Điểm sáng trong sắp xếp dân cư ở một huyện miền núi
Đông Giang là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, có hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Cơ Tu. Theo tập quán, người dân thường sống ven sông, suối, tại các triền đồi có nguy cơ sạt lở.
Do đó, thời gian qua, Đông Giang đã có nhiều cố gắng để tổ chức sắp xếp ổn định dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Việc sắp xếp ổn định dân cư tại huyện Đông Giang trong những năm gần đây được thực hiện chủ yếu theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 và Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Công tác sắp xếp dân cư được thực hiện theo 3 hình thức gồm tập trung, xen ghép và chỉnh trang tại chỗ, trong đó Đông Giang chú trọng thực hiện sắp xếp dân cư tập trung nhằm tạo thành các khu dân cư mới, có đầy đủ những nhu cầu thiết yếu như điện, nước, đường giao thông, qua đó còn góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo lãnh đạo huyện Đông Giang, tiêu biểu trong có khu tái định cư (TĐC) tại huyện có khu TĐC tập trung Bến Hiên, xã Cà Dăng. Khu TĐC này được UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng vào ngày 9/3/2021 trên diện tích hơn 3ha, tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách huyện Đông Giang. Dự án được giao UBND huyện Đông Giang làm chủ đầu tư, có mục tiêu nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất cho người dân thôn Bến Hiên, xã Cà Dăng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Dự án khu TĐC tập trung Bến Hiên được khởi công vào tháng 9/2021 và hoàn thành vào tháng 3/2022. Có mặt tại đây, chúng tôi nhận thấy khu TĐC đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đường dây điện, hệ thống nước sinh hoạt…; nhiều ngôi nhà khang trang của người dân đã và đang được xây dựng.
Anh Ating Thịt (trú thôn Bến Hiên, xã Cà Dăng) chia sẻ, gia đình anh trước đây ở tổ Nhiều 1, thôn Bến Hiên - nằm trong vùng nguy cơ cao bị sạt lở. Do đó, vào giữa năm 2022, anh được bố trí TĐC về khu TĐC tập trung Bến Hiên. “Sau khi được giao đất, tôi đã bắt tay vào làm ngôi nhà mới với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng, trong đó Nhà nước có hỗ trợ 65 triệu đồng. Giờ có nhà ở khu TĐC mới này tôi rất vui, không còn lo sạt lở đất mỗi khi đến mùa mưa lũ nữa”, anh Thịt tâm sự.
Cách nhà anh Thịt không xa là căn nhà cấp bốn kiên cố đang trong quá trình hoàn thiện của gia đình anh Alăng Thiếu (SN 1986, trú thôn Bến Hiên, xã Cà Dăng). Anh Thiếu cho biết, trước đây anh có ngôi nhà được xây dựng vào năm 2016 ở tổ Nhiều 1, thôn Bến Hiên. Song, do nằm trong vùng nguy cơ cao bị sạt lở đất nên tháng 8/2022, anh được bố trí TĐC trên lô đất có diện tích khoảng 250m2 tại khu TĐC tập trung Bến Hiên.
Anh Thiếu bộc bạch: “Dù ngôi nhà cũ của tôi ở tổ Nhiều 1 mới được xây dựng vài năm, song do nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nên tôi đành đập bỏ để đến khu TĐC mới này. Khi nhận đất xong, được Nhà nước hỗ trợ 65 triệu đồng, tôi đã mạnh dạn vay thêm tiền ngân hàng để làm căn nhà mới với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Dự kiến trong tháng 3/2023, căn nhà của tôi sẽ được hoàn thành”.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Alăng Den, Bí thư Đảng ủy xã Cà Dăng, huyện Đông Giang cho biết, khu TĐC tập trung Bến Hiên có tổng cộng 40 lô, được dành cho các hộ gia đình ở khu vực có nguy cơ cao đến ở. Hiện nay, tại khu TĐC này đã được bố trí 17 lô cho các hộ gia đình tại tổ Nhiều 1, thôn Bến Hiên; 23 lô còn lại được chuẩn bị để bố trí cho các hộ dân khác cũng nằm ở vùng xung yếu, có nguy cơ bị sạt lở đến an cư.
“Việc bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở đất là một chủ trương rất đúng đắn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Hơn nữa, qua đó còn giúp địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ngày càng đạt hiệu quả cao hơn”, ông Alăng Den nói.
Theo ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, giai đoạn 2017-2020, huyện Đông Giang đã giải quyết di dời cho hơn 700 hộ dân với tổng kinh phí thực hiện hơn 34 tỷ đồng. Năm 2021, huyện đã hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư cho 46 hộ thuộc diện di dời khỏi vùng sạt lở đến nơi ở mới; năm 2022 di dời, TĐC được 99 hộ. Trong năm 2023, thực hiện quyết định của UBND huyện về giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu thực hiện ổn định sắp xếp dân cư, dự kiến Đông Giang sẽ hỗ trợ di dời, TĐC cho 71 hộ dân, trong đó có 23 hộ di dời tập trung, 47 hộ di dời xen ghép và 1 hộ chỉnh trang tại chỗ với tổng kinh phí khoảng 6,7 tỷ đồng.
Theo ông Phương, hiện nay, tình hình thiên tai rất phức tạp, nguy cơ sạt lở cao sau các đợt mưa lũ. Vì vậy, để đảm bảo tính mạng người dân, đồng thời giải quyết một phần bức xúc khó khăn về chỗ ở cho người dân, UBND huyện Đông Giang đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam cần có cơ chế chính sách TĐC tập trung cho các hộ dân ở những vùng có độ dốc cao, không có điều kiện xen ghép theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam.
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới để bố trí quỹ đất sắp xếp dân cư theo quy hoạch làm cơ sở để UBND huyện lồng ghép sử dụng nguồn vốn phù hợp thực hiện san ủi mặt bằng các điểm sắp xếp dân cư, giải quyết đất ở cho người dân.