Điểm tên những ngân hàng tăng lãi suất 'nóng' cuối năm 2022
Kiểm toán Nhà Nước trong Báo cáo gửi Quốc hội vừa điểm tên nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, thì trong năm 2022 lại tăng mạnh lãi suất so với đầu năm.
Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm còn căng thẳng. Một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, thậm chí cho vay đặc biệt với khối lượng tiền lớn.
Cụ thể, nhiều tổ chức tín dụng có mức lãi suất cho vay bình quân cao và tăng mạnh vào quý IV như:
CBbank lãi suất thời điểm cuối năm 2022 lên tới (9,56%-11,05%/năm), Oceanbank (9,7% - 11,12%/năm), GPbank (10,99% - 12,89%/năm), Kienlongbank (10,57%-13,86%/năm), SCB (11,49%-11,54%/năm), BanVietbank (10,1%-10,98%/năm), VIB (9,84%- 12,45%/năm), Saigonbank (9,76% - 11,16%/năm), NamAbank (10,43% - 12,21%/năm), DongAbank (10,43% - 10,95%/năm), BacAbank (9,91%-11,85%/năm), NCB (11,16%-12,96%/năm).
Theo Kiểm toán Nhà nước, ngoài các nguyên nhân khách quan còn có một phần từ nguyên nhân chủ quan của Ngân hàng nhà nước như: Phản ứng còn chậm dẫn đến điều chỉnh tăng lãi suất còn đột ngột; chức năng thanh tra giám sát của cơ quan thanh tra giám sát còn có điểm yếu kém, chưa phân tích được rủi ro.
Còn với các ngân hàng thương mại, vì mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận, chưa thực sự tiết giảm chi phí cũng như chủ động hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.