Điểm sáng trong sắp xếp dân cư thích ứng biến đổi khí hậu tại biên giới của Quảng Nam

Với đặc thù là huyện miền núi cao, có 8/10 xã là xã biên giới, hơn 95% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Tây Giang (Quảng Nam) luôn chú trọng công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), vừa đảm bảo nơi an cư cho người dân vừa phòng, chống thiên tai hiệu quả. Đây là công tác mang tính đột phá quan trọng, là điểm sáng trong sắp xếp dân cư tại các địa phương miền núi Quảng Nam.

Thôn Tà Làng, xã Bahlêê, huyện Tây Giang (Quảng Nam) nằm bên dòng sông Chà Lang hiền hòa, có 96 hộ dân là người đồng bào Cơ Tu sinh sống. Đây là khu dân cư được quy hoạch để di dời người dân vùng sạt lở đến an cư lập nghiệp. Hôm chúng tôi đến nhà là lúc anh A Lăng Gieo (SN 1998, trú thôn Tà Làng, xã Bahlêê) đang loay hoay cùng với nhóm thợ làm các công việc cuối cùng để hoàn thiện ngôi nhà mới.

“Ngày trước, nhà tôi ở bên kia sông Chà Lang, dưới chân đồi có nguy cơ bị sạt lở cao. Đầu năm nay, được Nhà nước sắp xếp bố trí mặt bằng có diện tích khoảng 150m2 tại thôn Tà Làng và hỗ trợ thêm 60 triệu đồng, nên chúng tôi mạnh dạn vay mượn thêm của bà con, người thân để xây dựng ngôi nhà mới với tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng. Ngôi nhà này đã được xây dựng gần 2 tháng rồi, chỉ chừng chục ngày nữa là xong. Việc được hỗ trợ làm nhà đã giúp chúng tôi không còn lo về chuyện sạt lở khi mưa lũ về”, anh Gieo bộc bạch.

Cán bộ Công an xã Bhalêê, huyện Tây Giang thăm hỏi hộ gia đình anh A Lăng Gieo bên căn nhà mới đang được hoàn thiện tại thôn Tà Làng.

Cán bộ Công an xã Bhalêê, huyện Tây Giang thăm hỏi hộ gia đình anh A Lăng Gieo bên căn nhà mới đang được hoàn thiện tại thôn Tà Làng.

Cũng ở thôn Tà Làng, chúng tôi gặp anh A Lăng Mô - người vừa được hỗ trợ di dời vào nơi ở mới vào cuối năm 2024. Anh Mô kể, khu vực nhà cũ của anh có 7 hộ dân nằm dưới chân đồi nguy cơ sạt trượt cao, do đó chính quyền địa phương đã sắp xếp bố trí một lô đất tại thôn Tà Làng để anh di dời đến làm nhà ổn định.

Anh Mô chia sẻ: “Ngày trước, mỗi khi đến mùa mưa lũ là các hộ dân chúng tôi phải kéo nhau ra Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng thôn của người Cơ Tu) ở tạm để đảm bảo an toàn, chứ quả đồi phía sau xóm chúng tôi có nguy cơ sạt lở cao lắm. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay đã có 5/7 hộ dân ở xóm cũ của tôi đã được bố trí chỗ ở mới an toàn, không lo sạt lở nữa. 2 hộ còn lại đang được các cấp xem xét, tìm kiếm quỹ đất để bố trí di dời. Việc được ổn định chỗ ở an toàn đã giúp chúng tôi an tâm làm ăn sinh sống, ổn định đời sống kinh tế gia đình”.

Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, với phương châm “Việc gì nơi khác đã làm mà hợp Tây Giang thì học tập làm tốt hơn. Việc gì nơi khác chưa làm mà Tây Giang có thì quyết làm và làm cho được”; “An cư mới lạc nghiệp, nơi nào có ruộng nơi đó có dân cư, không bỏ trống biên giới”, huyện Tây Giang đã xác định công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Việc sắp xếp, bố trí dân cư không những có hiệu quả về kinh tế, xã hội, phòng, chống nguy cơ BĐKH mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, củng cố, giữ vững an ninh biên giới quốc gia. Tiêu chí để chọn mặt bằng triển khai san ủi được địa phương thực hiện bài bản theo 5 bước, đảm bảo các yếu tố về phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào địa phương.

“Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất đai, hoa màu, di dời nhà cửa, vật kiến trúc trong phạm vi san ủi. Nhà nước đền bù, hỗ trợ một phần đối với đất ruộng, ao cá bị ảnh hưởng. Đồng thời, huyện tổng hợp những đóng góp của nhân dân để ghi vào “Sổ vàng” của thôn, xã, hằng năm vào Ngày hội đoàn kết toàn dân (18/11) sẽ biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể và cá nhân tham gia hiến đất đai, hoa màu để xây dựng các công trình phúc lợi, nhất là trong việc san ủi mặt bằng bố trí dân cư tập trung”, ông Mia cho biết thêm.

Theo ông Mia, nếu trước đây, hầu hết người dân của huyện Tây Giang sống rải rác ven sông, suối, các đồi núi dễ bị lũ quét, sạt lở, du canh, du cư là chủ yếu thì đến nay toàn huyện đã san ủi được 130 mặt bằng từ các chương trình đầu tư phát triển, với tổng diện tích gần 400ha, bố trí cho hơn 5.400 hộ dân cư có đất ở ổn định lâu dài gần khu sản xuất, chăn nuôi; giúp phòng, chống thiên tai hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân. Đây có thể xem là bước đột phá quan trọng trong quá trình phát triển của huyện Tây Giang.

Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo số lượng theo quy định và tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, huyện Tây Giang tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện và công bố Quy hoạch chung xã giai đoạn đến năm 2030; xây dựng các chiến lược phát triển liên xã, liên vùng; xây dựng, hoàn thiện quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, kế hoạch trung hạn và hằng năm có tầm nhìn, có chất lượng, gắn với tình hình thực tiễn tại mỗi ngành, địa phương. Trên cơ sở đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sắp xếp và ổn định dân cư, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, từ đó tạo động lực, điều kiện thuận lợi để nhân dân an cư, phát triển kinh tế gia đình, thích ứng với BĐKH.

Theo lãnh đạo huyện Tây Giang, tiêu chí để chọn mặt bằng triển khai san ủi được địa phương thực hiện theo 5 bước. Cụ thể, bước thứ nhất là vị trí được chọn nơi lập làng mới phải đảm bảo an toàn, do nhân dân chọn thông qua việc tổ chức họp xin ý kiến của các già làng, người có kinh nghiệm trong thôn; chọn những đồi núi có độ dốc ít, hình bát úp, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt. Thứ hai, nơi đặt làng mới phải phù hợp với văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất khu vực biên giới, có quỹ đất để dựng nhà sinh hoạt cộng đồng (Gươl) và các thiết chế văn hóa như phòng học mầm non, sân thể thao,... Thứ ba, làng mới phải gần khu sản xuất, chăn nuôi được quy hoạch tập trung, từng bước chấm dứt tình trạng thả rông gia súc trong khu dân cư, tránh dịch bệnh. Thứ tư, đầu tư cho việc san ủi ban đầu tuy lớn nhưng sẽ tạo được mặt bằng rộng cho việc đầu tư các công trình dân sinh cần thiết trong khu dân cư, phát huy hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách Nhà nước. Thứ năm, ưu tiên đầu tư đối với những thôn, xã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, dân đồng thuận hưởng ứng, từ đó tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng của các thôn khác.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/diem-sang-trong-sap-xep-dan-cu-thich-ung-bien-doi-khi-hau-tai-bien-gioi-cua-quang-nam-i768731/