Điểm sáng từ mô hình chuyển đổi quản lý chợ nhà nước sang doanh nghiệp

BHG - Sau hơn 5 năm hoạt động theo mô hình chuyển đổi từ quản lý nhà nước sang doanh nghiệp, chợ Cốc Pài tại huyện Xín Mần đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, minh chứng cho sự hiệu quả của phương thức quản lý mới.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ nhà nước sang doanh nghiệp, với sự điều hành của Công ty TNHH - Tổng Công ty Gia Long, đã mang lại diện mạo mới cho chợ Cốc Pài. Mô hình này giúp nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, đảm bảo các tiêu chuẩn về tổ chức không gian buôn bán, vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ. Nhờ sự quản lý chặt chẽ, chợ đã thu hút 346 hộ kinh doanh tham gia, đạt tỷ lệ khai thác diện tích mặt bằng lên đến 90%.

Mô hình chuyển đổi quản lý chợ ghi nhận nhiều kết quả tích cực, minh chứng cho sự hiệu quả của phương thức quản lý mới.

Mô hình chuyển đổi quản lý chợ ghi nhận nhiều kết quả tích cực, minh chứng cho sự hiệu quả của phương thức quản lý mới.

Bà N.T.T là một trong 346 hộ kinh doanh tại chia sẻ: Tôi gắn bó với chợ Cốc Pài từ năm 1994 đến nay. Trước đây chưa chuyển đổi cho doanh nghiệp quản lý thì việc bán hàng ở chợ rất xô bồ và lộn xộn, cùng với đó là cơ sở hạ tầng cũng không được khang trang như hiện nay. Từ khi việc quản lý, khai thác chợ do Công ty TNHH - Tổng công ty Gia Long thực hiện tôi thấy các gian hàng hoạt động đi vào nề nếp, khoa học, ngăn nắp hơn; công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự đảm bảo; các cán bộ ban quản lý chợ Công ty thường xuyên trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với các tiểu thương. Đặc biệt tại khu vực chợ này việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy rất yên tâm vì cả khu vực chợ có trang bị 12 vòi phun nước công suất lớn, nên chúng tôi rất yên tâm khi kinh doanh tại khu vực chợ này”.

Dưới sự quản lý của doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tại chợ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động buôn bán. Quy trình tổ chức, sắp xếp ngành hàng hợp lý giúp giao thương trở nên thuận lợi và trật tự hơn. Các dịch vụ như bãi giữ xe, vệ sinh công cộng được cải thiện rõ rệt, tạo sự hài lòng cho cả người bán và người mua. Hơn nữa, các hộ kinh doanh chấp hành tốt các chính sách pháp luật, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế, đồng thời duy trì nét văn hóa giao thương truyền thống.

 Khách hàng mua sắm tại Chợ Cốc Pài

Khách hàng mua sắm tại Chợ Cốc Pài

Điều đáng chú ý, mô hình chuyển đổi này còn giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, khi doanh nghiệp tự chủ trong quản lý và đầu tư. Nguồn thu từ phí quản lý chợ được sử dụng hiệu quả để duy trì và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng hoạt động của chợ mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của huyện Xín Mần.

Trưởng Ban quản lý chợ Nguyễn Thị Lan Dung cho biết: Tuy nhiên, việc quản lý chợ cũng đặt ra một số thách thức như: Do đặc thù địa bàn vùng cao, chợ Cốc Pài vẫn chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa, chưa phát triển giao thương liên tỉnh. Ngoài ra, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh ngoài chợ chính, như các chợ cóc, vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ban quản lý chợ và chính quyền địa phương.

Dù vậy, hiệu quả của mô hình quản lý doanh nghiệp đã thể hiện rõ rệt trong việc nâng cao năng suất, cải thiện dịch vụ và xây dựng môi trường kinh doanh văn minh. Chợ Cốc Pài, với vai trò là trung tâm kinh tế quan trọng của huyện Xín Mần, là minh chứng rõ nét cho tiềm năng của mô hình chuyển đổi này, mở ra hướng đi mới trong việc quản lý và khai thác chợ tại các địa phương khác.

Bài, ảnh: Hồng Cừ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202412/diem-sang-tu-mo-hinh-chuyen-doi-quan-ly-cho-nha-nuoc-sang-doanh-nghiep-1f832c3/