Điểm tên 6 địa phương đạt tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm
Trong số 34 tỉnh, thành phố mới, có 6 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế đạt hai con số trong 6 tháng đầu năm gồm: Quảng Ngãi (11,51%), Hải Phòng (11,2%), Quảng Ninh (11,03%), Ninh Bình (10,82%), Bắc Ninh (10,47%) và Phú Thọ (10,09%).
Cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và nửa đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tình hình kinh tế xã hội nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà hoàn thành thắng lợi các mục tiêu năm 2025.
Trong đó, nổi bật là tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, tính chung 6 tháng cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua. Ước tính sớm vào cuối tháng 5, GDP quý 2 đạt khoảng 7,7%, 6 tháng tăng 7,3%. Cập nhật số liệu đến nay, GDP 6 tháng có thể tăng thêm 0,2-0,3%, tiệm cận mục tiêu đã đề ra.

Tỉnh Quảng Ngãi.
Cả 3 khu vực nông nghiệp; công nghiệp, xây dựng; dịch vụ đều tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tháng tăng 9,3%.
Đặc biệt, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt. Tính theo 63 tỉnh, thành phố cũ, Tp.HCM tăng 7,82%, Hà Nội tăng 7,63% và 10 địa phương tăng trưởng 2 con số (gồm Bắc Giang tăng 14,01%, Quảng Ngãi 12,4%, Nam Định 11,84%, Đà Nẵng 11,7%, Hải Dương 11,59%, Hà Nam 11,09%, Hải Phòng 11,04%, Quảng Ninh 11,03%, Phú Thọ 10,33%, Vĩnh Phúc 10,07%).
Tính theo 34 tỉnh, thành phố mới, có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số (Quảng Ngãi tăng 11,51%, Hải Phòng 11,2%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47%, Phú Thọ 10,09%).
Theo Bộ trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%. Xuất nhập khẩu tháng 6 đạt gần 76,15 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đạt trên 432 tỷ USD, tăng 16,1%, xuất siêu 7,63 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng trên 1,33 triệu tỷ, đạt 67,7% dự toán năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều giới hạn quy định.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1 tăng 8,3%, quý 2 tăng 10,5%, 6 tháng tăng 9,8%. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6 đạt 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ 4,26%. Thu hút FDI 6 tháng đạt 21,5 tỷ USD, tăng 32,5%, cao nhất 15 năm qua; vốn FDI thực hiện tăng 8,1%.
Hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Đưa vào khai thác thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.268 km. Ngày 19/4/2025, đã đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình lớn trên cả nước.
Bộ trưởng cho hay, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Trong tháng 6 có 24.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124.300 hộ, tăng 118,4%. Tính chung 6 tháng có 152.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (127.200 doanh nghiệp).
Khách quốc tế phục hồi mạnh; tháng 6 đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 17,1%; 6 tháng đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7%.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong 6 tháng có 96,5% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; thu nhập bình quân của lao động tăng 10,1%. Liên Hợp Quốc xếp hạng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.
Công tác cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh…
Huyền Châu