Cuộc sống của thầy trò bán trú vùng tâm chấn động đất

Trường Tiểu học và THCS Đăk Tăng nằm trong khu vực khó khăn của huyện Kon Plông (Kon Tum). Học sinh không chỉ phải quen với các đoạn đèo quanh co, trắc trở mà còn những đêm sống chung với động đất.

 Trường Tiểu học và THCS Đăk Tăng nằm ngay trong vùng tâm chấn động đất.

Trường Tiểu học và THCS Đăk Tăng nằm ngay trong vùng tâm chấn động đất.

Trường Tiểu học và THCS Đăk Tăng có tổng cộng 517 học sinh, trong đó trên 98% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì đường sá tại đây đi lại khó khăn, trắc trở, trường đã mở thêm các lớp bán trú cho học sinh trong năm học mới.

Khi thầy giáo là mẹ

Cô Nguyễn Thị Linh Phương (24 tuổi, trú Đăk La, huyện Đăk Hà, Kon Tum), giáo viên chủ nhiệm 3A, cho biết các em bán trú trong trường thường là học sinh lớp 3 trở lên và nhà xa không thể trở về trong ngày.

Đối với các học sinh nhỏ mới ở bán trú, khoảng thời gian 2 tuần đầu tiên rất vất vả đối với các thầy cô giáo vì các em còn bỡ ngỡ nên phải hướng dẫn đủ đường.

"Thầy cô phải hướng dẫn cho các em các kỹ năng cơ bản như vệ sinh, tắm rửa, gấp chăn màn, rửa chén... Đặc biệt vào buổi sáng, tôi phải gọi các em thức dậy sớm, tập thể dục và soạn sách vở trước khi vào lớp. Phần lớn các em còn quá nhỏ, quen với giờ giấc ở nhà nên không thể tự lập như các anh chị khóa trên", cô Phương chia sẻ.

Thầy A Nhưng (40 tuổi, trú thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng), quản lý khu tập thể nội trú của trường, cho biết hiện tại, trường có khoảng 166 học sinh ở lại bán trú.

Đa số em ở đây đều là người dân tộc thiểu số, gia đình không có điều kiện kinh tế nên thầy cô như người thân chăm lo mọi vấn đề từ sinh hoạt, học tập cho đến kêu gọi tài trợ.

“Nhiều đêm, các học sinh ốm đau đều tìm tới tôi. Nếu bệnh nhẹ, tôi cho uống thuốc trong phòng y tế trường, còn nặng hơn phải chở xuống trạm xá. Thầy cô trong trường như người cha, người mẹ đỡ đầu cho các em. Mặc dù điều kiện của trường còn nhiều khó khăn, các thầy cô bán trú luôn tâm huyết với nghề, cố gắng giúp đỡ các học sinh”, thầy Nhưng cho biết thêm.

 Em Như Ý đang hướng dẫn cách gấp chăn cho học sinh mới vào trường.

Em Như Ý đang hướng dẫn cách gấp chăn cho học sinh mới vào trường.

Em Y Như Ý (lớp 5A) chia sẻ: "Thầy cô rất yêu thương, chăm lo cuộc sống, học tập cho chúng em. Để giúp san sẻ công việc cho thầy cô, chúng em hướng dẫn thêm cho các em nhỏ hơn cách gấp chăn màn, rửa chén bát, vệ sinh cá nhân".

Hiện tại, trường có khoảng 27 phòng ngủ cho học sinh, 10 phòng cho giáo viên bán trú. Vì nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn và nhà xa trường, các học sinh đều được hưởng chế độ bán trú.

Em Nguyễn Thị Bảo Ngọc (lớp 3A) bày tỏ: “Cơm trong trường rất ngon, mỗi bữa em được ăn nhiều món như cá, thịt, rau, củ... Ở nhà, em chỉ được ăn ít thịt, nhưng trong trường được ăn no, đầy đủ. Em thích đến trường vì có bạn bè, thầy cô luôn quan tâm, thương yêu".

Hoảng sợ trong đêm vì rung chấn

Cách trung tâm huyện lỵ khoảng 32 km, xã Đăk Tăng được xem là vùng tâm chấn của động đất. Việc rung lắc diễn ra bất kỳ lúc nào đã trở thành thói quen của các hộ dân và học sinh nơi đây.

Đơn cử như trong buổi khai giảng của trường Tiểu học và THCS Đăk Tăng, sau khi thầy hiệu phó đánh tiếng trống chào đón năm học mới, toàn bộ học sinh đã có một vài giây hoảng loạn sau khi cảm nhận rung lắc từ trận động đất có độ lớn là 3.6.

 Các học sinh được hướng dẫn cách ứng phó khi động đất xảy ra.

Các học sinh được hướng dẫn cách ứng phó khi động đất xảy ra.

Em Y Hà Giang (lớp 8A, trú thôn Đăk Pro, xã Đăk Tăng) cho biết trong khoảng 3 năm qua, em đã dần quen với động đất. Tuy nhiên, nhiều đêm rung lắc mạnh khiến em rất hoảng sợ. Vì nhà xa, em ở lại bán trú ngay tại trường. Em cùng các bạn được nhà trường hướng dẫn các kỹ năng phòng chống, bảo vệ bản thân trước động đất nhưng vẫn rất lo lắng.

“Có lần, em đang ngủ thì cảm nhận động đất mạnh nên bất thình lình bật dậy. Các bạn trong phòng hô toáng lên rồi chạy thẳng ra sân trường. Trận động đất hôm đó rung lắc khoảng gần 1 phút nên chúng em rất bất an, lo sợ”, em Giang nói thêm.

Tương tự, em Nguyễn Bỉnh Khiêm (lớp 8A) chia sẻ các em ở đây đều phải tập làm quen với động đất. Trên lớp, em được học thêm nhiều kiến thức về để bảo vệ bản thân như chui xuống gầm bàn, chạy ra khỏi nhà hay trốn vào góc tường khi có động đất xảy ra. Thế nhưng, em vẫn sợ nhất động đất vào ban đêm, khi ngủ say không biết ứng phó như thế nào.

Theo ông Phan Văn Nam, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS Đăk Tăng, thông qua môn học hoạt động trải nghiệm, nhà trường đã tuyên truyền, lồng ghép thêm các kiến thức cho học sinh để ứng phó với động đất, sạt lở và bão lũ.

Theo đó, nếu như động đất xảy ra vào buổi tối, khi đang ngủ, các em phải lập tức leo xuống giường, ẩn nấp dưới gầm giường, tránh xa các cửa sổ và cửa ra vào. Trong trường hợp mái nhà bị sập hoặc đồ đạc rơi xuống, các em sẽ không bị chấn thương nặng.

Khi động đất xảy ra, các em cũng được dạy không được trú ẩn ở chỗ tạm bợ, phải chạy đến khu vực trống, tránh xa cây cối và trụ điện…

“Thông qua các tiết học, các em có thêm kiến thức bổ ích, nâng cao khả năng phản xạ khi phải sống trong vùng tâm chấn động đất. Đầu năm học mới, nhà trường sẽ triển khai thêm nhiều tình huống giả định động đất cho các em học sinh tham gia” thầy Nam bày tỏ.

Thầy Nguyễn Thanh Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, cho biết động đất là loại hình thiên tai khó dự báo và có thể gây ra thiệt hại khó lường.

Vì vậy, ngay khi bước vào năm học mới 2024-2025, ngành giáo dục huyện đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trang bị kỹ năng ứng phó với động đất cho 29 trường học trên địa bàn. Các em học sinh sẽ được cung cấp thêm nhiều kiến thức bảo vệ bản thân, phản xạ nhanh khi có rung chấn.

Nguyên Lê / Tiền Phong

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuoc-song-cua-thay-tro-ban-tru-vung-tam-chan-dong-dat-post1497961.html