khuyến nghị.