Nhiều sở ngành sẽ rời tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng sau sáp nhập với Quảng Nam
Sau sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng sẽ là nơi làm việc của 5 đơn vị.

Nhiều sở ngành sẽ rời tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng sau sáp nhập với Quảng Nam
Nhiều sở ngành sẽ rời Trung tâm hành chính
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa đã ký văn bản gửi Đảng ủy UBND thành phố về phương án bố trí trụ sở và nhà ở công vụ sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Theo đó, dự kiến sau khi sáp nhập Đà Nẵng với Quảng Nam, tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng (địa chỉ số 24 Trần Phú, là nơi làm việc tập trung của các Sở thuộc UBND thành phố Đà Nẵng) sẽ bố trí văn phòng làm việc cho Văn phòng UBND thành phố và 4 đơn vị là Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ.
Các sở còn lại sẽ được bố trí về trụ sở Trung tâm hành chính các quận, huyện.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ được bố trí về trụ sở của Trung tâm hành chính quận Sơn Trà; Thanh tra TP Đà Nẵng và Quảng Nam cùng Sở Dân tộc và Tôn giáo sẽ chuyển về Trung tâm hành chính quận Cẩm Lệ; Sở Công Thương dự kiến sử dụng trụ sở hiện tại của Quận ủy Cẩm Lệ làm trụ sở làm việc.
Sở Y tế sẽ đặt tại số 6 Trần Quý Cáp; Sở Ngoại vụ sử dụng địa điểm số 106 Hoàng Văn Thụ của Trung tâm phát triển quỹ đất; Ban Tiếp công dân sẽ dời về số 180 Hoàng Diệu hoặc số 88 Đống Đa.
Sở Tư pháp sẽ được bố trí làm việc tại trụ sở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê); Ban Quản lý an toàn thực phẩm sử dụng trụ sở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn).
Đối với các cơ quan Đảng thành phố sẽ được phân bố về các vị trí mới. Theo đó, Văn phòng Thành ủy có trụ sở tại số 72 Bạch Đằng; Ban Tổ chức Thành ủy có trụ sở tại số 98 và 100 Lê Lợi; Đảng ủy các cơ quan Đảng có trụ sở tại số 47 Xô Viết Nghệ Tĩnh; Đảng ủy UBND thành phố tại số 18 Phan Đình Phùng;
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tại số 102 Lê Lợi và số 03 Lê Lai; Ban Nội chính Thành ủy tại số 295 Nguyễn Chí Thanh và 54A Lê Hồng Phong; Báo Đà Nẵng có trụ sở tại số 525 Trần Hưng Đạo (sửa chữa) và tạm thời tại 33 Lê Lợi; Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy có 2 phương án gồm đặt trụ sở tại số 71 Xuân Thủy hoặc dùng chung trụ sở với Báo Đà Nẵng; Trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.Đà Nẵng có 2 cơ sở ở số 32 và 12 Bạch Đằng.
Kho lưu trữ lịch sử Thành ủy tại số 59 Xô Viết Nghệ Tĩnh; Trường Chính trị thành phố hoạt động tại 48 Hồ Nghinh (Đà Nẵng) và 18 Lam Sơn (Tam Kỳ); Văn phòng Thành ủy đề nghị bố trí trụ sở làm việc tại số 24 Nguyễn Chí Thanh, TP Tam Kỳ, để bố trí các bộ phận ở lại công tác và phục vụ công tác chỉnh lý, số hóa tài liệu.
Bên cạnh đó, Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu sẽ là nơi làm việc của phường Hòa Khánh, phần diện tích còn lại dự kiến được sử dụng làm Công viên phần mềm số 3. Các ban quản lý dự án hiện hữu tiếp tục hoạt động tại số 48 Võ An Ninh (quận Cẩm Lệ).
Sẽ xem xét khai thác trụ sở dôi dư
Qua rà soát, tổng số cơ sở nhà, đất đang được sử dụng làm trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của hai địa phương hiện có là 4.291 cơ sở, với tổng diện tích đất khoảng 18,8 triệu m² và hơn 6,2 triệu m² diện tích sàn sử dụng.
Riêng tại TP Đà Nẵng có 42 trụ sở cấp phường, xã được đưa vào phương án bố trí lại hoặc tận dụng sử dụng, theo hướng phân tách riêng biệt giữa khối Đảng và chính quyền.

Một số cơ quan sau sáp nhập sẽ có trụ sở ở cả Quảng Nam và Đà Nẵng
UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, sau hợp nhất hai địa phương, sẽ có 145 cơ sở nhà, đất bị dôi dư cần xử lý. UBND TP Đà Nẵng đề xuất giao 90 cơ sở cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà; 55 cơ sở còn lại được đề xuất giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để tiếp tục quản lý và khai thác.
Việc sắp xếp lại trụ sở làm việc và nhà công vụ được xem là bước chuẩn bị quan trọng, nhằm tạo nền tảng cho bộ máy chính quyền mới vận hành hiệu quả, tránh lãng phí và phát huy tối đa công năng các cơ sở vật chất hiện có.