Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 22/7: Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể 'thoát băng'

Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể 'thoát băng'; Đồng Nai tiếp tục áp dụng bảng giá đất tại từng địa phương; Nhà nước dự kiến góp 10.000 tỷ làm nhà ở xã hội khi lập Quỹ nhà ở quốc gia… là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý.

Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể “thoát băng”

Theo Báo cáo thị trường quý II/2025 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung mới của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong quý đạt hơn 2.300 sản phẩm, gấp đôi quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, có khoảng 3.200 sản phẩm được tung ra thị trường. Dù vậy, con số này vẫn chỉ tương đương năm 2024 và chỉ bằng 29% so với cùng kỳ năm 2022 - giai đoạn thị trường còn sôi động.

Một điểm đáng chú ý là nguồn cung vẫn mang tính cục bộ, khi đến 80% sản phẩm mở bán quý II đến từ một dự án cao tầng tại Hải Phòng. Tỷ lệ hấp thụ của toàn thị trường đạt khoảng 52%, tương đương 1.200 giao dịch thành công. Tính lũy kế, 6 tháng đầu năm ghi nhận khoảng 1.600 sản phẩm được giao dịch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể “thoát băng” (Ảnh minh họa: Internet)

Bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể “thoát băng” (Ảnh minh họa: Internet)

Trong khi đó, báo cáo từ DKRA Group cũng cho thấy, quý II/2025 chứng kiến sự cải thiện đáng kể về nguồn cung ở một số phân khúc nghỉ dưỡng, nhưng thanh khoản vẫn chạm đáy. Cụ thể, phân khúc shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận 31 dự án mở bán với tổng cộng 3.525 căn, tăng 16% so với quý trước, nhưng chỉ tiêu thụ được vỏn vẹn… 42 căn. Tình trạng tương tự xảy ra ở phân khúc condotel, với 47 dự án mở bán tổng cộng 4.712 căn, nhưng lượng tiêu thụ trong quý II/2025 chỉ đạt khoảng 300 căn, tương đương 6%, giảm đến 85% so với quý I/2025.

Đánh giá thị trường từ nay đến cuối năm 2025, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, thị trường sẽ phân hóa rõ theo nhóm khách hàng. Nhóm khách hàng cao cấp với tiềm lực tài chính mạnh vẫn có nhu cầu sở hữu lâu dài các bất động sản nghỉ dưỡng hạng sang như biệt thự biển hoặc căn hộ cao cấp tại các điểm đến nổi bật, được vận hành bởi thương hiệu quốc tế. Ông Châu nhấn mạnh, khả năng bứt phá mạnh là khó xảy ra trong ngắn hạn…

Đồng Nai tiếp tục áp dụng bảng giá đất tại từng địa phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh về việc áp dụng bảng giá đất kể từ ngày 1/7/2025 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận tiếp tục áp dụng bảng giá đất đã được ban hành tại từng địa phương trước khi hợp nhất.

Áp dụng bảng giá đất của tỉnh Đồng Nai (cũ) đã được ban hành theo các quyết định như Quyết định số 56-2022/QĐ-UBND ngày 19/12/2022, Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND ngày 23/5/2023 và Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 27/12/2024.

Áp dụng bảng giá đất của tỉnh Bình Phước (cũ) đã được ban hành theo Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND ngày 12/8/2020 và Quyết định số 52/2024/QĐ-UBND ngày 27/12/2024.

Thời điểm áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2025; trong đó, giá các loại đất tại địa bàn các phường, xã sau khi hợp nhất được căn cứ theo địa bàn các xã, phường, thị trấn trước khi hợp nhất để áp dụng. Bảng giá đất là căn cứ để cơ quan chức năng tính tiền sử dụng đất, tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong sử dụng, xác định giá đất cụ thể theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất…

Việc tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện hành đến hết năm 2025 là nhằm hạn chế ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong sử dụng đất; để các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất có thời gian chuẩn bị và thích nghi, đồng thời tránh tình trạng ùn ứ hồ sơ chuyển đổi đất đai.

Nhà nước dự kiến góp 10.000 tỷ làm nhà ở xã hội khi lập Quỹ nhà ở quốc gia

Theo dự thảo nghị định quy định về Quỹ nhà ở quốc gia của Chính phủ, quỹ này sẽ gồm quỹ nhà ở trung ương do Bộ Xây dựng quản lý và quỹ nhà ở cấp địa phương giao cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh quản lý. Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, Quỹ nhà ở quốc gia sẽ tiếp nhận các đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân.

Trong đó, nguồn vốn của quỹ nhà ở trung ương được hình thành từ vốn chủ sở hữu, nguồn hỗ trợ tự nguyện, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn huy động hợp pháp khác. Cụ thể, vốn điều lệ của quỹ do ngân sách trung ương cấp lần đầu tối thiểu 5.000 tỷ đồng ngay sau khi thành lập, và sẽ nâng mức vốn điều lệ lên tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong 3 năm tiếp theo.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, quỹ cũng được thu tiền bán nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan trung ương đang quản lý theo quy định của pháp luật, vốn bổ sung từ hoạt động của quỹ, vốn khác thuộc sở hữu để bổ sung vốn hoạt động. Đối với quỹ nhà ở địa phương vốn điều lệ của quỹ do ngân sách địa phương cấp và cấp bổ sung, sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua.

Dự thảo nêu rõ, mục tiêu hoạt động của Quỹ nhà ở quốc gia là đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án nhà ở xã hội độc lập, dự án nhà ở xã hội đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để cho thuê. Đối tượng được thuê nhà ở do quỹ đầu tư xây dựng, tạo lập bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Giá thuê nhà ở do quỹ đầu tư xây dựng, tạo lập được thực hiện như trường hợp xác định giá thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Khánh Hòa dự kiến vượt chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội Thủ tướng giao

Ông Nguyễn Thành Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự kiến tỉnh Khánh Hòa sẽ vượt chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Khánh Hòa được giao chỉ tiêu 3.364 căn. Đến cuối năm 2024, tỉnh đã cơ bản hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. Tỉnh Ninh Thuận (cũ) được giao chỉ tiêu 848 căn. Đến cuối năm 2024, tỉnh này đã cơ bản hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. Trong năm 2025, tỉnh Khánh Hòa (trước khi sáp nhập) được giao chỉ tiêu hoàn thành 2.496 căn; tỉnh Ninh Thuận (trước khi sáp nhập) được giao chỉ tiêu hoàn thành 350 căn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (trước khi sáp nhập) có Dự án Nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa đang triển khai xây dựng dự kiến hoàn thành 1.142 căn trong năm 2025; địa bàn tỉnh Ninh Thuận (trước khi sáp nhập) đang hoàn thành 132 căn tại Dự án Khu nhà ở xã hội MK Central City.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập là 10.061 căn (bao gồm 4.436 căn của tỉnh Khánh Hòa và 5.625 căn giao cho tỉnh Ninh Thuận trước khi sáp nhập).

Qua rà soát, tổng hợp các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập, trong giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến sẽ thực hiện hoàn thành các dự án: Nhà ở xã hội Hưng Phú II, Nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, Nhà ở xã hội tại khu tái định cư Thành Hải, Khu đô thị mới Bình Sơn - Ninh Chữ (K2), Khu đô thị mới bờ sông Dinh, Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, Khu đô thị mới Tây Bắc, Dự án Khu nhà ở xã hội OXH 02, Dự án Khu nhà ở xã hội Vĩnh Hải, Dự án Khu nhà ở xã hội CT - 04, Dự án Khu nhà ở xã hội HHO - 05, Dự án Nhà ở xã hội CT - 01. “Dự kiến, tỉnh Khánh Hòa sẽ vượt chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao”, ông Phú cho hay.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-227-bat-dong-san-nghi-duong-chua-the-thoat-bang-730368.html