Điểm thi đánh giá năng lực thấp, mức xét tuyển đại học có giảm?

Chiều 5-4, ĐH Quốc gia TP.HCM đã chính thức công bố điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 của gần 80.000 thí sinh (TS) dự thi. Kỳ thi diễn ra sáng 27-3 vừa qua tại 17 tỉnh, thành. So với năm 2021, điểm thi năm nay được đánh giá hơi thấp so với các năm trước.

Chỉ 117 thí sinh đạt điểm trên 1.000

Phân tích phổ điểm thi năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết qua phân tích 79.372 bài thi cho thấy điểm trung bình của TS là 646.1 điểm, 117 TS trên 1.000 điểm. TS có điểm thi cao nhất là 1.087 điểm và thấp nhất là 210 điểm, thang điểm 1.200.

So với năm 2021, dù số lượng TS năm nay cao hơn năm trước hơn 10.000 TS nhưng số TS có mức điểm từ 700 điểm trở lên giảm hơn hẳn.

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: TRÍ NHIÊN

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: TRÍ NHIÊN

Cụ thể, năm nay có 25.225 TS có điểm trên 700, trong đó có 1.629 TS có điểm trên 900. Trong khi năm 2021 có hơn 68.000 TS dự thi nhưng có đến hơn 30.000 TS đạt trên 700 điểm và có đến 2.776 em có điểm trên 900.

Về vấn đề này, ông Chính nhận định: “Phân bố điểm thi ĐGNL của đợt 1 năm nay hơi lệch về bên trái, thể hiện kết quả thi hơi thấp hơn so với các năm trước. Điều này có thể do nhóm TS năm 2022 bị ảnh hưởng bởi tiến độ học tập chậm hơn các năm trước và bởi quá trình học online kéo dài”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính lưu ý thêm kết quả phân tích độ khó, độ phân biệt của đề thi đợt 1 cho thấy phù hợp với các giá trị theo thiết kế của đề thi, giúp phân loại tốt TS, phù hợp cho mục đích tuyển sinh.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng lưu ý, ĐH này sẽ mở cổng đăng ký dự thi đợt 2 và đăng ký xét tuyển cùng lúc từ ngày 6 đến 25-4. TS có thể tham gia cả hai đợt thi, đợt thi nào cao điểm hơn sẽ dùng xét tuyển ĐH - CĐ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho hay điểm mới đáng chú ý năm nay là TS được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Đặc biệt, TS sẽ được đăng ký bổ sung nguyện vọng xét tuyển và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển sau khi kết quả thi đợt 1 được công bố nhưng chỉ trong khoảng thời gian mở cổng thông tin, tức từ ngày 6 đến 25-4.

Thí sinh lưu ý điểm nhận hồ sơ xét tuyển

Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện tại đã có 86 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển. Trong đó, 62 đơn vị sử dụng cùng hệ thống đăng ký xét tuyển trực tuyến chung với 1.589 ngành học để TS đăng ký nguyện vọng.

Riêng tại ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến dành tối thiểu 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL. Tuy nhiên, nhiều trường thành viên dành chỉ tiêu xét tuyển lớn.

Như Trường ĐH Bách khoa xét tuyển tối đa đến 70% chỉ tiêu trong tổng số hơn 5.000 TS, theo ngành/nhóm ngành. Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng xét tuyển 40%-70% trong tổng chỉ tiêu hơn 3.600, Trường ĐH KHXH&NV xét tuyển 35%-50% trong gần 4.600 chỉ tiêu.

Trường ĐH Công nghệ thông tin năm nay chỉ tuyển 60% chỉ tiêu cho cả xét điểm thi tốt nghiệp THPT và ĐGNL. Tuy nhiên, trường chỉ nhận hồ sơ cho những TS đạt mức điểm từ 600, theo thang điểm 1.200 của bài ĐGNL.

Dựa vào phổ điểm thi năm nay, theo ThS Phùng Quán, chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), dự báo năm nay các trường ĐH sẽ lấy ngưỡng điểm xét tuyển khoảng từ 640 điểm trở lên.

Lý do vì năm nay có số lượng trường dùng kết quả ĐGNL tăng lên đến 86 trường ĐH, CĐ nhưng điểm thi TS lại thấp hơn nhiều so với năm 2021 nên theo ThS Phùng Quán, sẽ giảm 30-50 điểm cho các ngành “hot” như các ngành của nhóm ngành công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, báo chí, truyền thông, tâm lý học, các ngành nhóm ngôn ngữ như ngôn ngữ Anh…

Nhóm ngành này sẽ tuyển các em có điểm từ 851 đến 1.200 điểm (khoảng 4.033 TS).

Điểm thi từ 801 điểm đến 850 điểm có 6.880 TS, giảm nhiều so với năm 2021, cho nên đây là mức điểm chuẩn cho các ngành năm trước có điểm chuẩn trên 850 điểm.

Điểm thi từ 651 điểm đến 800 điểm có 28.589 TS, đây là nhóm điểm các ngành không “hot” tuyển và TS dễ dàng trúng tuyển ở những ngành này.

Tuy nhiên, ThS Quán cũng lưu ý, điểm chuẩn các ngành còn phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của đợt thi lần hai. Do đó, khi ĐH Quốc gia TP.HCM mở cổng đăng ký thi đợt 2, các TS có thể thay đổi, sắp xếp các nguyện vọng cho phù hợp với điểm của mình nhưng phải nhớ nguyên tắc ngành yêu thích nhất, trường yêu thích nhất là nguyện vọng ưu tiên 1.

Đối với các trường ngoài hệ thống và không có trong hệ thống xét tuyển chung của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS cần xem thông tin do các trường công bố để biết cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Đa số các trường này xét tuyển 5%-15% chỉ tiêu theo kết quả ĐGNL. Trong đó có những trường lần đầu tiên sử dụng kết quả này như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xét tuyển với những TS từ 700 điểm trở lên, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhận xét tuyển TS từ 650 điểm trở lên.

Còn với Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngoài yêu cầu TS có điểm sơ tuyển đạt từ 700/1.200 điểm trở lên, TS còn phải có điểm trung bình học tập học kỳ 1 của lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 dự kiến vào ngày 22-5

Dự kiến từ ngày 19-4, giấy chứng nhận kết quả thi sẽ được gửi đến TS qua đường bưu điện (gửi thư bảo đảm) đến địa chỉ liên lạc mà TS đã đăng ký trước đó.

Theo kế hoạch của ĐH Quốc gia TP.HCM, ở đợt 2, thời gian đăng ký thi sẽ từ ngày 6 đến 25-4. Kỳ thi dự kiến tổ chức thi vào ngày 22-5, tức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng một tháng, tại bốn tỉnh/TP là Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và An Giang.

Kết quả thi của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 29-5. Đối với các đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL dự kiến công bố trước ngày 5-6.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giao-duc/diem-thi-danh-gia-nang-luc-thap-muc-xet-tuyen-dai-hoc-co-giam-1052619.html