Điểm số không phải là tất cả - Khi thầy cô giáo là nhạc trưởng

Thầy cô và các học trò đang bước vào năm học mới với một tâm thế mới. Làm thế nào để ngôi trường thật sự hạnh phúc, các trò có thể đánh thức hết tiềm năng và sáng tạo của mình và các thầy giáo cô giáo cũng thực sự hết lòng hết sức với sự nghiệp giáo dục của mình. Câu hỏi ấy có thể có nhiều đáp án. Song, có thầy giỏi mới thật sự kiến tạo môi trường để học trò phát huy tối đa tài năng của mình. Cuốn sách: 'Điểm số không phải là tất cả' của nhóm tác giả Chu Chính Minh và Lý Thừa Vận đã truyền một cảm hứng tích cực và đầy hứng khởi cho tất cả chúng ta khi bước vào năm học mới bản lề này.

Chu Chính Minh sinh ra trong một gia đình nghèo. Từ nhỏ tác giả đã mơ ước trở thành một nhà Vật lí học. Nhưng sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lí, Đại học sư phạm Quốc gia Đài Loan, ông lại bước chân vào con đường giảng dạy.

Trong sự nghiệp dạy học của mình, ngoài công tác ở trường Kiến Quốc, tác giả chỉ giảng dạy ở một trường cấp hai duy nhất một năm. Một năm ấy đủ để khiến ông trân quý quãng thời gian 20 năm làm việc tại một ngôi trường lựa chọn nhân tài - Trung học phổ thông Kiến Quốc. Trong tất cả các vai trò, dù là giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm hay trưởng ban giáo vụ, ông đều đạt được nhiều thành tựu và có những cống hiến đáng tự hào.

Thầy Chu Chính Minh đã cống hiến cho ngành giáo dục hơn hai mươi năm. Trong quãng thời gian này, làn sóng cải cách giáo dục không ngừng đổ bộ, người làm công tác giáo dục đứng ở tuyến đầu quả thực đã gặp muôn vàn khó khăn, nhưng thầy vẫn có thể dẫn dắt hai mươi bảy học sinh của lớp tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào đại học, trong đó có 10 học sinh đạt tuyệt đối 75 điểm.

Thầy Chu Chính Minh là ai?

Trong buổi họp phụ huynh lớp đầu tiên, thầy đã nói những câu rất thấm thía: “Tôi mong rằng các bậc phụ huynh sẽ không vì bài tập hay con cái mình không tốt mà tìm tới tôi, còn những việc khác, hoan nghênh các vị tới trao đổi với giáo viên”.

Theo cảm nhận của rất nhiều phụ huynh của chính lớp học ấy. Trong ba năm dẫn dắt, thái độ của thầy Chu trước sau như một. Đứng trước gần ba mươi học sinh với ba mươi tính cách khác nhau, thầy không quá ân cần như bảo mẫu, không bám riết như vệ sĩ, mà đúng hơn thầy như một nghệ sĩ dương cầm. Thầy có thể khiến mỗi phím nhạc phát ra âm thanh đúng lúc, từ đó hợp thành một bản nhạc hoàn mĩ. Thầy tập hợp quy định của trường học, đạo đức tình người thành một vòng tròn lớn. Trong vòng tròn này, học sinh có thể thỏa thuê rong ruổi, tùy ý phát huy, sẽ không phải chịu bất cứ sự hạn chế, ràng buộc nào. Nếu học sinh ra sát rìa, thầy thường xuất hiện đúng lúc, dẫn dắt học sinh trở lại trung tâm vòng tròn. Thầy dẫn dắt học sinh thật nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng lại khiến sức mạnh tiềm ẩn với khí thế mạnh mẽ của học sinh được phát huy.

Còn khi được thông báo về thành tích xuất sắc giành được số điểm tuyệt đối trong kỳ thi đánh giá năng lực vào đại học của 10 học sinh trong lớp, thầy Chu vẫn điềm đạm nói: “Đây là kết quả của thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Học sinh thì họ nói sao về lớp học này? Lớp học là ngôi nhà thứ hai, bạn bè là anh em ruột của em, thầy cô là phụ huynh của lớp học, dìu dắt chúng em trưởng thành. Thầy cô là nguồn sức mạnh. Thầy cô chỉ nhắc nhở chứ không can thiệp, nắm bắt nguyên tắc lớn. Bởi vì thầy cho chúng em không gian để chúng em tự do bay lượn. Chính “thầy cô tạo ra màn pháo hoa rực rỡ thuộc về riêng chúng em”.

Câu chuyện truyền cảm hứng về thầy Chu rất nhiều, song có lẽ cảm xúc với tôi dừng lại ở trang sách. Chả là, học trò của thầy có cuộc thi hợp xướng nhưng lại chểnh mảng. Nguyên nhân ở đâu? Là do thầy vô tình nói: đối với âm nhạc, chỉ cần khi biểu diễn các em không đốt pháo hoa là được. Các trò vô tư hiểu nhầm ý thầy, rốt cuộc là trò không tham gia nhiệt tình. Thầy giáo đã tự kiểm điểm lại mình và đã đưa ra yêu cầu lớp luyện tập hợp xướng, gây áp lực về thời gian để trò ôn luyện. Khi lớp vào chung kết và đạt giải ba, cả lớp hò reo mừng rỡ. Chính trải nghiệm này khiến các trò có một tâm thế khác tích cực hơn với các hoạt động tập thể. Sự thành công ấy chính là bởi thầy giáo có một tâm niệm tích cực: công việc trong xã hội luôn coi trọng hợp tác đoàn thể. Qua đó, trò có thể bồi dưỡng tình bằng hữu sâu đậm. Một cộng một chắc chắn sẽ lớn hơn hai là vì lẽ đó.

Rõ ràng, chúng ta luôn mơ về một ngôi trường hạnh phúc. Nhưng dường như chúng ta quên mất rằng ai là người có tầm ảnh hưởng đến các con, các trò nhất. Vâng, không ai khác chính là những người thầy giáo, cô giáo. Năm học này, một tín hiệu đáng mừng là rất nhiều sĩ tử có điểm số cao lựa chọn đại học sư phạm để đầu quân. Song, từ sự lựa chọn đến hành trình trở thành một người thầy mẫu mực, mô phạm tất cả vì sự nghiệp thân yêu giáo dục trồng người còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Và, trong muôn vàn yếu tố còn chưa nói trước đó, chúng ta vẫn luôn đặt niềm tin nhất quán: ở đâu có những người thầy chân chính, giỏi giang và nhiệt huyết, từ tâm ở đó những hạt giống sẽ có những điều kiện để nảy mầm tốt nhất. Chắc chắn là thế!.

Sách phù hợp với học sinh, phụ huynh, với tất cả các phụ huynh và với những ai dành tình yêu cho giáo dục!.

Nguyễn Hường (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-so-khong-phai-la-tat-ca-nbsp-khi-thay-co-giao-la-nhac-truong-32749.htm