Điểm sáng xóa nhà tạm, nhà dột nát ở tỉnh Thái Bình
Bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn trên tinh thần sẻ chia, yêu thương và đùm bọc những gia đình yếu thế, chính quyền thành phố Thái Bình có việc làm, hành động cụ thể, hiệu quả để xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chủ trương chung của Trung ương và của tỉnh.

Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát ở thành phố Thái Bình lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Bà Hà Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình chia sẻ: “Ngay khi có chủ trương của tỉnh, từ tháng 11/2024 thành phố đã chỉ đạo 19/19 phường, xã thành lập Ban thực hiện và tổ chức triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Từ đây đã trở thành phong trào sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ một chủ trương lớn, rất nhân văn của Trung ương, của tỉnh Thái Bình”.
Đến nay, thành phố Thái Bình đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo các phòng, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, xác định nhà ở của toàn bộ hộ nghèo, cận nghèo tại tất cả phường, xã. Từ đó có kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết và chính xác để bắt tay ngay vào việc khởi công các công trình cho người yếu thế trên địa bàn.

Nhà bà Phạm Thị Gái ở Tổ 10, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) đã xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh chụp trước khi được xây mới)
Bằng sự vận dụng linh hoạt nguồn vốn hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình kết hợp với việc xã hội hóa, thành phố nhanh chóng tiến hành cải tạo và xây mới các ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo đã quá xuống cấp, mất an toàn cho người dân theo đúng tiêu chí quy định.
Toàn thành phố có 25 nhà trong diện được hưởng chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Quyết định số 1850 ngày 6/11/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đến nay, đã có 18 nhà đã khởi công xây dựng (14 nhà xây mới, 4 nhà cải tạo, sửa chữa). Điều đáng nói, ngay trước Tết nguyên đán vừa qua 10 căn nhà đã được hoàn thành và bàn giao cho các gia đình vui Tết đón Xuân.

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, có 10 ngôi nhà dột nát, xuống cấp được thành phố đưa vào sử dụng.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Thái Bình, có 16/18 nhà đã được hỗ trợ 60% kinh phí giai đoạn 1. Riêng đối với 7 nhà có tên trong danh sách phê duyệt Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát (5 nhà xây mới, 2 nhà sửa chữa), con cháu và họ hàng đã chủ động tu sửa bảo đảm an toàn theo tinh thần 3 cứng: Cứng nền, cứng tường và cứng mái, đồng thời không nhận kinh phí hỗ trợ để san sẻ nguồn lực cho các gia đình khó khăn hơn.
Trao đổi với Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Văn Thu (sinh năm 1950) ở Tổ 3, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) tâm sự: Cán bộ phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đến gặp gỡ, tuyên truyền cho gia đình về chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Vợ chồng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước cũng như tỉnh Thái Bình đã quan tâm, tuy nhiên chúng tôi thống nhất không nhận hỗ trợ mà sẽ huy động con cái để cải tạo, sửa chữa lại ngôi nhà cho kiên cố, an toàn theo đúng quy định.

Nhà bà Bùi Thị Sửu ở xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình được khánh thành, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí 270 triệu đồng.
Theo Đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đối với nhà xây mới được hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà ở được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai xây dựng, cải tạo, bản thân họ hàng, con cháu và bà con lối xóm chung tay góp công, góp của, vì vậy nhiều ngôi nhà hoàn thiện với kinh phí khá lớn.
Điển hình như nhà bà Bùi Thị Lê, hộ cận nghèo ở Tổ 3, phường Hoàng Diệu xây dựng hết 200 triệu đồng; bà Bùi Thị Sửu ở xã Đông Thọ là hộ cận nghèo hoàn thiện ngôi nhà với kinh phí khoảng 270 triệu đồng. Còn ngôi nhà của bà Phạm Thị Hợi, một hộ cận nghèo thuộc xã Vũ Chính xây mới rộng 47 m2, đổ mái bằng với tổng kinh phí lên đến 370 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình Đinh Gia Dũng cho biết: “Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Đảng, Nhà nước mang tính nhân văn, đi đúng hướng, đúng thời điểm và lan tỏa những điều tốt đẹp đến mọi người dân. Việc ban hành cơ chế hỗ trợ của tỉnh là cú hích quan trọng để phong trào phát triển bền vững, sâu rộng. Thực tế ở thành phố Thái Bình, việc triển khai rất nhanh, hiệu quả là do các cấp, các ngành tích cực vận động, tuyên truyền nên một chủ trương lớn đã đi vào cuộc sống”.

Việc tuyên truyền, vận động kết hợp khảo sát từng địa bàn, từng ngôi nhà có ý nghĩa quyết định đem đến thành công cho Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở thành phố Thái Bình.
Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Thái Bình khẳng định, với tiến độ triển khai khẩn trương và thuận lợi như hiện nay, đến hết tháng 3/2025 thành phố Thái Bình hoàn thành xong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây sẽ là địa phương đầu tiên của tỉnh “về đích” sớm trong triển khai một chương trình có ý nghĩa, đong đầy yêu thương, sự sẻ chia với những người yếu thế ngay thềm năm mới Ất Tỵ 2025.