Điểm thi trung bình môn Tiếng Anh 3 năm liên tiếp đều dưới 5

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là công việc trước mắt kết hợp lâu dài và không thể chậm hơn nữa.

Chiều 20/7, tạitọa đàm "Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh",được tổ chức tại TP.HCM, câu chuyện môn thi này có điểm trung bình thấp nhất nhì kỳ thi THPT quốc gia một lần nữa được đề cập.

Học tốt môn Tiếng Anh nhờ trung tâm ngoại ngữ?

Báo cáo tại tọa đàm, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết mỗi năm, bộ đều phân tích kết quả thi THPT quốc gia, trong đó có môn Tiếng Anh, để đánh giá chất lượng giáo dục và có điều chỉnh dạy học, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho phù hợp.

Phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh từ năm 2017 đến 2019 cho thấy điểm trung bình của học sinh cả nước trong 3 năm đều dưới 5. Mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3 đến 3,4.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo tại tọa đàm "Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh". Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo tại tọa đàm "Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh". Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Kết quả thi này có sự phân hóa theo vùng miền. Những địa phương khó khăn thuộc vùng núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long như Hà Giang, Sơn La, Hậu Giang, nhiều năm xếp cuối về điểm trung bình.

Những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đứng đầu. Điểm trung bình của TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu đều từ 5-6, cao hơn mức chung của cả nước. Tỷ lệ điểm dưới trung bình, điểm từ 8 trở lên, cũng có sự phân hóa theo địa phương.

Nhìn nhận phổ điểm thi THPT quốc gia từ góc độ hệ đào tạo, ông Đặng Hiệp Giang, chuyên viên môn Tiếng Anh, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết hiện nay tồn tại hai hệ chương trình đào tạo ngoại ngữ ở bậc phổ thông, là hệ 7 năm (từ lớp 6) và 10 năm (từ lớp 3).

Hệ 10 năm chủ yếu được triển khai ở những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển. Qua thống kê và đánh giá, học sinh hệ 10 năm có chất lượng tốt hơn hệ 7 năm.

TP.HCM là địa phương có điểm trung bình thi Tiếng Anh cao nhất nước trong 3 năm, đồng thời luôn đứng đầu về tỷ lệ thí sinh có điểm từ 8 trở lên. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin chất lượng Tiếng Anh của học sinh thành phố tốt nhờ khá nhiều từ các trung tâm ngoại ngữ.

“Cả thành phố có 700 trung tâm ngoại ngữ. Hầu hết học sinh TP.HCM học thêm ngoại ngữ ở ngoài trường học, một số em vùng ven đô thị có điều kiện kinh tế khó khăn mới không tham gia học thêm ngoại ngữ”, ông Hiếu thông tin.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết nhiều trung tâm ngoại ngữ đã vào trường học tham gia giảng dạy, nhu cầu giáo viên bản ngữ của thành phố hiện rất lớn. Sở GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ để có chính sách đưa giáo viên bản ngữ vào dạy ở trường phổ thông.

Để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong trường phổ thông, TP.HCM có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên.

“Khảo sát chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế của thành phố năm 2012 cho thấy khoảng 5% đạt yêu cầu. Thành phố đã dùng ngân sách Nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế. Đến nay, 70% giáo viên đạt chuẩn”, ông Hiếu nói.

Có cố gắng nhưng còn nhiều khó khăn

Đặt vấn đề ở ngay phần mở đầu tọa đàm, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin ngoại ngữ và công nghệ thông tin là hai công cụ, nếu làm tốt, sẽ thúc đẩy giáo dục phát triển. Thời gian qua, dù ngành giáo dục nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ, kết quả vẫn chưa như mong muốn.

“Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt Tiếng Anh, là việc vừa trước mắt vừa lâu dài và không thể chậm hơn nữa”, ông Nhạ nêu rõ.

Theo bộ trưởng, học Tiếng Anh là quá trình, không thể nóng vội và còn tùy theo mục đích, điều kiện đầu tư, động lực của người học: “Chúng ta chấp nhận sự đa dạng, không cào bằng về trình độ Tiếng Anh. Nếu ngay ở bậc phổ thông có thể đào tạo căn bản được, những cấp học cao hơn sẽ không mất nhiều công sức”.

Đánh giá nội dung, phương pháp, học liệu môn Tiếng Anh thời gian qua đã có đổi mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần có nguồn lực xã hội hóa từ các trung tâm đào tạo ngoại ngữ và khai thác tốt nguồn lực này vào trường phổ thông, bao gồm cả hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

“Chất lượng dạy và học Tiếng Anh phụ thuộc đội ngũ giáo viên. Lâu nay, việc chuẩn hóa giáo viên vẫn theo nguyên tắc nặng bằng cấp, nhẹ thực hành. Phải từng bước hoàn hiện quy trình chuẩn hóa. Thầy cô cần tăng cường giao lưu với giáo viên nước ngoài, nâng cao kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Từ đó, giáo viên cần lưu ý nguồn học liệu mở, học liệu số hóa để mọi người có thể linh hoạt học mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, ngành cần phát triển hệ thống khảo thí chuẩn, có thể kiểm tra trình độ Anh ngữ chính xác, đồng đều, tránh tình trạng mỗi bên một kiểu như hiện nay.

“Quan trọng là tạo được động lực cho người học. Khi họ nhận thấy ngoại ngữ là cần thiết cho việc đi thi, đi làm, giao tiếp hay để biết thêm ngôn ngữ, việc học sẽ dễ dàng hơn và có chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

3 câu hỏi thú vị của đề thi Tiếng Anh THPT quốc gia 2019 Hai chuyên gia của Language Link Academic chia sẻ về 3 câu hỏi thú vị của đề thi môn Tiếng Anh THPT quốc gia năm 2019.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/diem-thi-trung-binh-mon-tieng-anh-3-nam-lien-tiep-deu-duoi-5-post969298.html