Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 27/9/2023: Vàng trong nước tiếp đà giảm

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 27/9: Vàng trong nước tiếp đà giảm; thanh toán qua VietQR tăng hơn 300%...

Vàng trong nước tiếp đà giảm

Giá vàng trong nước rạng sáng nay (27/9) tiếp đà giảm trượt ngưỡng 69 triệu đồng/lượng. Sau khi được điều chỉnh giảm vào rạng sáng qua, giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội giảm tiếp 100.000 đồng ở chiều mua và 150.000 đồng ở chiều bán xuống, lần lượt 68,1 triệu đồng/lượng và 68,9 triệu đồng/lượng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội, giảm 100.000 đồng ở chiều mua và 150.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 27/9: Vàng trong nước tiếp đà giảm. Ảnh minh họa

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 27/9: Vàng trong nước tiếp đà giảm. Ảnh minh họa

Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 68,1 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,82 triệu đồng/lượng. Tại TP. Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được chiều chỉnh giảm 150.000 đồng ở cả 2 chiều.

Thanh toán qua VietQR tăng hơn 300%

Trong năm 2022, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021 xuống mức 6,56% của năm 2022. Tính đến tháng 8/2023, giao dịch rút tiền mặt tiếp tục giảm 15% về số lượng và 19% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng; qua kênh Internet là 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng là 65% và 77%; qua phương thức Việt QR tăng tương ứng là 152% và 301% so với cùng kỳ năm 2022.

Sau hơn 2 năm triển khai quét mã Việt QR, đến nay có 45 tổ chức sử dụng mã này để thanh toán. Tính riêng tháng 8, trung bình mỗi ngày có 20 triệu giao dịch chuyển tiền hằng ngày trong đó có khoảng 20% giao dịch bằng mã Việt QR.

Lê Hàn Quốc bị giả mạo xuất xứ bán tràn lan

Tình trạng gian dối nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc đang tiếp diễn tại một số cửa hàng bán trái cây nhập khẩu trên thị trường.

Tại nhiều cửa hàng bán trái cây nhập khẩu ở Hà Nội quảng cáo lê Hàn không thiếu, có đủ loại được bày trên kệ để khách hàng chọn mua. Trên mỗi trái lê bày trên kệ đều có tem mác in chữ nước ngoài nhưng trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ của loại trái cây này lại không phải ở Hàn Quốc.

GDP khó về đích

Mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025 đều khó về đích, nếu không có những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao.

Trong 15 chỉ tiêu của năm 2023, dự kiến có 1 chỉ tiêu vượt là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều), ước thực hiện 1,1 điểm % (mục tiêu 1-1,5%).

Có 9 chỉ tiêu dự kiến đạt, trong đó có tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước thực hiện 3,5%/4,5%. Các chỉ tiêu còn lại, trong đó có GDP đang được xác định “phấn đấu đạt mức cao nhất”.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hà Nội đề xuất phí sử dụng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

UBND TP. Hà Nội đề xuất mức phí sử dụng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là 1.900 đồng/xe/km (dưới 9 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn). Thời gian dự kiến đưa vào khai thác năm 2027.

Giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/1 lần với mức giá vé tính cho xe tiêu chuẩn, phù hợp theo khung giá được quy định.

Theo UBND TP. Hà Nội, thực tế, chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc hiện nay trung bình khoảng 3 tỷ đồng/km/năm. Với 112,8 km trên tuyến đường Vành đai 4, mỗi năm ngân sách Nhà nước tốn khoảng 300 tỷ đồng.

Mexico kết luận sơ bộ điều tra thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam

Cơ quan Thực thi Ngoại thương (UPCI) thuộc Bộ Kinh tế Mexico đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, biên độ bán phá giá là từ 12,77% - 81,06%. Căn cứ theo Luật Ngoại thương Mexico, thời hạn cho các bên liên quan gửi bình luận và các lập luận phản bác là 20 ngày kể từ ngày ban hành kết luận sơ bộ vụ việc.

Đây là vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại thứ hai của Mexico đối với Việt Nam. Trước đó, nước này cũng đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép mạ vào năm 2021. Dự kiến, kết luận cuối cùng của vụ việc lần này sẽ được ban hành vào tháng 1/2024.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-tin-kinh-te-thi-truong-ngay-2792023-vang-trong-nuoc-tiep-da-giam-274826.html