Điểm sáng trong công tác chi trả DVMTR

Năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý và triển khai thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua tài khoản ngân hàng, giao dịch điện tử, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người dân.

Mô hình trồng chanh leo của nhóm phụ nữ tiết kiệm bản Mô Cổng, xã Phổng Lái (Thuận Châu) từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.

Mô hình trồng chanh leo của nhóm phụ nữ tiết kiệm bản Mô Cổng, xã Phổng Lái (Thuận Châu) từ nguồn dịch vụ môi trường rừng.

Ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La, cho biết: Quỹ đã tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR. Xây dựng nội dung và chỉ đạo Chi nhánh trực thuộc hướng dẫn các cộng đồng bản sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, nhận thức của các chủ rừng và người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Công tác quản lý và mở rộng nguồn thu được triển khai hiệu quả, các đơn vị sử dụng DVMTR cơ bản chấp hành tốt nghĩa vụ liên quan đến chính sách chi trả DVMTR. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã ký hợp đồng ủy thác với 58 đơn vị sử dụng DVMTR nội tỉnh. Trong đó, có 48 cơ sở sản xuất thủy điện, 4 cơ sở sản xuất nước sạch và 6 cơ sở sản xuất công nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thu trên 170 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch năm 2021. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản gửi Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty mua bán điện đề nghị phối hợp, đôn đốc thu nộp tiền DVMTR.

Bên cạnh đó, Quỹ đã phối hợp đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR, tích hợp vào bản đồ chi trả DVMTR nguồn thu năm 2020, với tổng diện tích trên 565.000 ha. Công tác giải ngân tiền DVMTR được triển khai đúng tiến độ, kịp thời, tạo sự đồng thuận của các chủ rừng và nhân dân. Quỹ đã tổ chức họp tư vấn với các sở, ngành liên quan về việc thực hiện thanh toán tiền DVMTR qua đơn vị cung ứng thanh toán. Đến nay, đã chi trả gần 73 tỷ đồng cho 24.115 chủ rừng qua Ngân hàng CSXH; chi trả gần 44 tỷ đồng cho 11.724 chủ rừng qua Agribank Sơn La; chi trả trên 50 tỷ đồng cho 197 UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và hơn 9 tỷ đồng cho chủ rừng là cộng đồng bản qua VietinBank Sơn La; chi trả hơn 1 tỷ đồng cho 1.595 chủ rừng qua ViettelPay và chi trả 406 triệu đồng cho 534 chủ rừng qua Chi nhánh trực thuộc.

Việc chi trả qua các ngân hàng và đơn vị trung gian đã thực sự phát huy hiệu quả, bảo đảm chính xác, an toàn và công khai, minh bạch, tạo được niềm tin của nhân dân. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu, thông tin: Với lợi thế có hệ thống giao dịch được triển khai đến 100% số xã trên địa bàn. Riêng năm 2021, Phòng giao dịch thực hiện chi trả 8 tỷ đồng cho hơn 3.000 chủ rừng. Tại mỗi xã, Ngân hàng CSXH đều thực hiện giao dịch vào một ngày cố định trong tháng, việc chi trả qua tài khoản giúp bà con không phải đi xa để nhận tiền. Trong các phiên giao dịch tại xã, bà con còn được cán bộ ngân hàng hướng dẫn sử dụng tài khoản để có thể rút tiền hoặc gửi tiết kiệm.

Công tác kiểm tra, giám sát được Quỹ quan tâm, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh các chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã, cơ quan cấp trên trực tiếp của chủ rừng trong thực hiện chính sách DVMTR. Tổ chức giám sát thực hiện hợp đồng dịch vụ trung gian thanh toán tiền DVMTR tại các địa phương, kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, việc chấp hành nộp tiền của một số đơn vị sử dụng DVMTR chưa kịp thời, đến nay số nợ còn trên 4,5 tỷ đồng. Việc chi trả tiền DVMTR qua ngân hàng và giao dịch điện tử còn một số hạn chế, do hạ tầng kỹ thuật của ngân hàng, ViettelPay tại vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu của việc nhận tiền qua tài khoản của các chủ rừng. Công tác xây dựng bản đồ và xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR còn một số khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Lê Trọng Bình, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, đơn vị đang tập trung hoàn thành kế hoạch thu và giải ngân thanh toán cho các chủ rừng còn lại. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR đến các cấp, các ngành và nhân dân; rà soát mở rộng nguồn thu, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, chính quyền các xã và đơn vị liên quan xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR, quản lý hiệu quả nguồn thu DVMTR. Đặc biệt, tiếp tục nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR, các nhóm phụ nữ tiết kiệm tại các bản, nhằm phát huy hiệu quả tiền DVMTR, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/diem-sang-trong-cong-tac-chi-tra-dvmtr-45533