Điểm thi môn Ngữ văn vào 10 tại TPHCM được dự đoán cao hơn năm trước
Một số giám khảo cho biết, đã có thí sinh đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn.
Ngày 17/6/2024, Hội đồng chấm thi tự luận môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc chấm bài thi.
Theo một số giám khảo, điểm bài thi môn Ngữ văn năm nay có khả năng sẽ cao hơn năm ngoái vì đề mở, nội dung đề thi không đánh đố thí sinh.
Câu 1 (đọc hiểu), nội dung ngữ liệu bàn về tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương và yêu cầu thí sinh trả lời 4 câu hỏi.
Câu 1a nhận biết, hầu hết thí sinh đều đạt 0,5 điểm. Thí sinh cần trả lời được: Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2024 diễn ra trong thời điểm đặc biệt: kỉ niệm 49 năm Thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chủ đề: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.
Câu 1b thông hiểu, thí sinh chỉ ra được thành phần phụ chú: vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là được 0,5 điểm. Tuy vậy, một số ít thí sinh vẫn mất điểm ở câu này vì các em viết sai chính tả "phụ trú"hoặcviết thừa, thiếu thành phần biệt lập.
Câu 1c vận dụng (mức thấp), thí sinh cần trả lời đại ý: Đoạn thơ trong văn bản giúp em hiểu về những người lính ở quần đảo Trường Sa: tuổi đời còn rất trẻ; có tình yêu biển, đảo (hoặc tình yêu Tổ quốc); mạnh mẽ, bản lĩnh vượt qua gian lao, thử thách để bảo vệ chủ quyền của biển, đảo quê hương hoặc có cách diễn đạt tương đương cũng được điểm tuyệt đối (1 điểm).
Phần lớn thí sinh đạt 0,75/1 điểm ở câu hỏi này các em trả lời thiếu ý để bảo vệ chủ quyền của biển, đảo quê hương.
Câu 1d vận dụng (mức thấp), là câu có hỏi có độ mở rất rộng, thí sinh có thể trả lời theo quan điểm cá nhân và lí giải hợp lí thì sẽ được 1 điểm.
Đáp án gợi ý, học sinh cần nêu rõ tên một hoạt động; giải thích cụ thể, rõ ràng để thấy được hoạt động đó đã khơi lên những cảm xúc, tình cảm cụ thể dành cho biển, đảo quê hương ở các bạn trẻ; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Một số học sinh chỉ đạt 0,25 điểm đến 0,5 điểm ở câu hỏi này vì các em nêu hoạt động không rõ ràng và giải thích chưa thuyết phục.
Câu 2 (nghị luận xã hội) yêu cầu thí sinh viết bài văn (khoảng 500 chữ) thể hiện quan điểm, suy nghĩ về lời khuyên: Biết nghĩ bằng con tim.
Hầu hết thí sinh đều giải thích được, đại ý, "con tim" là biểu tượng cho thế giới tinh thần bên trong, cho cảm xúc của con người; nghĩ bằng con tim: suy nghĩ, nhận thức, đánh giá,... về cuộc sống và con người bằng sự thấu hiểu, cảm thông, khoan dung,...
Nhìn chung, thí sinh có 3 hướng làm bài và các em bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về lời khuyên biết nghĩ bằng con tim khá thuyết phục.
Theo đó, hướng thứ nhất đồng ý với lời khuyên (biết nghĩ bằng con tim); hướng thứ hai không đồng ý với lời khuyên; hướng thứ ba đồng ý một phần với lời khuyên.
Một số thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở câu hỏi này (3/3 điểm), đa số các em đạt mức điểm từ 2 điểm đến 2,5 điểm. Đáng chú ý, chưa ghi nhận thí sinh làm bài lạc đề như kì thi ở năm trước.
Câu 3 (nghị luận văn học), đa số thí sinh chọn đề 1 - cảm nhận về nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (4 điểm).
Nhiều thí sinh cảm nhận tốt, có cảm xúc về nhân vật bé Thu trong câu chuyện, vì đây là truyện ngắn đặc sắc trong chương trình Ngữ văn 9, phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh.
Bên cạnh đó, không ít thí sinh bị mất điểm ở phần nghệ thuật, cụ thể, học sinh chưa thể hiện được các nội dung:
Tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ mà nhân vật bé Thu dành cho cha được thể hiện bằng cốt truyện hấp dẫn; việc lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp; nghệ thuật miêu tả tâm lý và nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên; ngôn ngữ mộc mạc, dân dã, gần với khẩu ngữ và đậm màu sắc Nam Bộ;...
Một số ít thí sinh liên hệ với thực tế đời sống hoặc liên hệ với một tác phẩm khác viết về đề tài tình cảm gia đình còn sơ sài, hời hợt. Nghĩa là, các em chưa khẳng định ý nghĩa của tình cảm gia đình nên bị mất điểm ở nội dung này.
Đối với thí sinh chọn đề 2 (4 điểm), viết bài văn phân tích một khổ thơ (hoặc đoạn thơ, bài thơ) và chia sẻ thêm về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên trong em, đa số các em chọn đoạn thơ trong chương trình Ngữ văn 9.
Thí sinh làm đề 2 không tốt bằng đề 1, điểm thi dao động từ 2 đến 2,5, vì việc phân tích thơ khó hơn cảm nhận một nhân vật trong tác phẩm truyện. Cùng với đó, thí sinh vẫn chưa chia sẻ thêm về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khơi lên nên các em cũng bị mất điểm ở nội dung này.
Theo ghi nhận của một số giám khảo, kết thúc chấm thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có thí sinh đạt 9,5 điểm.
Điểm thi dao động khoảng từ 6,5 điểm đến 7,5 điểm. Điểm bài thi môn Ngữ văn năm nay được giám khảo dự đoán sẽ cao hơn năm ngoái.
Được biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh là 98.681 thí sinh. Môn Ngữ văn có 98.418 thí sinh đến dự thi, vắng 263.
Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục các công đoạn ráp phách, so dò kết quả, lên điểm. Dự kiến sáng 20/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố sẽ công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10.