Điểm sáng thu hút đầu tư

Những năm qua, tỉnh Gia Lai nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư, gây dựng uy tín và đã thu hút nhiều dự án lớn. Hiện Gia Lai đang trở thành điểm sáng trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhờ vào điều kiện tự nhiên phong phú, cơ chế đầu tư thông thoáng, và chính sách đồng bộ.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tổng số dự án FDI hiện có trên địa bàn là 12 dự án, với tổng vốn đăng ký 7.506 tỷ đồng. Trong đó, 5 dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Trà Đa đã trở thành điểm nhấn, với tổng vốn đăng ký 493,8 tỷ đồng. Các dự án nổi bật bao gồm: Nhà máy chế biến cà phê và nông sản của Louis Dreyfus Commodities Việt Nam (Singapore), Nhà máy chế biến đá của Viet-Euro-Stone Gia Lai (Cộng hòa Liên bang Đức), và Nhà máy chế biến cà phê ACOM thuộc Atlantic Việt Nam (Thụy Sĩ).

Ngoài khu công nghiệp, có 7 dự án FDI khác, với tổng vốn đăng ký gần 7.050 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực như điện gió, chăn nuôi và chế biến nông-lâm sản. Tiêu biểu là Trung tâm giống gà trứng công nghệ cao của Giống gia cầm Kbang (Australia IFC), Nhà máy điện gió HBRE Gia Lai hợp tác với Super Energy Corporation (Thái Lan) và Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai của De Heus (Hà Lan) và Hùng Nhơn.

Hiện các dự án FDI đầu tư tại Gia Lai đang hoạt động khá hiệu quả. Đơn cử, nhà máy chế biến cà phê ACOM (Thụy Sĩ) đã đầu tư tại Gia Lai từ nhiều năm trước và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành chế biến cà phê. Với nguồn nguyên liệu dồi dào và hệ thống quản lý chất lượng cao, ACOM không chỉ đóng góp vào kinh tế địa phương mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.

Hay như, dự án điện gió HBRE Gia Lai. Đây là dự án hợp tác thành công giữa HBRE và Super Energy Corporation (Thái Lan). Với công suất lớn và áp dụng công nghệ tiên tiến, dự án không chỉ cung cấp năng lượng sạch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường khu vực Tây Nguyên.

Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai - De Heus (Hà Lan) và Hùng Nhơn đã hợp tác để xây dựng một tổ hợp nông nghiệp hiện đại tại huyện Chư Pưh (Gia Lai). Dự án này không chỉ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp mà còn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho nông dân địa phương.

Gần đây, Gia Lai đã chào đón nhà đầu tư Nhật Bản Cellutane Company Limited với dự án Nhà máy may và gia công chế biến gỗ tại Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh (Gia Lai). Ông Yagi Sho, Giám đốc Cellutane Việt Nam chia sẻ: “Gia Lai đã mở ra những điều kiện thuận lợi và được lãnh đạo tỉnh hỗ trợ nhiệt tình”.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tốc độ thu hút FDI của Gia Lai hiện đứng thứ 4 trong khu vực Tây Nguyên. Để tăng cường thu hút đầu tư, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Tiêu biểu là “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch” tại Jeonllabuk, Hàn Quốc (tháng 9/2023) và chuyến công tác tại Nhật Bản (tháng 8/2023) để gọi mời nhiều đối tác tiềm năng.

Ngoài ra, Gia Lai cũng tăng cường quảng bá thông qua truyền thông và những lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tỉnh có 295 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành 18 vùng sản xuất chuyên canh, với tổng diện tích gần 3.500ha, tập trung vào cà phê, chanh dây, sầu riêng, chuối, bơ, hồ tiêu.

Gia Lai khát vọng trở thành trung tâm sản xuất rau, hoa, quả lớn của Việt Nam, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 500-600 triệu USD/năm vào năm 2030. Chiến lược thu hút đầu tư tập trung và đa dạng hóa đang tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thái Hòa

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-sang-thu-hut-dau-tu-159132.html