Điểm sáng trong việc đưa người nghiện vào cơ sở cai bắt buộc ở Tiên Phước
Tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Tiên Phước (Quảng Nam) vẫn còn diễn biến phức tạp, số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn huyện còn nhiều, cao nhất so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Xác định được thực trạng này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Tiên Phước đã tập trung đẩy mạnh công tác tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện, trong đó có công tác đề nghị đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Trung tá Trần Chí Cường, Phó Trưởng Công an huyện Tiên Phước cho biết, đến nay trên địa bàn huyện có 50 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, 295 đối tượng nghiện ma túy và 52 đối tượng bị quản lý sau cai nghiện.
Công an huyện Tiên Phước đã chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an các xã, thị trấn kịp thời phát hiện, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng nghiện ma túy.
Từ nỗ lực này mà đầu năm đến nay, Tiên Phước đã lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được 52 đối tượng (vượt chỉ tiêu được giao năm 2023 là 17 đối tượng). Ngoài ra còn vận động 1 đối tượng nghiện tự nguyện đăng ký cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.
"Để công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng nghiện ma túy đạt hiệu quả, lãnh đạo Công an huyện đã giao chỉ tiêu đưa đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho Công an các xã, thị trấn ngay từ đầu năm; đồng thời chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ cho Công an các xã, thị trấn để thực hiện chỉ tiêu này. Sau khi giao chỉ tiêu, thông qua các cuộc họp giao ban hằng tháng, lãnh đạo Công an huyện thường xuyên kiểm tra, tuyên đương các đơn vị tốt, đồng thời đôn đốc, nhắc nhở những đơn vị thực hiện chưa đạt chỉ tiêu, khuyến khích các đơn vị thực hiện vượt 100% chỉ tiêu được giao", Trung tá Trần Chí Cường cho biết.
Ngoài ra, Công an xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện thường xuyên công tác nắm tình hình, đẩy mạnh phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở để giám sát thường xuyên các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện trên địa bàn, kịp thời phát hiện đối tượng vi phạm để lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc.
“Việc xác định tình trạng nghiện phục vụ công tác lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được Công an huyện phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Trước ngày 2/3/2023, Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước chưa thể xác định tình trạng nghiện thì Công an huyện chở đối tượng cần xác định tình trạng nghiện đến các cơ sở y tế tại TP Tam Kỳ để nhờ xác định tình trạng nghiện. Đến nay, Công an huyện phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước trong việc đưa người đến Trung tâm Y tế huyện để xác định tình trạng nghiện, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình xác định tình trạng nghiện ma túy của đối tượng”, Trung tá Trần Chí Cường thông tin thêm.
Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Công an huyện Tiên Phước đã phối hợp chặt chế với Phòng LĐ-TB&XH huyện, UBND cấp xã, TAND huyện Tiên Phước, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Nam đảm bảo đúng thủ tục, hồ sơ và quy trình, không có trường hợp nào hồ sơ không đảm bảo dẫn đến tòa án không ra quyết định được.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện trong thời gian đến, Trung tá Trần Chí Cường cho biết, Công an huyện Tiên Phước tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể đối với công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, tội phạm về ma túy; huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống ma túy (PCMT), không xem công tác PCMT chỉ là nhiệm vụ của ngành Công an.
Bên cạnh đó, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy PCMT, nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn ma túy ở các cấp, đặc biệt là cấp xã, thị trấn; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
“Công an huyện tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy, trong đó có công tác rà soát, lên danh sách các đối tượng nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy, phát hiện, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã, thị trấn trong công tác PCMT ngay từ cơ sở, nhất là công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện phù hợp”, Trung tá Trần Chí Cường nhấn mạnh.